VĂN HÓA

Về B’lao, tìm ‘quái nhân’ Sơn núi (Kỳ 1)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 05-09-2019 • Lượt xem: 9234
Về B’lao, tìm ‘quái nhân’ Sơn núi (Kỳ 1)

Cách đây không lâu khi DDVN đưa bài viết về nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, biệt danh Sơn Núi lâm bệnh nặng đã được nhiều độc giả quan tâm. Bạn đọc muốn biết thêm về tình hình sức khỏe của ông sau một tháng vào bệnh viện kể từ lúc bài viết được đăng. Vì lý do đó, DDVN đã thực hiện chuyến đi về tận Phương Bối - Đại Lão Sơn - B’lao thăm ông và trực tiếp ghi nhận những thông tin về sức khỏe, cùng tìm hiểu xung quanh việc thực hiện di cảo cuối cùng của “quái nhân” Sơn Núi.

Đọc thêm:

Sơn Núi, chuyện đời quái dị và những câu thơ huyền thoại

Về độ quái kiệt, Sơn Núi được xem là một trong ba nhân vật cùng Bùi Giáng và Phạm Công Thiện.  Trong “tứ trụ” thơ miền Nam, tôi nghĩ, sẽ không quá chênh lệch khi đặt thi sĩ “cùng chiếu” với Thanh Tâm Tuyển, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Những câu thơ kinh khủng như “anh sẽ đến bất ngờ ai biết trước / miệng khô rồi nẻo cực lạc xa xôi / ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người / em chưa đái mà hồn anh đã ướt” có thể tiếp tục còn bàn cãi về tính thơ hay độ nhân từ của thơ từ hôm qua, hôm nay đến hôm sau nhưng tôi chắc nó đã ghim thẳng vào hồn người đọc như một trái phá. Hay Đã gần sáu chục tuổi rồi / Làm thơ trắc nết như hồi hai mươi / Gặp em thuở tóc đang bay / Chòi hoang nằm mộng hai tay tuột quần”.  Ô la la, chữ với nghĩa! Và thế giới của ông còn khiếp đảm ghi dấu trong nhiều nữa các tác phẩm thi ca, văn xuôi, tùy bút, khẩu ngôn truyền bát… đã và chưa hay không thể công bố. Để hiều được Nguyễn Đức Sơn với cách xử thế “bỏ chốn người lên núi ẩn” gần hết một đời quả là không dễ và không thể hồ đồ. Thách thức các nhà nghiên cứu phân tâm học, logic học và phê bình văn học. Có lẽ cứ để ông bay lượn đau đớn như thế thì dễ chịu hơn. Chuyện của người không phải việc của ta (!?). “Vâng tình tôi thì cũng không nhiều / Coi tất cả chỉ là bọt nước / Vâng tất cả chỉ là bọt nước”. Và hoang vu, ta bà, chập chùng bát ngát, cõi mộng hoang sơ. “Tôi chỉ có lửa / Và tịch mịch / Trong người”. (thơ Sơn Núi).

Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn - Tranh họa sĩ Đinh Cường

Đến hôm nay, những ngày cuối, những giờ cuối của Đại lão!...

Tôi hoàn toàn không nghĩ chuyến đi lại vấp nhiều trở ngại như thế. Trước nhất là thời tiết. Từ Hà Nội, sau những ngày tìm kiếm tư liệu ở Viện Viễn Đông Bác Cổ (École française d'Extrême-Orient - EFEO) về những kiến trúc thời Pháp thuộc và KTS. Ngô Viết Thụ, tôi vào Sài Gòn hôm trước, hôm sau đã đi Đà Lạt. Vì bệnh tình của Sơn Núi đang là nỗi quan tâm lớn của bạn đọc và chuyến đi đã hẹn cùng Đại đức Thích Giới Lực Nguyễn Đức Vân, con trai ông.

Chân dung thi sĩ Sơn Núi (Ảnh của DDVN chụp lúc 16h chiều 3.9.2019) tại Phương Bối - B'lao

Đột ngột không dự tính, chuyến đi của tôi đã rơi vào giữa tọa độ ngày thứ hai của một cơn bão lớn. Tuy trung tâm thời tiết đã suy đoán cơn bão yếu đi trên đường di chuyển từ biển bạt vào dãy Trường Sơn và chỉ tạo thành một cơn áp nhiệt đới có mưa nhỏ nhưng thực tế hôm trước ở Đà Lạt tôi đã chứng kiến những cơn mưa tối tăm trời đất. Mưa lớn đến mức từ cà phê Tùng tôi muốn chạy băng qua nhà sách bên kia Cối Xay Gió để tìm một cuốn sách cũ “Phố những cửa hiệu u tối” của Patrick Modiano và một cái bánh mì ăn đỡ nhưng không thể đi. Mưa trút xuống bay chéo từng hạt chém sắc vào cửa kính khiến từ bên trong cà phê Tùng nhìn ra chỉ thấy bóng người, bóng xe loang loáng phiêu dạt. Phố núi đã lạnh lại mưa càng làm tôi co ro. Thứ hai có vài chuyến xe thay đổi giờ xuống núi vì tránh bão. Thành thử chuyến đi đã hẹn trước đành bỏ dỡ. Tôi không thể xuống B’lao sớm hơn như dự định để có thể chụp một số shoot hình đẹp cuối ngày chiều xuống tận tuyệt.

Tôi đã đặt chỗ trên chuyến Limousine rời Đà Lạt lúc 3 giờ chiều để xuống Bảo Lộc tìm vào Đại Lào đến đồi trăng Phương Bối hỏi thăm nơi thi sĩ Sơn Núi tá túc. Trước đó khi chúng tôi đến thăm vợ chồng nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự , một tên tuổi ở Đà Lạt thì trời vẫn không ngớt mưa. Căn nhà có tên Động Hoa Vàng nằm thoai thoải bên dốc đồi dưới thung lũng gây cho tôi một cảm giác rất yên bình, rất đặc trưng của Đà Lạt. Đó là tâm lý “sống cái nhà thác cái mồ” đặc trưng của người Việt. Vậy mà thật lạ, có một thi sĩ từ năm 20 tuổi, trong thi phẩm “Những bài tình đầu” ông tuyên bố kim chỉ nam của đời mình là  “Sống vô gia cư, chết vô địa táng”!  Và đây, tôi đang khởi đầu chuyến hành trình đi tìm hiểu ông.

Thi - nhạc sĩ Nguyễn Đức Vân cùng người viết bài trước căn nhà huyền thoại trong rừng thông Phương Bối Am - Bảo Lộc của Sơn Núi (Ảnh: Hoàng Thu An)

***

Dĩa nhạc không lời  của Johann Sebastian Bach tua được vài vòng lẫn lộn trong vài dĩa khác giúp tôi chìm sâu vào giấc ngủ vùi thì tài xế Limousine gọi bảo tôi xuống. Thì ra xe đã vào tới Bảo Lộc, nguyên thủy là B’lao. B’lao, cái tên hay như thế đã không còn được giữ. Ở đây, cách chừng nửa thế kỷ, Trịnh Công Sơn dạy học và viết những nhạc bản đầu tiên mang vẻ sầu úa, mưa gió. Đặc biệt bài “Lời buồn thánh” với những câu “Chiều chủ nhật buồn / Nằm trong căn gác đìu hiu / Nghe tiếng hát xanh xao cả một buổi chiều / Bạn bè rời xa chăn chiếu / Ô hay mình vẫn cô liêu”. Và để “Tôi xin năm ngón tay em thiên thần / Trên vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi / Tôi tôi xin năm ngón tay em, đưa vào cô đơn” chính là viết ở B’lao - Bảo Lộc. Những ngày tháng ông vửa rời trường Sư phạm ở Quy Nhơn lên nhận nhiệm sở ở cao nguyên. Đó là Sơn Trịnh, còn Sơn Núi thì lại khác! Từ năm 1979, thi sĩ Nguyễn Đức Sơn đã rời phố thị phồn hoa để đưa cả gia đình lên Phương Bối sống. Tuy vậy, theo tìm hiểu của tôi thì tử trước đó, ông đã gắn bó với miền đất này, ông đã dây dưa với Cao nguyên Langbiang khi còn rất trẻ. Một ví dụ cụ thể như bài thơ nổi tiếng “Đêm thăm bạn sắp đẻ ở Di Linh” viết từ trước năm 1970, công bố trên báo văn chương Sài Gòn gây sửng sốt người yêu thơ hồi đó. Cùng với bài thơ “Hãy cho anh khóc bằng mắt em Những cuộc tình duyên Budapest” của Thanh Tâm Tuyền bài thơ Sơn Núi đầy những câu ám ảnh, mang tiết tấu jazz và đặc biệt liên kết đậm đặc các thủ pháp, các địa danh quốc tế, mở rộng trường nghĩa biên giới thơ Việt. “Sắp đẻ ở Di Linh” không còn thuộc về Di Linh nữa mà là một kiệt tác trong những bài thơ hay viết về “Cái đẹp thiêng liêng Nữ tính” của Việt Nam và thế giới! Vẻ đẹp cao cả nhất mà Thượng đế trao tặng cũng như thử thách họ. Những bà mẹ ươm mầm thiện lành, sinh từ, vỗ về và xây dựng thế giới. Đó là nhận định của riêng tôi về bài thơ này.  

Sắp đẻ ở Di Linh cây cối chào chị
Sắp đẻ ở hư không rừng và chị ôm nhau hát

Tôi giấu mặt đi ven hồ lạnh giá
Căn nhà gỗ phần mộ thanh xuân
Những ván thông dày đặc gỗ quan tài
Của tóc của chị của tình nhân
Của dương cầm bỏ phế đúng một năm

Sắp đẻ ở Di Linh cô đơn hùng dũng
Chị thu mình như một con mèo mun
Chị thu mình như một vũ nữ Ba Lan
Chị thu mình như một đĩa hát cũ
Oh my tormented heart
Buổi chiều chết trên cây thánh giá

Hãy quên tôi như một mũi tên
Hãy quên tôi như một loài chim đêm
Anh đưa chị về đây để tự vận
Chị thổ huyết ba lần tôi chứng kiến
Khi rừng già thấp xuống thấp xuống
Buổi sáng chị tắm sương mù
Buổi chiều chị đốt cỏ để hong đời chị
Hiu hắt như đời tôi chị đứng lên
Hai mươi bảy năm tuột mất thanh xuân

Ôi nắng vàng dòng thác Gougah
Rừng và chị ôm nhau hát
 
Sẽ đẻ ra một đứa con
Rừng và chị ôm nhau chết 

Theo tìm hiểu của tôi xuất tích bài thơ này, Sơn Núi viết tặng một người bạn ông, nữ sĩ Phùng Thăng. Phùng Thăng và Phùng Khánh là hai chị em, cũng là hai “kỳ nữ” trong văn chương miền Nam với rất nhiều giai thoại đặc sắc. Phùng Thăng và chị của mình đồng dịch giả cuốn “Câu chuyện dòng sông” một kiệt tác của nhà văn Hermann Hesse. Nguyên tác cuốn sách vĩ đại này có tên là "Siddhartha". Phiên âm theo cổ ngữ tiếng Ấn có nghĩa "người đã đạt được những mục đích của mình" hoặc “kẻ chiến thắng". Nhân vật chính trong tiểu thuyết Hermann Hesse là Đức Phật. Nội dung câu chuyện xoay quanh những vấn đề, những câu hỏi sinh tử ngài chứng thực, nghiệm thấy để quyết định bỏ ngai vàng  xuất gia.  Bài thơ của Sơn Núi tặng cho Phùng Thăng trước của sinh nở, sinh tử đã lưu danh một huyền thoại đẹp.

Một số tác phẩm nổi tiếng của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn gia đình còn giữ được.

***

Giấc ngủ chập chờn êm nhẹ trong dĩa Johann Bach, khiến tôi quên những chặng đường đèo quanh co, đánh võng.  Khi người tài xế kêu dậy, choàng tỉnh, tôi thấy xe đã vào B’lao. Trời tối thẳm. Một cơn mưa nặng hạt lại rền rĩ đổ xuống. Đang phân vân chưa biết cuộc lữ tới nên thế nào thì chợt có một cú điện thoại. Một người lái taxi quen thuộc với gia đình Vân đã chờ sẵn để đón tôi vào thẳng Đại Lào - Phương Bối. Hành trình thêm khoảng mười lăm cây số. Trong cái nhập nhoạng tranh tối tranh sáng đó bỗng dưng trong lòng tôi hiện lại rưng rưng nhiều mối thương cảm. Cũng đã có nhiều thời gian Sơn Núi đã sống ở đất này là chính ông dựng nên nhiều huyền thoại văn hóa. Những câu thơ như không còn của ông mà khi đến với nhiều tâm hồn, nhiều miền đất. Xe qua những con đường gập ghềnh bị cày xới tan nát. Tận nơi sâu thẳm của rừng núi cũng không còn mấy thanh bình nữa. Nhà cửa, trang trại đã ngổn ngang đe dọa, thấp cao.  Vẻ đẹp của văn minh giết chết hoang dại, tiêu sơ. Có thật lâu đài, điền trang càng hoành tráng thì con người càng tiến bộ? Vậy sao trong thơ “Quái nhân” buồn đến vậy:“Núi thần vây bủa đười ươi / Lang thang tôi kiếm con người hôm nay”. Con người đích thực, đúng nghĩa hôm nay đang ở đâu?

Đại đức Thích Giới Lực đã đứng chờ tôi giữa đồi sim heo hút. Chúng tôi ôm nhau trong khi gió rít gào, bão lộng. Cơn mưa chiều nặng hạt còn không chia cắt chúng tôi. Sau mười năm tan hợp “Sài Gòn – chợ Lớn rong chơi” mới gặp lại nhau. Ngày xưa là thi - nhạc sĩ Nguyễn Đức Vân. Bây giờ là Tu sĩ. Ai trong tâm hồn ấy đã là bạn của tôi? Hay cả hai từ vô lượng?  

Tôi không ngồi vào bàn trà đã bày sẵn mà giục Vân sang thăm thi sĩ Sơn Núi.

Từ vườn Ca Dao của Vân sang Phương Bối chúng tôi lại tiếp tục đi tắc-xi. Vân bảo không xa lắm nhưng mưa gió đã làm con đường lầy lội, hiểm trở. Gió mỗi lúc một lớn. Mưa xiên nhức nhối nặng hạt. Trời tối sầm không còn nhìn thấy gì nữa. Chúng tôi phải tiếp tục lội bộ vì nước đã ngập sâm sấp. Xe không thể đi được nữa mà đứng ngoài đợi.

Và như vậy, tôi đã đến được Phương Bối của Đại lão Thi sĩ!

Nhưng thật bất ngờ! Tất cả mọi việc bỗng phút chốc đổ nhào tan tành không như tôi đã hình dung và mong đợi…

Nguyễn Hữu Hồng Minh trước một bài Kệ mà lão Thi sĩ vẫn niệm hàng ngày. "Ta có một căn nhà / Xây lợp bởi mẹ cha / Tám mươi năm lui tới / Gần đây rồi sắp hoại / Sớm liệu dời nơi khác..." (Ảnh: Hoàng Thu An)

(Còn tiếp)