Duyên Dáng Việt Nam

Việt Nam đặt mua 50-150 triệu liều vắc xin COVID-19 của Nga

DDVN • 14-08-2020 • Lượt xem: 682
Việt Nam đặt mua 50-150 triệu liều vắc xin COVID-19 của Nga

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam có đặt mua vắc xin ngừa COVID-19 do Nga sản xuất.

Đây là thông tin ông Nguyễn Thanh Long tiết lộ tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 14.8.

Đại sứ quán Nga tại Việt Nam đã có văn bản gửi Chính phủ Việt Nam, cho biết sẽ tài trợ một số máy móc, sinh phẩm, thiết bị phòng chống COVID-19, gồm cả vắc xin vừa ra mắt.

Sau khi nhận văn bản này, đại diện Việt Nam và Nga đã trao đổi về số lượng vắc xin mà Việt Nam có thể đặt dao động trong khoảng 50-150 triệu liều. Trong số này có một phần do phía Nga tặng, một phần là phía Việt Nam trả tiền.

Dù vậy, thời điểm tiếp nhận và mua/bán vắc xin vẫn chưa được công bố do còn tiếp tục nhiều thủ tục.

Chưa rõ Nga sẽ bán vắc xin cho Việt Nam với giá thế nào. Trước đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty R-Pharm (Nga), Alexei Repik tiết lộ vắc xin COVID-19 mà Nga định cung cấp cho các nước sẽ ở mức giá ít nhất là 10 USD/2 liều.

Nga công bố xuất khẩu vắc xin COVID-19 với giá ít nhất là 10 USD/2 liều

Hôm 11.8, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Bộ Y tế Nga đã chính thức cấp phép cho loại vắc xin đầu tiên trên thế giới ngừa COVID-19 do vi rút SARS-CoV-2 gây ra và xác nhận con gái ông đã được tiêm loại vắc xin này.

Vắc xin COVID-19 do Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học Gamaleya cùng Bộ Quốc phòng Nga phát triển, đã được Bộ Y tế Nga cấp phép, có hiệu quả phòng ngừa COVID-19 trong hai năm.

Theo Bộ Y tế Nga, các cuộc thử nghiệm lâm sàng với vắc xin được bắt đầu từ ngày 18.6 trên hai nhóm tình nguyện viên. Kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin phát huy hiệu quả và độ an toàn cao. Tất cả các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đều tự phát triển được kháng thể kháng coronavirus ở mức cao và không có trường hợp nào bị biến chứng nặng do tiêm chủng.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết chiến dịch tiêm chủng vắn xin lớn trên toàn quốc sẽ được tổ chức từ tháng 10 tới. Các nhân viên y tế, bác sĩ và các nhóm dễ bị tổn thương có thể được tiêm vắc xin ngay trong tháng 8 này.

Ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết vắc xin COVID-19 này được đặt là Sputnik V - tên vệ tinh đầu tiên trên thế giới Sputnik 1 được Liên Xô phóng lên vũ trụ năm 1957.

Theo ông Kirill Dmitriev, Nga đã được đặt hàng sản xuất 1 tỉ liều vắc xin từ 20 nước và dự kiến nó sẽ được sản xuất tại Brazil, khu vực Mỹ Latinh vào tháng 11. Các thử nghiệm lâm sàng dự kiến sớm bắt đầu tại UAE và Philippines.

"Chúng tôi đã đạt các thỏa thuận quốc tế để sản xuất 500 triệu liều mỗi năm và dự định tăng thêm", ông Kirill Dmitriev nói.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vắc xin Nga để được cấp phép theo tiêu chuẩn của WHO cần trải qua quá trình kiểm tra và đánh giá nghiêm ngặt toàn bộ dữ liệu về tính an toàn, độ hiệu quả trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.

Người phát ngôn WHO, Tarik Jasarevic cho biết mỗi nước có các cơ quan cấp phép sản xuất thuốc, vắc xin riêng và WHO cũng có cơ quan tương tự.

Khi được hỏi lý do vì sao Nga quyết thắng trong cuộc đua vắc xin COVID-19, phóng viên Nhật Linh của VTV ở Nga nhận định: "Nga đặt mục tiêu điều chế vắc xin COVID-19 là ưu tiên hàng đầu và huy động mọi nguồn lực tập trung cho việc này. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đều hiểu vắc xin COVID-19 không chỉ là phương thức hữu hiệu chiến thắng dịch bệnh mà còn tài sản chiến lược của một quốc gia, có ảnh hưởng vô cùng lớn với thế giới.

Với Nga thì điều chế thành công và đưa ra thị trường vắc xin phòng COVID-19 hiệu quả đầu tiên sẽ là cơ hội để chứng minh năng lực nghiên cứu khoa học trình độ cao, vốn rất có thế mạnh từ thời Liên Xô.

Thành quả này có tác động rất lớn với nền kinh tế đất nước và nâng cao uy tín của Nga trên trường quốc tế.

Một khi có vắc xin thì Nga sẽ chủ động đối phó với sự bùng phát trở lại của dịch bệnh, đồng thời triển khai mạnh mẽ các kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế xã hội vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.

Hiển nhiên không thể không tính đến đơn đặt hàng 1 tỉ liều vắc xin mà Nga nhận được từ 20 quốc gia đến thời điểm này. Nga được cho đang nhắm đến ¼ thị trường vắc xin toàn cầu có trị giá đến 75 tỉ USD Mỹ".

(Theo MTG)