Duyên Dáng Việt Nam

Ứng dụng chỉnh sửa nhan sắc đang giết chết sự tự tin của phụ nữ?

Quyên Hà • 09-11-2020 • Lượt xem: 1413
Ứng dụng chỉnh sửa nhan sắc đang giết chết sự tự tin của phụ nữ?

Khoác lên mình một dung mạo mới trên mạng xã hội chưa bào giờ dễ dàng đến thế, nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng các ứng dụng chỉnh sửa nhan sắc và các “filter” này đang giết chết sự tự tin của mình?

Các công cụ chỉnh sửa ảnh giờ đây cho phép chúng ta dễ dàng “định hình” lại gương mặt của mình, làm cho chúng thon gọn hơn, tròn trịa hơn hay có chiếc cằm “trái xoan”.

Nhưng thói quen chỉnh sửa ảnh phổ biến tới mức tưởng chừng như động tác “bắt buộc” hàng ngày này thực sự ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của chúng ta.

“Liệu mình có nên bơm môi không nhỉ?” là câu hỏi hiện lên trong đầu tôi gần như mỗi lần tôi lướt Instagram (số thời gian đó có thể lên đến: 24 giờ một tuần).

Thực sự thì, tôi vốn yêu dáng môi bẩm sinh của mình. Nhưng khi tôi dùng quá nhiều thời gian liên tục lướt xem những tấm hình đã được chỉnh sửa đến hoàn hảo của những người nổi tiếng và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, và cả những người trong danh sách bạn bè luôn đăng lên mạng những tấm hình đẹp không tì vết, thật khó để không bắt đầu nghĩ về một danh sách những điều tôi ước mình có thể thay đổi.

Tôi bắt đầu ước mình có một cái cằm dài hơn, gương mặt đầy đặn hơn, da mặt láng mịn hơn..

Danh sách này ngày một dài hơn, khi thời gian sử dụng mạng xã hội của tôi và của phần lớn mọi người ngày một tăng lên, nhất là trong năm 2020 – năm của sự cách ly này.

Trong thời kỳ giãn cách xã hội, những thú vui giản dị thuở xưa như đi du lịch, đi bar, tham gia nhạc hội.. đều bị buộc dừng.

Chúng ta đã bị buộc phải biến ngôi nhà của mình thành trung tâm làm việc và giải trí, cuộc sống dường như chưa bao giờ “ảo” hơn thế: chúng ta bắt đầu hẹn hò người yêu qua Facetime.

Một vài người thậm chí còn tham dự các lễ cưới trên nền tảng họp trực tuyến Zoom. Những người khác thì tổ chức sinh nhật trên ứng dụng Houseparty.

Chưa kể, chúng ta còn “khám bệnh qua điện thoại” với bác sĩ. Và rồi chúng ta tập thể dục trực tuyến với những huấn luyện viên yêu thích.

Vậy là một cách tự nhiên, thời gian chúng ta ngồi trước màn hình vi tính và điện thoại giờ đây đã tăng lên đến mức “cả ngày cả đêm”.

Trong tháng đầu tiên bị cách ly, nhà mạng Comcast của Mỹ cho biết lượng người dùng internet tăng vọt tới 60%.

Trong khi đó, Instagram trở thành nền tảng xã hội có lượng người dùng lớn thứ 2 nước Mỹ được 50% người trưởng thành toàn nước Mỹ sử dụng vào tháng 3/2020 (vị trí số 1 là Facebook, công ty mẹ của Instagram).

Điều này có nghĩa gì? Chúng ta có thể đang tự nhìn ngắm gương mặt mình, và tự đánh giá nó, cả ngày lẫn đêm.

Trong một thế giới mà ngay cả Zoom, nền tảng trực tuyến có lượng người dùng tăng lên hàng triệu chỉ trong tháng 4, cũng có chức năng “cải thiện khuôn mặt”, chúng ta buộc phải tự mỏi mình, liệu việc nhìn chằm chằm vào những tấm hình selfie (seo-phi) này đang gây hại cho sức khỏe tinh thần của chúng ta tới mức nào.

Và tất cả đều hướng đến câu trả lời: nó gây hại một cách đáng lo.

Tiến sĩ tâm lý học Peace Amadi của Đại học Hope International University tại California cho biết, có mối liên hệ mật thiết giữa việc sử dụng mạng xã hội và các vấn đề tâm lý.

Instagram đã bị buộc tội là gây ra những triệu chứng lo lắng và trầm cảm, đặc biệt là lo lắng liên quan tới vẻ bề ngoài, làm tăng cảm giác ghét bỏ cơ thể và suy giảm sự tự tin.

Và giờ đây, khi chúng ta liên tục kiểm tra thông báo mới trên các thể loại mạng xã hội từng phút từng giây, những vấn đề tâm lý này chắc chắn không chỉ gây hại tới cuộc sống của mỗi người, mà còn ngày một tăng lên.

Alec Bayot, một bạn trẻ 21 tuổi sống tại thành phố Los Angeles của Mỹ đã nhiều lần tải xuống rồi lại xóa ứng dụng chỉnh sửa gương mặt Facetune.

Ứng dụng này cho phép người dùng chỉnh sửa hình ảnh gương mặt và cơ thể như thể đất nặn.

Bạn có thể nặn, kéo và làm bự thêm bất cứ chỗ nào bạn muốn. Alec Bayot tâm sự, cô truy cập vào mạng xã hội gần như 24/7.

Cô chọn kiểu tóc, quần áo và trang điểm dựa trên những gì cô thấy trên mạng xã hội.

Còn với Amanda, Wilson, một phụ nữ 32 tuổi đến từ New York cũng sử dụng những “bộ lọc” và ứng dụng Facetune khá thường xuyên.

Cô cải thiện vẻ ngoài của với sự giúp đỡ của những ứng dụng này, đặc biệt là từ khi cách ly xã hội.

Lý do là vì đôi môi được bơm chất làm dầy của cô bắt đầu xẹp xuống về hình dạng ban đầu, còn phòng khám của bác sĩ thẩm mỹ thì bị đóng cửa do dịch bệnh.

Trên ứng dụng, cô bắt đầu làm mượt da, chỉnh cho mặt nhỏ lại và môi dày lên. Và cô thừa nhận thói quen đó chắc chắn đã ảnh hưởng đến cách cô nhìn nhận chính bản thân mình.

Theo Aexis, 26 tuổi, hàng ngày cô xem đi xem lại hình ảnh và video về những cô gái có gương mặt “hoàn hảo” và những đường cong như người mẫu Instagram.

Dần dần, khi nhìn vào gương, cô không thể không so sánh bản thân mình với những hình ảnh đó.

Những người phụ nữ này không phải ví dụ hiếm hoi của việc sử dụng ứng dụng chỉnh sửa nhan sắc.

Theo báo cáo của Lightstricks, công ty mẹ của ứng dụng Facetune, khi có lệnh cách ly xã hội, tổng thời gian người dùng sử dụng ứng dụng này đã tăng lên 20%.

Mặt khác, thời gian chỉnh sửa video của mỗi người dùng cũng tăng lên hơn 25%.

Kể từ cuối năm 2018, đã có tới hơn 100 triệu người tải về các ứng dụng chỉnh sửa nhan sắc của công ty này, trong đó Facetune là ứng dụng được tải nhiều nhất.

Dù cho bạn không thuộc những người sẵn sàng trả 3.99 đô – la (khoảng 92 ngàn đồng) cho Facetune, khả năng cao là bạn cũng nằm trong 1 tỷ người sử dụng các chức năng tăng độ hoàn hảo cho khuôn mặt được thiết lập sẵn trên Facebook, Instagram, Messenger và Portal.

Đó là chưa kể đến những hiệu ứng trên các ứng dụng như Snapchat và Tiktok.

Các bộ lọc hình ảnh với cái tên như “Paris” sẽ nhẹ làm mờ nhẹ các đốm mụn. Các bộ lọc được thiết kế bởi chính người dùng khác có khả năng làm thay đổi hoàn toàn gương mặt bạn. Với một động tác lướt, bắt bạn sẽ trở nên lớn hơn, mũi nhỏ hơn và cằm nhọn hơn.

Đó là chưa kể đến những những bộ mi và son môi ảo mà bạn có thể thêm vào khuôn mặt mình nếu muốn.

Theo tiến sĩ Amadi, đầu tiên những ứng dụng này có vẻ vô hại, nhưng khả năng chỉnh sửa một chút ở chỗ này chỗ kia hoàn toàn có thể leo thang dần, khiến bạn có thể mắc chứng ám ảnh cưỡng chế về một hình ảnh hoàn hảo của chính cơ thể mình.

Sự biến đổi này sẽ khiến bạn quên đi sự thực là không một ai có thể tỏa sáng, bóng bẩy và sở hữu những múi cơ hoàn hảo 24 giờ 7 ngày trong đời thực.

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa mà hình ảnh của mình luôn cần chỉnh sửa trước khi ra mắt mọi người, và điều đó đã vô tình đặt ra những tiêu chuẩn về một vẻ đẹp siêu thực khó mà với tới.

Theo Women’s Health