Duyên Dáng Việt Nam

Vẫn còn rất nhiều dư địa cho "chim sẻ" làm nông nghiệp

DDVN • 30-01-2021 • Lượt xem: 992
Vẫn còn rất nhiều dư địa cho "chim sẻ" làm nông nghiệp

Trong bài phỏng vấn trước, ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mong muốn Ngành Nông nghiệp có thêm nhiều "đại bàng" là những doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhảy vào nông nghiệp, song theo vị thứ trưởng này, vẫn còn rất nhiều dư địa cho "chim sẻ" làm nông nghiệp. 

Một tín hiệu rất vui là các tập đoàn lớn trước đây không tham gia vào nông nghiệp thì gần đây đã đầu tư vào lĩnh vực này. Họ vẫn xác định rằng, nông nghiệp không phải là lĩnh vực sinh lời ngay và cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhưng đây đó, tôi thấy rất nhiều doanh nghiệp tâm huyết với nông nghiệp và người ta muốn trở lại đầu tư cho nông nghiệp không phải là với mục đích chỉ làm giàu cho doanh nghiệp mình mà tạo ra một cú hích để thay đổi hình ảnh nông nghiệp Việt Nam.

Đó mới là giá trị cao nhất của việc doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam. Từ giá trị đó, các doanh nghiệp trong thời gian qua đã tạo ra được thế để đưa nông sản nước ta ra nước ngoài cũng như chế biến nông sản ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Chúng ta trân trọng sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bởi cơ cấu lại nông nghiệp thì phải có người dẫn dắt, đó chính là doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi cũng muốn chia sẻ rằng, trong tự nhiên cũng vậy thôi, sẽ có những con "đại bàng", cũng sẽ có những con "chim sẻ".

Chúng ta muốn có nhiều "đại bàng" để dẫn dắt nhưng cũng không được quên những con "chim sẻ" - đó là những hợp tác xã, đó là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư ở các địa phương, mặc dù giá trị có thể không cao nhưng chúng ta hợp lực của các "chim sẻ" lại thì sẽ tạo ra hiệu quả lan tỏa.

Các chương trình đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ là ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới. Những doanh nghiệp, những bạn trẻ trở về từ các đô thị lớn, hấp thụ được tri thức, khi họ khởi nghiệp trong các lĩnh vực cụ thể của nông nghiệp từ phân loại, bảo quản, phân phối sản phẩm, thương mại điện tử... sẽ có tác động lan tỏa ở cộng đồng không kém gì các con "đại bàng".

Nếu chúng ta chỉ đơn thuần canh tác, tạo ra sản lượng thì đâu cần công nghệ thông tin, đâu cần công nghệ sinh học, công nghiệp thực phẩm... Nếu chúng ta chuyển động tất cả những yếu tố như đưa công nghệ về, đưa doanh nghiệp vừa và nhỏ về thì sẽ thu hút được trí thức trẻ về chính nơi các em, các cháu sinh ra. Có như vậy, đến một ngày, chúng ta sẽ không còn phải "ca cẩm" chuyện thanh niên cứ rời bỏ ruộng, bỏ quê, bỏ làng đi tới các khu công nghiệp ở Bình Dương, đi Đồng Nai, đi Hải Dương... 

Trào lưu đó, sự chuyển dịch đó thì nước nào cũng có. Vậy thì chúng ta phải có chính sách như thế nào để kích hoạt được những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp khởi nghiệp ở các địa phương thì các cơ quan quản lý nhà nước phải đề xuất với Chính phủ.

Càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương thì các nhà đầu tư đến họ sẽ có hệ sinh thái ở xung quanh, sẽ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận những công đoạn mà doanh nghiệp lớn không thể làm hết. Khi chúng ta tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là một điều kiện để  kéo các "đại bàng" về hoạt động. Từ đó, sẽ vừa tạo ra giá trị cho doanh nghiệp vừa tạo ra giá trị cho người nông dân. 

Theo báo Dân Việt