Duyên Dáng Việt Nam

'Việt Nam nằm trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới'

DDVN • 08-12-2020 • Lượt xem: 463
'Việt Nam nằm trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới'

Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ (Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Việt Nam đang nằm trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Chưa có số liệu cụ thể về lượng phát sinh chất thải nhựa

Ngày 8.12 tại Hà Nội, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT) tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện hệ thống chính sách về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ (Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường – Bộ TN-MT) cho biết biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ lên toàn cầu và Việt Nam đang hứng chịu những tác động tiêu cực từ thiên nhiên (bão, lũ...). Các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời mang lại không ít tiện ích và trở thành những sản phẩm thông dụng hàng ngày trong cuộc sống của nhiều người. Tuy nhiên, Việt Nam đang nằm trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới.

Theo TS Kim Thị Thúy Ngọc (Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên môi trường – Bộ TN-MT), năm 2012 – 2017, ngành nhựa Việt Nam tăng trưởng trung bình 11,6%/năm (thế giới: 3,9%) và các nguồn phát sinh thường từ hoạt động sản xuất (công nghiệp, nông nghiệp...), du lịch, sinh hoạt/ tiêu dùng. Tuy nhiên, chưa có số liệu cụ thể thống kê chính thức lượng phát sinh chất thải nhựa.

Theo TS. Ngọc, nhựa chiếm từ 10 – 12% chất thải rắn sinh hoạt, ước tính từ 2,6 – 2,8 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh trong năm 2019, một lượng lớn trôi nổi trên sông, hồ, vùng đất ngập nước cửa sông, ven biển. Ngoài ra, theo số liệu của Tổng cục Môi trường năm 2017, mỗi hộ gia đình thường sử dụng 5 – 7 túi nilon/ngày; Hà Nội và TP.HCM thải trung bình khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày.


PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: MTG

Theo Tổng cục Môi trường, đối với nhựa phát sinh từ sinh hoạt, tiêu dùng thì hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; chất thải nhựa có giá trị tái chế (chai nước, bao nilon...) được thu gom từ nhiều nơi (hộ gia đình, siêu thị...). Chất thải nhựa không có giá trị hoặc có giá trị tái chế thấp (hộp xốp các loại, ống hút nhựa...) bị thải ra môi trường hoặc đưa vào bãi rác, lò đốt. Đối với nhựa phế liệu phát sinh từ các cơ sở sản xuất, hầu hết được thu gom, bán cho cơ sở tái chế.

Việc xử lý chất thải nhựa và túi nilon phát sinh từ hộ gia đình, chợ, khu vực công cộng chủ yếu được xử lý cùng với chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có túi nilon chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp. Nhựa phế liệu chủ yếu được tái chế thành hạt nhựa và các sản phẩm nhựa phục vụ sản xuất, tuy nhiên, do phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ nguồn chưa tốt nên giá trị thu hồi còn thấp.

Dần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Với những đặc tính bền, khó phân hủy của rác thải nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại hậu quả khó lường đối với sức khỏe con người và vạn vật trên trái đất. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, việc giải quyết vấn đề này đang gặp phải nhiều khó khăn. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều chính sách về quản lý chất thải và chất thải nhựa như ban hành nhiều văn bản quan trọng.

Cụ thể, Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa và Quyết định số 1746 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. 

Về chính sách, quy định về chất thải nhựa, theo TS. Ngọc, chúng ta có Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn đến 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, mục tiêu năm 2025 là sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy.

Bên cạnh đó, Việt Nam có Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi nilon khó phân hủy; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa...

"Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chất thải rắn nói chung và chất thải nhựa nói riêng đang dần được hoàn thiện; các quy định về chất thải nhựa có thể lồng ghép vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi và các Nghị định hướng dẫn thi hành", TS. Ngọc nói.

Đặc biệt, TS.Ngọc nhấn mạnh tới việc cần xây dựng các chương trình cụ thể để hỗ trợ địa phương triển khai các kế hoạch hành động về chất thải nhựa; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tại cấp Trung ương và địa phương trong quản lý chất thải nhựa...

Theo Một Thế Giới