Khi nói về tuổi thơ, rất nhiều người có sự liên tưởng tức thì tới vùng đồng quê xanh tươi, những trò chơi giữa thiên nhiên xanh mát, có lẽ vì đối lập rõ ràng với vấn nạn trẻ em nghiện màn hình hiện nay và không gian sống bức bí, khó chạy nhảy. Nhưng tuổi thơ ở thành thị của lứa tuổi 8x, 9x không hề buồn chán.
Tin bài khác:
Nhà xuất bản Trẻ chào hè với hàng chục tựa sách thiếu nhi hấp dẫn
Ứng dụng công nghệ mới vào sách trẻ em
Nhiều địa danh quen thuộc của Sài Gòn được nhắc đến một cách trìu mến trong tác phẩm này: Thảo Cầm Viên nhà ai có con nít cũng từng ghé chơi; lăng Ông Bà Chiểu với chảo chuối chiên xèo xèo thơm phức, rạp Đại Đồng có mấy đứa “con nít quỷ” bật ghế ngồi rầm rầm làm ông bảo vệ đi rượt chạy “té khói”, những hàng cây mát rượi ở đường Võ Văn Tần, Trương Định…, Tác giả Nguyễn Khắc Cường có thể xem là một nhà văn “thành thị”, khi bối cảnh của Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch là trong một khu chung cư cao cấp, và Kho báu trong thành phố là phố thị Sài Gòn.
Nhà báo Nguyễn Khắc Cường có nhiều năm làm báo cho tuổi thiếu nhi, thiếu niên. Những tác phẩm của anh trong trẻo và tràn đầy niềm vui. Điểm đặc biệt nơi anh là góc nhìn rất giàu tình cảm và tinh tế, khiến những điều bé nhỏ trong cuộc sống trở nên lung linh rung động.
Sau Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch kể về chú mèo bông xù rất được lòng bạn đọc trẻ, Kho báu trong thành phố tiếp tục là một truyện dài đầy yêu thương và gợi nhớ của tác giả Nguyễn Khắc Cường, diễn ra trong lòng Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Theo chân cuộc đua đi tìm kho báu của cha con bé Kiến, những hồi ức về Thành phố ở thập niên 80 hiện ra sống động, với những khung cảnh vừa quen vừa lạ. Truyện còn là một "bộ sưu tầm" những trò chơi dân gian đã từng làm mê mệt trẻ em cách đây mấy mươi năm: chọi dế, thả thuyền, bắn bi, búng thun… được tác giả mô tả hài hước, chân thực.
Vì lẽ đó, tác phẩm này không chỉ dành cho trẻ em, mà người lớn cũng có thể đọc say mê và mỉm cười với một bầu trời tuổi thơ cũ đang trở lại.
“Kho báu trong thành phố” có lối kể song tuyến, đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Ở tuyến hiện tại - gia đình gồm ba mẹ và con tham gia gameshow thực tế “Cha con số 1” kéo dài 4 tuần cùng những gia đình khác, trong đó các cặp cha-con phải tham gia nhiều thử thách cùng nhau, ở nhiều địa điểm trong thành phố. Tuyến quá khứ là những kỷ niệm tuổi thơ của người cha. Ở tuyến hiện đại, ta thấy một người cha rất mực thương con, tham gia cuộc chơi hết mình cùng con, thực sự là một người bạn lớn, trưởng thành cùng con… Ở tuyến quá khứ, cậu bé Chuột - tác giả sống lại “tuổi thơ dữ dội” với vô số trò chơi của tuổi thơ thành thị và những người bạn, người hàng xóm mang cảm tình sâu đậm.
Tác phẩm của Nguyễn Khắc Cường cũng phản ánh sinh động một gia đình hiện đại: khoảng cách của cha mẹ và con cái thu ngắn, thân thiết và thông cảm với nhau. Những đứa trẻ thời xưa thì nghịch “nổ trời” khiến ba mẹ “đau đầu” kiểu khác, còn những đứa trẻ thời nay thì cần được thuyết phục và đồng hành, chỉ có tình thân gia đình là luôn ấm áp như vậy.
"Hình như lúc còn nhỏ ai cũng mong mình lớn nhanh để khỏi bị bắt ngủ trưa, để được đi chơi tự do, muốn ăn bao nhiêu bánh kẹo tùy thích... Chừng lớn lên, nhiều người lại mơ được nhỏ lại, được tung tăng chạy nhảy vô tư.
Dĩ nhiên ước mơ nhỏ lại đâu thể nào thành hiện thực, nên tôi viết cuốn truyện này để được quay về tuổi thơ, sa đà vô các trò chơi búng thun, tạt lon, bắn bi, chọi cầu, đá cá, bắt dế, tắm mưa, lò cò, chơi u, chơi keng, đánh trỏng, banh lỗ... Những trò chơi khiến trẻ con 40 năm trước mê mệt, quên ăn quên ngủ, giờ không thấy ai chơi nữa, buồn quá chừng!
Không mơ nhỏ lại được thì tôi ước những trò chơi bị ngủ quên đó mau thức dậy, làm bạn với trẻ em bây giờ. Khi cùng nhau chạy nhảy, la hét, rượt đuổi... các em sẽ trở nên lanh tay lẹ mắt, hoạt bát, nhanh nhẹn, ít nguy cơ bị cận thị, béo phì hơn là suốt ngày ngồi một chỗ dán mắt vô màn hình máy tính, điện thoại".
(Tác giả Nguyễn Khắc Cường)