Duyên Dáng Việt Nam

Về Ninh Bình nghe kể chuyện xưa

Ngọc Ngân • 05-03-2021 • Lượt xem: 1995
Về Ninh Bình nghe kể chuyện xưa

Vua Trần Thái Tông – vị vua đầu tiên của vương triều Trần đã nhường ngôi cho con sau thắng lợi cuộc chiến chống đế quốc Nguyên – Mông lần thứ nhất năm 1258. Ngài đã vân du khắp giang sơn đất nước để ngoạn cảnh và tìm chốn tĩnh lặng tu thiền. Và Ngài đã chọn Ninh Bình làm điểm đến của phần còn lại đời mình. 

Dừng chân tại Tràng An, Ninh Bình, thượng hoàng Trần Thái Tông bị cuốn hút bởi vùng không gian xanh biếc với núi rừng cây cỏ, sông ngòi uốn khúc, hang động kì bí, mây vờn núi, núi ẩn trong mây. Ngài ví nơi đây như chốn tiên cảnh và muốn tận hưởng ngày tháng thong dong tạm xa cõi phàm trần. Ngài đã hạ lệnh xây am, dựng tượng thờ Phật để tu hành.

Cũng vào thời điểm đó, thượng hoàng Trần Thái Tông với tầm nhìn xa trông rộng đã nhận ra địa thế hiểm yếu của khu vực núi rừng Ninh Bình, liên thông được đến hành cung Thiên Trường ở Nam Định. Hơn thế với hệ thống núi đá vôi dày đặc, rừng cây rậm rạp dễ phòng thủ, đây rõ ràng là nơi đắc địa để xây dựng một cứ điểm phòng thủ lâu dài, có thể dễ dàng rút quân từ Thăng Long, Thiên Trường về theo đường sông trong trường hợp bị truy kích.

Theo lời tấu của danh sỹ Trương Hán Siêu – người Ninh Bình và là môn khách của Trần Hưng Đạo, người có học vấn uyên thâm thời đó, các vua triều Trần đã chiêu mộ dân lưu tán khai hoang lập ấp, tiến hành sản xuất nông nghiệp, tôn tạo những nơi xung yếu.

Từ một vùng rừng núi hoang vu, hành cung Vũ Lâm được xác lập là một căn cứ địa quan trọng để tích trữ lương thảo, rèn luyện quân binh sẵn sàng ứng phó với quân xâm lược Nguyên Mông. Trong nhiều trận chiến với Đại Việt, vó ngựa của quân Nguyên Mông vốn chỉ quen chinh chiến nơi thảo nguyên rộng lớn đã bị khóa chân tại căn cứ Vũ Lâm của vua tôi nhà Trần.

Hành cung Vũ Lâm nằm ở phía Nam của quần thể danh thắng Tràng An – Ninh Bình. Trải dài trên một địa bàn khá rộng của 4 xã Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Xuân và Ninh Vân thuộc huyện Hoa Lư, hiện vẫn còn khá nhiều di tích và nhiều địa danh mang dấu ấn lịch sử như làng Hành cung là nơi vua ở, làng Tuân Cáo là nơi các quan vào trình báo vua, cánh đồng Trường Thi là nơi quân lính tập trận, Bến Thánh là bến thuyền tập kết thủy quân, làng Thiện Trạo là nơi có những tay chèo thuyền giỏi, làng Hạ Trạo là nơi gác mái chèo khi vào đến Hành cung…

Triều Trần là vương triều sùng đạo Phật nên tại Hành cung Vũ Lâm, đã có rất nhiều ngôi chùa được xây dựng. Có tới 24 ngôi chùa cổ từ thời Trần vẫn còn tồn tại đến ngày nay như chùa Bích Động, chùa Linh Cốc, chùa Hành Cung, chùa Phúc Hưng…

Theo Heritage