VĂN HÓA

Vì sao diễn viên Hollywood lo ngại AI?

DDVN • 21-07-2023 • Lượt xem: 2987
Vì sao diễn viên Hollywood lo ngại AI?

Đài CNN chỉ ra diễn viên cũng có lý do lo ngại trí tuệ nhân tạo (AI) cướp đi việc làm của họ như giới biên kịch.

Tuần trước, hơn 160.000 thành viên Hiệp hội Diễn viên màn ảnh và Liên đoàn Nghệ sĩ truyền hình - phát thanh Mỹ (SAG-AFTRA) tham gia đình công cùng với biên kịch, sau khi đàm phán giữa tổ chức này với các hãng phim cùng dịch vụ phát trực tuyến đổ vỡ. Đàm phán đổ vỡ vì nhiều vấn đề, trong đó vấn đề gây tranh cãi nhất chính là việc sử dụng AI.

AI dường như đe dọa đến biên kịch nhiều hơn diễn viên. Nền tảng như ChatGPT có thể viết mọi thứ, từ luận văn đến tóm tắt pháp lý. Hiệp hội Biên kịch Mỹ trước đó yêu cầu đặt ra giới hạn với AI.

Nhưng SAG-AFTRA cũng lo ngại không kém. Chủ tịch Fran Drescher tuyên bố: “Nếu chúng ta không đứng lên bây giờ, tất cả sẽ gặp rắc rối. Tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc”.

Chống lại diễn viên ảo

Công nghệ CGI tạo ra diễn viên ảo bằng máy tính đã quá quen thuộc tại Hollywood. Giống như máy tính thay thế họa sĩ hoạt hình vẽ nên 24 hình cho mỗi giây phim, AI cho phép sử dụng CGI dễ dàng hơn, rẻ hơn để cho ra đời cảnh diễn xuất của diễn viên không có mặt. SAG-AFTRA cáo buộc các hãng phim muốn loại bỏ công việc diễn xuất.

Đây không phải nguy cơ trên lý thuyết mà đã xảy ra. Hàng loạt nội dung deepfake (giả mạo nhân vật nào đó) do AI tạo ra tràn ngập trên mạng xã hội, chỉ là chưa xuất hiện trên phim ảnh hay chương trình truyền hình mà thôi.

AI đặc biệt “nguy hiểm” với diễn viên quần chúng, vô danh trong nhiều bộ phim - vốn là công việc cho phần lớn thành viên SAG-AFTRA. Theo trang IGN, lý do chính thúc đẩy SAG-AFTRA tổ chức đình công là các hãng phim muốn dùng AI sao chép gương mặt diễn viên cho mục đích lâu dài, chẳng hạn như thay đổi hoặc tái tạo chân dung của diễn viên đó trong nhiều dự án.

Liên minh Các nhà sản xuất phim và chương trình truyền hình (AMPTP) nói rằng trong đề xuất đàm phán của mình có đặt ra thêm biện pháp bảo vệ diễn viên trước AI cũng như bảo vệ “hình ảnh số của người biểu diễn”, chẳng hạn yêu cầu phải được người biểu diễn đồng ý mới có thể tạo, chỉnh sửa hay sử dụng hình ảnh số.

Phía SAG-AFTRA cảm thấy không thuyết phục. Ông Duncan Crabtree-Ireland, người đại diện hiệp hội đứng ra đàm phán, cho biết: “Họ đề xuất quét hình ảnh diễn viên quần chúng, trả tiền một lần rồi công ty sở hữu hình ảnh, sử dụng mãi mãi cho bất cứ dự án nào mà chẳng cần sự đồng ý lẫn bồi thường”.

AMPTP phủ nhận phát ngôn trên, khẳng định hình ảnh của diễn viên quần chúng chỉ được sử dụng cho phim mà diễn viên đó có tham gia.

Khó cấm hoàn toàn AI

Giới chuyên gia nhận định bất kể đàm phán diễn ra thế nào đi nữa, sẽ không thể có quy định cấm hoàn toàn việc sử dụng AI tạo diễn viên ảo. Nhiều khả năng các bên sẽ thiết lập được quy tắc sử dụng cùng mức bồi thường tối thiểu cho diễn viên.

Dùng CGI tạo trình diễn ảo đã tồn tại nhiều thập kỷ, chẳng hạn đám đông trong phim thể thao hay binh sĩ trong phim chiến tranh. Hơn 20 năm trước, các hãng phim thỉnh thoảng sử dụng CGI tạo cảnh cận nhân vật đang nói khi không có diễn viên.

Theo giới chuyên gia, tốc độ phát triển thần tốc của AI khiến đàm phán trở nên khó khăn. Chuyên gia máy học Rowan Curran (công ty tư vấn Forrester) nhận định: “Công nghệ này phát triển rất nhanh nên trong một khoảng thời gian ngắn rất khó để xây dựng nên một bộ quy tắc hướng dẫn chi tiết không bị lỗi thời”.

Giáo sư Joshua Glick (Đại học Bard) cho rằng: “Nỗi lo không chỉ vì những gì xảy ra ở hiện tại mà còn là ở tương lai”.

Đàm phán về AI sẽ bùng nổ ở nhiều lĩnh vực khác

Theo giáo sư Andrea Schneider (Trường Luật Cardozo): “Tôi nghĩ đạt được thỏa thuận rất khó vì họ đang đàm phán về một thứ mà không ai biết chắc sẽ đem lại tác động gì trong nhiều năm tới”.

Giới chuyên gia nhận định đây sẽ không phải lần cuối vấn đề AI được đưa ra đàm phán lao động. Ngân hàng Goldman Sachs từng dự đoán có tới 300 triệu công việc toàn thời gian trên toàn cầu có thể được tự động hóa bằng trí tuệ nhân tạo.

“Diễn viên và biên kịch đóng vai trò lực lượng tiên phong. Họ đứng ra đối đầu với vấn đề này trước tiên”, giáo sư David Gunkel (Đại học Bắc Illinois) cho biết.

Theo Cẩm Bình/1thegioi.vn