Duyên Dáng Việt Nam

Vẽ tranh - “lối tắt” để hiểu hơn về con

Đông Phú • 22-11-2017 • Lượt xem: 11344
Vẽ tranh - “lối tắt” để hiểu hơn về con

Việc hiểu con trẻ luôn là vấn đề nan giải của các bậc phụ huynh. Càng quan tâm con, cha mẹ càng muốn biết trẻ nghĩ gì, trẻ cảm thấy như thế nào, nhất là ở giai đoạn trẻ chưa nói rành rọt hoặc chưa giỏi diễn đạt suy nghĩ của mình. Lúc này, việc cho trẻ tự do vẽ tranh chính là "lối tắt" để hiểu hơn về con mình.

Tranh vẽ là một trong những hình thức trung thực và tự nhiên nhất mà trẻ dùng để truyền tải suy nghĩ của mình. Trên trang giấy với những nét vẽ ngây thơ, trẻ thể hiện thái độ cũng như cảm xúc của mình đối với cha mẹ, anh chị, ông bà, thầy cô... Hoặc có khi qua những bức vẽ đơn giản, phụ huynh cũng hiểu được cách nhìn nhận, quan sát thế giới xung quanh của trẻ. Vì những lý do này mà những bức tranh vẽ của con chính là cầu nối tuyệt vời để cha mẹ thấu hiểu tâm tư, tình cảm của trẻ nhỏ.

Tranh ngôi nhà thể hiện mong muốn được yêu thương, sum vầy - Ảnh: Internet

Để có thể "phân tích" được bức tranh của trẻ, đầu tiên cha mẹ phải nắm bắt được khoảng thời gian con vẽ tranh đó. Những trẻ từ 2-4 tuổi thường chỉ vẽ những nét nguệch ngoạc và thể hiện những ý nghĩ giản đơn của mình. Năng lực nhận biết và cơ thể của trẻ cũng dần phát triển trong thời gian này, trẻ sẽ dễ dàng điều khiển tay linh hoạt và mô tả cuộc sống quanh mình qua nhiều bức vẽ. Bắt đầu từ 4 tuổi, trẻ có thể vẽ những hình dạng mang tính chất rõ nét, thể hiện tâm trạng, cảm xúc nhiều hơn. Và thông qua những hình ảnh này, cha mẹ có thể đoán được tâm lý trẻ thơ.

Mỗi bức tranh đều ẩn chứa những tâm tư, tình cảm của trẻ - Ảnh: Internet

Nến thực sự muốn hiểu con, cha mẹ nên để trẻ tự do vẽ tranh theo ý tưởng riêng của trẻ. Những bức tranh có sự trợ giúp hoặc khơi gợi cảm hứng của cha mẹ thường không thực sự phản ánh đúng tâm lý của trẻ. Khi vẽ tranh bằng những trải nghiệm của trẻ với gia đình và bạn bè, trẻ sẽ có tâm trạng hứng thú hơn. Bên cạnh đó, nếu trẻ đặt câu hỏi với cha mẹ trong khi vẽ, chúng ta nên trả lời rằng: “Hãy vẽ theo những gì con muốn”. Hơn nữa, trẻ cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường chung quanh, dễ dàng vẽ bắt chước theo các anh, chị hoặc các bạn đồng trang lứa đang vẽ cùng. Do vậy, các bạn nên để bé tập trung vẽ trong không gian yên tĩnh, riêng tư.

Việc quan sát quá trình trẻ vẽ tranh cũng quan trọng không kém việc phân tích bức tranh mà bé đã hoàn thành. Chúng ta có thể thấy điều này thông qua thái độ khi trẻ vẽ tranh một cách tích cực với biểu hiện tự tin cũng như sự hoạt bát. Ngược lại, nếu trẻ liên tục do dự khi vẽ hoặc hay tẩy xóa nét vẽ của mình thì chúng ta có thể suy đoán rằng trẻ đang thiếu tự tin hoặc tâm lý bất an.

Những bức tranh nguệch ngoạc đôi khi lại chính là bằng chứng tội ác khủng khiếp - Ảnh: CEN

Tâm hồn non nớt của trẻ con thường thể hiện hết qua những nét vẽ. Đã có nhiều trường hợp, cha mẹ phát hiện những tổn thương mà con trẻ phải chịu đựng từ việc "đọc hiểu" tranh vẽ của con. Những bức tranh nguệch ngoạc đôi khi lại chính là bằng chứng tội ác khủng khiếp. Thế nên, cha mẹ hãy nên thường xuyên quan tâm, bên cạnh con trẻ, cố gắng hiểu bé qua lối tắt vẽ tranh để giúp con phát triển và bảo vệ con trước những nguy hiểm xung quanh.