Duyên Dáng Việt Nam

Viết cho các 'Samurai xanh'

Nhật • 04-07-2018 • Lượt xem: 743
Viết cho các 'Samurai xanh'

Bóng đá Nhật Bản, Nippon hay xứ sở hoa Anh đào vừa tạo một niềm cảm hứng rất tươi mới, đánh thức tiềm lực cho cả châu Á, trong đó có bóng đá Việt Nam. Nó không chỉ đến từ trận đấu giàu cảm xúc với đội tuyển Bỉ tại vòng 1/8 FIFA World Cup 2018 vừa kết thúc, mà là cả một quá trình bền bỉ, tích lũy, là khát vọng vươn lên, tự cường.

Năm 1992, J-League ra đời như một đòi hỏi tất yếu của lịch sử: Phục vụ nhu cầu giải trí và nâng cao tầm vóc của người Nhật, sau khi đất nước mặt trời mọc đã có những bước tiến vĩ đại về kinh tế. Và, chỉ 6 năm sau, đội tuyển Nhật Bản lần đầu tiên góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh - FIFA World Cup 1998. Bóng đá Nhật đã chào thế giới theo cách đó.

6 kỳ World Cup liên tục, Nhật Bản chưa từng lọt vào tứ kết, dù đã có năm họ là đồng chủ nhà (FIFA World Cup 2002), nhưng người ta vẫn cảm nhận được tham vọng của bóng đá xứ Phù Tang. Họ nâng cấp J-League bằng cả chất xám nội lực và ngoại lực, xuất khẩu cầu thủ đi khắp thế giới, Nhật Bản trở thành cường quốc số 1 của bóng đá Á châu.

Trận đầu ra quân với Colombia, họ nhẹ nhàng đả bại đội bóng Nam Mỹ. Lần thứ 2 xuất tướng, Nhật Bản hòa Senegal trong một trận đấu đầy cảm xúc, không thua gì cuộc đối đầu mới nhất với Bỉ. Cuộc cách mạng về thể chất của người Nhật đã đạt được những thành tựu to lớn: Bây giờ, cầu thủ Nhật Bản có thể đua sức với bất kỳ nền bóng đá nào đến những giây cuối cùng.

Trong quá khứ và cả hiện tại, người Nhật Bản ước muốn "vẽ lại thế giới" ở nhiều địa hạt khác nhau và họ đã thành công một vài trong số đó, nhưng bóng đá thì chưa thể. Lịch sử phát triển J-League mới chỉ 26 năm, rõ là còn quá non trẻ so với chúng bạn. Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ dừng lại ở sự khơi gợi thôi, thì các võ sỹ Samurai xanh đã xứng đáng được vinh danh rồi.

So sánh thì khập khiễng, nhưng phải có chút liên tưởng nào đó giữa bóng đá Nhật Bản, châu Á và bóng đá Việt Nam chứ? Chúng ta cũng chỉ có xuất phát điểm khá thấp, tựa như Nhật Bản, nhưng do chậm chuyển đổi và chưa có chọn được phương pháp làm hiệu quả, nên đi trước về sau. Các điều kiện về kinh tế xã hội, cũng khó thể so bì, và nó ảnh hưởng trực tiếp đến thể thao.

VCK U23 châu Á 2018, đội tuyển trẻ Việt Nam chơi bóng dựa trên nhiều yếu tố về tinh thần, sự quả cảm và sức vóc, một phiên bản ở dạng thấp hơn so với Nhật Bản tại FIFA World Cup 2018. Nếu muốn ngẩng lên với bè bạn 5 châu, chúng ta phải cải thiện về mặt chuyên môn, bên cạnh thể chất vốn cần sự tích lũy và một chiến lược bài bản. Dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng. Bóng đá không thể nhảy cóc hay nhảy tam cấp, mà một đêm sau khi thức dậy, chúng ta nghĩ mình đã ở đẳng cấp nào đó. Phát triển bóng đá trẻ và hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia là những ưu tiên hàng đầu, khi bóng đá Việt Nam chưa đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ như Nhật - Hàn.

Cũng là phòng ngự chủ động, nhưng chìa khóa giúp đội tuyển Nga vượt qua Tây Ban Nha ở vòng 1/8 World Cup khác với lối đá đã đưa U23 Việt Nam vào chung kết U23 châu Á 2018, đó là đánh giá của HLV Lê Thụy Hải.

Niềm cảm hứng U23 vẫn còn và hy vọng, nền bóng đá không đánh mất nó. Soi vào tấm gương Nhật Bản, chúng ta mới thấy mình còn nhỏ bé. Và chỉ khi biết mình còn nhỏ, còn yếu, thì mới hy vọng tiến bộ được.