Duyên Dáng Việt Nam

Văn hoá cà phê Sài Gòn, Hà Nội đã thay đổi?

Quyên Hà • 22-09-2020 • Lượt xem: 1793
Văn hoá cà phê Sài Gòn, Hà Nội đã thay đổi?

Cà phê vẫn luôn là thức uống buổi sáng quen thuộc của người Việt, từ sinh viên tới nhân viên văn phòng, từ người trẻ tới người già, từ các bác xe ôm tới giám đốc bận trăm công nghìn việc, và rất có thể khi đọc những dòng này, trên tay bạn cũng đang cầm một ly cà phê.

Nhưng không phải ai trong chúng ta cũng biết, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới.

Ngành nông nghiệp trồng trọt và sản xuất cà phê của Việt Nam bắt đầu từ giữa thế kỷ 19, khi người Pháp mang những hạt cà phê đen thơm ngon đầu tiên đến Việt Nam. Sau đó, cà phê bắt đầu được sản xuất đại trà vì thực dân Pháp muốn đẩy nhanh lợi nhuận thu từ thuộc địa.

Trên một đồn điền cà phê thời thực dân.

Tuy nhiên, từ sau những năm 1950, ngành sản xuất cà phê bắt đầu tuột dốc. Ngày nay, Việt Nam đã trở thành nước sản xuất và xuất khẩu hạt Robusta lớn thứ hai thế giới. Quy trình sản xuất Robusta ít tốn kém hơn loại hạt khác, trong khi hạt cà phê chứa nhiều caffeine hơn, lý tưởng cho thị trường các nước phương Tây vốn có nhịp sống nhanh và tiêu thụ nhiều caffeine. Trong khi đó, hạt Arabica thường được trồng trên vùng cao nên những nông trại, những cánh đồng cà phê rộng lớn nhất chỉ được tìm thấy trên Đà Lạt và Buôn Ma Thuột.

Mùa thu hoạch trên một trang trại cà phê hiện đại.

Ngành công nghiệp cà phê đang cung cấp việc làm cho hơn 3 triệu lao động trong nước và có tốc độ phát triển tương đối ổn định. Nhờ có mức giá hợp lý đi đôi với chất lượng, cà phê Việt Nam được đón nhận tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Hương vị tổng hòa từ hai loại hạt

Để hiểu được văn hóa cà phê, bạn cần tìm hiểu một chút về hai loại hạt cà phê phổ biến nhất – Arabica và Robusta.

70% dân số thế giới đang uống cà phê từ Arabica trong khi 30% còn lại ưa chuộng hương vị của hạt Robusta.

Hạt Arabica đòi hỏi nhiều công sức trong quá trình canh tác, do nó chỉ phát triển tại những vùng có độ cao tương đối, và sự phát triển của cây cần nhiều nỗ lực chăm sóc. Trong hạt Arabica có 2% caffeine, tạo cho ly cà phê vị dịu nhẹ và dễ chịu.

Trong khi đó, Robusta có vị đắng hơn và nhìn chung sẽ cho ra một ly cà phê có gu “mạnh”. Vùng Tây Nguyên Việt Nam là nơi có khí hậu lý tưởng cho sự phát triển của giống cà phê Robusta, chứa tới 3% caffein trong hạt.

Người sành cà phê đều biết, mỗi tay pha cà phê sẽ tạo ra những ly cà phê khác nhau. Sự khác nhau đó trước nhất nằm ở nguồn gốc xuất xứ của hạt cà phê mà họ chọn. Thông thường, các chủ quán sẽ pha trộn cả Robusta và Arabica để cho ra vị một ly cà phê họ cho là ưng ý nhất, tỷ lệ này có thể là 3 Robusta – 7 Arabica. Dao động như thế nào là tùy chủ quán và khách hàng họ hướng đến thích vị đậm hay nhẹ, đắng nhiều hay ít.

Cà phê pha phin Việt Nam

Mỗi nền văn hóa trên thế giới đều sở hữu cho mình những dụng cụ pha cà phê riêng biệt. Trong khi các nước Phương Tây thường pha cà phê bằng máy, thì điểm đặc biệt của Việt Nam chính là cà phê phin.

Khi pha bằng phin, chủ quán hoặc người yêu cà phê sẽ cho vào cốc phin từ 2 – 3 thìa cà phê, nhấn đĩa phin vừa phải theo ý mình để nén đủ chặt, không cho nước chảy qua quá nhanh tránh bị loãng. Trong pha phin chuyên nghiệp, bước tiếp theo chính là ủ cà phê.

Ủ cà phê là bước đổ một lượng nước vừa sôi nhỏ lên trên đĩa phin, vừa đủ để ngấm vào lượng cà phê trong phin. Sau đó, ta đổ lên nắp phin một chút nước sôi nữa, đặt cốc phin lên nắp cho nước ngấm từ dưới lên.

Sau khoảng 10 phút hoặc hơn, khi cà phê đã đủ ngấm, người ta mới đặt cốc phin lên ly sứ thấp, nếu là cà phê nóng, hoặc ly thủy tinh cao nếu là cà phê đá. Tiếp theo sẽ là phần thú vị nhất của quá trình: chờ đợi từng giọt cà phê rơi.

Sữa đặc – thành phần đậm chất Việt Nam

Nếu gọi cho mình một ly đen đá hay cà phê sữa đá trứ danh của Sài Gòn, thì ở một số tiệm có lẽ bạn sẽ không phải chờ đợi lâu. Ngoài phin cà phê, sữa đặc là thành phần đặc biệt của một ly cà phê chuẩn Việt Nam.

Nếu dân ghiền cà phê thường uống cà phê đá hoặc nóng, cho thêm chút đường, thì cà phê sữa đá có thể coi là lựa chọn dành cho tất cả mọi người. Cà phê sữa đá Việt Nam nổi tiếng nhờ sữa đặc, nguyên liệu ít được dùng kèm cà phê tại các quốc gia khác. Nếu uống bạc xỉu, người Việt sẽ cho thêm cả sữa đặc và sữa tươi.

Mỗi chủ quán sẽ xác định cho mình bộ công thức riêng, chọn loại sữa đặc và sữa tươi rồi điều chỉnh liều lượng sao cho ly cà phê có hương vị vừa vặn nhất, không quá ngọt, không quá đắng và vẫn phải dậy lên mùi hương cà phê đặc trưng.

Cà phê ở Việt Nam vốn phổ biến nhờ người Pháp, tuy nhiên người Pháp không hề dùng sữa đặc pha cà phê. Vậy việc dùng sữa đặc xuất phát từ đâu?

Có ý kiến cho rằng, khi người Pháp lần đầu tiên mang cà phê tới Việt Nam, vào thế kỷ 19, nguồn cung cấp sữa tươi còn hạn chế. Khi ấy, cả người Pháp và người Việt bắt đầu dùng sữa đặc thay thế, nhằm tăng thêm hương vị và độ ngọt cho cà phê. Qua thời gian, pha cà phê với sữa đặc đã dần trở thành thói quen trong văn hóa cà phê của Việt Nam.

Nâu đá, cà phê sữa đá hay cà phê thương hiệu?

Nâu đá là cách người Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung gọi cà phê sữa đá. Còn đen đá, là để chỉ cà phê đá của Sài Gòn. Riêng bạc sỉu hay bạc xỉu, thì có tên giống nhau ở cả hai nơi.

Để nói về văn hóa cà phê, có thể nói Sài Gòn có lịch sử lâu đời hơn, vơi nhiều hình thức quán đa dạng như cà phê sân vườn, cà phê vỉa hè, cà phê theo chủ đề, cà phê bánh, cà phê acoustic và cả cà phê Ý.

Một quán cà phê cóc Hà Nội trên Phố Cổ.

Trong cùng thời kỳ, ở Hà Nội cũng có những quán cà phê sân vườn, cà phê cóc, cà phê guitar và một số quán cà phê theo chủ đề. Bên cạnh đó, một số gia đình có sẵn mặt bằng trước đây thường mở những quán cà phê nhỏ với vài bộ bàn ghế mây. Cuối cùng, không thể không kể đến một loại cà phê rất nổi tiếng của Hà Nội, được nhiều thực khách trong và ngoài nước yêu thích: cà phê trứng.

Cà phê vợt nổi tiếng lâu đời của Sài Gòn.

Có thể nói văn hóa cà phê tại Sài Gòn đã luôn phát triển mạnh mẽ, khi từ người trẻ đến người già, thuộc mọi ngành nghề, tầng lớp xã hội đều có thể mua cho mình ly cà phê, với giá có thể chỉ từ 8.000 đồng đến hơn 100.000 đồng cho một ly cà phê thương hiệu.  

Tuy vậy, vài năm trở lại đây chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các chuỗi cà phê thương hiệu, với những thương hiệu trong nước và quốc tế, phủ sóng mạnh mẽ trên khắp các thành phố trên cả nước, không chỉ riêng Sài Gòn và Hà Nội.

Có thể nói, cà phê giờ đây không còn đơn thuần là một quãng nghỉ để thưởng thức hương vị ly cà phê hay nạp đầy năng lượng cho ngày làm việc.

Giờ đây, các quán cà phê hiện đại, nhất là cà phê chuỗi hay cà phê thương hiệu, đã trở thành một phần trong lối sống của không ít người Việt Nam. Đó có thể là nơi thư giãn, làm việc, gặp gỡ đối tác, khách hàng, bàn bạc công việc.. hay là nơi tụ họp của nhóm bạn.

Người trẻ có thói làm việc, gặp gỡ bạn bè, đối tác tại các quán cà phê thương hiệu.

Bên cạnh đó, một số thương hiệu quốc tế còn tạo dựng được cho mình một tập khách hàng trung thành, coi thương hiệu là điểm đến của những người có cùng lối sống, một lối sống sành điệu, hiện đại hay hòa nhập quốc tế.

Văn hóa cà phê lâu đời và đặc sắc của Việt Nam hiện nay cũng đã có đại diện trên khắp thế giới, với các quán cà phê lớn nhỏ tại khắp các nước châu Á, châu Mỹ và châu Âu. Một số thương hiệu cà phê Việt được bạn bè quốc tế ưa chuộng vì hương vị đậm đà và độc đáo. Thêm vào đó, cách pha cà phê bằng phin và công thức pha cà phê bằng sữa đặc của Việt Nam cũng được nhiều người nước ngoài ưa chuộng.

Hi vọng rằng trong một tương lai không xa, thương hiệu cà phê Việt sẽ gây được tiếng vang lớn hơn nữa, để thế giới không chỉ biết đến Việt Nam như quốc gia xuất khẩu nguyên liệu cà phê lớn thứ hai thế giới, mà còn là quốc gia sở hữu những thương hiệu cà phê tiếng tăm nhất, sánh ngang với những tên tuổi lớn trong ngành phân phối và bán lẻ cà phê hiện đại.