ĐỜI SỐNG

Xu hướng mua sắm không kiểm soát của người trẻ

Thúy Vy • 15-12-2022 • Lượt xem: 1233
Xu hướng mua sắm không kiểm soát của người trẻ

Săn hàng giá rẻ là thói quen và sở thích của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, thói quen mua hàng này cũng gây ra nhiều tác hại. Theo các chuyên gia, giới trẻ Việt Nam khá thiếu kỹ năng quản lý tiền bạc, đặc biệt là Gen Z không thể kiểm soát được chi tiêu của mình. 

Ngày 12/12 vừa qua, nhiều sàn thương mại điện tử đã tổ chức các sự kiện  giảm giá “siêu khủng” trong tháng cuối cùng của năm 2022 nhằm kích cầu mua sắm của người tiêu dùng. Số ngày tháng đôi giúp người dùng ghi nhớ sự kiện bán hàng giảm giá dễ dàng hơn, tạo thói quen mua hàng mỗi tháng. Nhưng đối với nhiều người, đặc biệt là dân văn phòng, những ngày đó lại trở thành cơn ác mộng. Vì chỉ cần vài cú click chuột là sẽ hết lương ngay trước khi hết tháng. 

Đặt biệt, những ngày cuối năm, nhiều tiệc tùng lễ hội khiến nhu cầu mua sắm cũng tăng cao hơn trong năm. Cùng với dịp sale lớn, không khó để thấy sự làm việc cật lực của các shipper và các nhân viên gói hàng. Cũng trong những ngày này, nhiều bài báo cũng đã đưa tin về hệ lụy khôn lường mà việc mua sắm online mang lại.

Mua 1 đằng nhận 1 nẻo

Thông thường các gian hàng online sẽ đăng tải hình ảnh sản phẩm rất bắt mắt để thu hút người mua. Và những hình ảnh này đã được sửa đổi, màu sắc và hoa văn của những sản phẩm này thường sẽ không giống nhau. Một số cửa hàng thậm chí trưng bày sản phẩm một đằng, nhưng giao hàng lại là một nẻo khiến người mua vừa tức vừa hoang mang. 

Với các mặt hàng về lĩnh vực thời trang như giày dép, quần áo. Khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng không được phép thử sản phẩm trực tiếp. Do đó khi mua về không vừa với cơ thể hoặc mặc vào không phù hợp.

Mua sắm để trả thù

Nhiều người chắc chắn sẽ gặp phải tình huống có những lúc rất nhiều kiện hàng đến, thường là kiện hàng cũ chưa mở ra, kiện hàng mới đã vào cửa. Mua sắm trực tuyến dễ dàng đến mức người mua thậm chí không thể cảm nhận được tổng số tiền mình đã bỏ ra là bao nhiêu.

Giống như thức ăn ngon và uống rượu, mua sắm kích thích sự tăng trưởng dopamine - chất dẫn truyền thần kinh giúp con người cải thiện tâm trạng, khiến chúng ta tạm thời quên đi những cảm xúc tiêu cực. Do đó, một xu hướng được hình thành, đó là mua sắm để trả thù. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ các loại hoạt động mua sắm "điên cuồng" để khỏa lấp một nỗi buồn hay sự thất vọng, thất tình trong tình cảm và stress trong công việc.

Sự phung phí trong chi tiêu hình thành vô thức ở giới trẻ. Việc quản lý tài chính đối với họ là khó khăn hơn bao giờ hết. Đến khi nhìn lại ai nấy cũng đều phải “giật mình” vì số tiền mình bỏ ra để mua sắm online cao hơn cả tháng lương của họ.

Tại sao giới trẻ có xu hướng mua sắm một cách vô thức?

Có nhiều lý do để giải thích cho xu hướng này trong giới trẻ. Nhiều người có tâm lý “không mua thì phí, lỡ mất một món hời giá rẻ”. Từ đó con người có xu hướng mua sắm không kiểm soát, xem đó là thú vui và làm điều đó bất cứ lúc nào. Chính vì vậy việc “vung tay quá trán” là tất yếu. Có những món đồ người mua hoàn toàn không cần dùng, nhưng vì thấy nó rẻ, nó đẹp, nó đang sale mạnh hay đơn giản “thích là click” mua. Nhiều người tâm sự có những món đồ họ đã mua từ rất lâu nhưng vẫn chưa có dịp để dùng, cũng có người cho biết họ cũng chẳng biết mua món đồ đó để làm gì. 

Ngoài ra, sự xuất hiện của các reviewer (người đánh giá trải nghiệm sản phẩm) trên nhiều nền tảng mạng xã hội cũng đã tạo tác động lớn đến việc chi tiêu của giới trẻ. Họ sẽ mô tả công dụng, tính năng và chỉ ra lợi ích của sản phẩm để lôi kéo người xem mua hàng. Nếu người xem quan tâm, tất cả những gì họ cần làm là nhấp vào liên kết và hoàn thành một vài bước đơn giản là đã có thể mua được sản phẩm họ vừa xem.

Hậu quả của việc mua hàng vô tội vạ

Từ những sự việc trên, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra xu hướng mua sắm vô độ đang trở thành “căn bệnh” của nhiều người, đặc biệt là trong giới trẻ. Hầu hết các bạn trẻ đều có tâm lý ham rẻ, muốn có nhiều quần áo, đồ dùng mà không nghĩ đến việc sử dụng lâu dài.

Điều này dẫn đến nhiều tác động về môi trường và kinh tế. Không chỉ gây lãng phí cho người mua mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Những món đồ rẻ tiền, kém chất lượng thường khó sử dụng hay tái chế chứ chưa nói đến việc cho người khác tái sử dụng. Từ đó, một lượng lớn chất thải không cần thiết được thải ra môi trường, gây ô nhiễm. Vì vậy, thói quen mua sắm vô độ cần được hạn chế ngay, không chỉ của giới trẻ mà của toàn xã hội.

Giới trẻ loay hoay với bài toán chi tiêu

Theo Backbase - công ty Hà Lan chuyên cung cấp nền tảng chuyển đổi số cho các ngân hàng, khoảng 67% người được hỏi tại Việt Nam cảm thấy khó khăn trong việc quản lý tài chính. Tỷ lệ này cao thứ hai trong số 10 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và chỉ sau Thái Lan.

Tỷ lệ người thừa nhận không biết quản lý tiền bạc ở nước ta cao nhất trong số 10 quốc gia được khảo sát. Tiết kiệm là thách thức quản lý tài chính lớn nhất đối với hầu hết mọi người (67%). Những thách thức khác là nợ nần,, tiền hưu trí, quản lý tiền hoặc quản lý các danh mục đầu tư. 

Mặc dù những phát hiện trên không mang tính quốc gia nhưng những con số này cho thấy các vấn đề tài chính nói chung và tiết kiệm nói riêng chứ không phải là vấn đề của riêng cá nhân nào.

Điều đáng suy nghĩ hơn về giới trẻ. Gen Z có lối sống thiên về sự tự do, trải nghiệm, có nhiều kế hoạch và muốn kiểm soát chi phí, nhưng lại chưa được hỗ trợ bởi các công cụ và phương pháp phù hợp để đạt được mục tiêu của họ. Do đó, nhiều bạn trẻ hiện nay đang tìm mọi cách để ngừng “xoay sở” với tiền.

Chuyên gia cho rằng giới trẻ Việt thiếu kỹ năng quản lý tài chính. Chỉ vì bạn không làm việc trong lĩnh vực kinh tế không có nghĩa là bạn không cần quan tâm đến kiến ​​thức này. Bởi vì tài chính là nền tảng cho tương lai của mọi người, việc quản lý tài chính có thể chỉ cần bắt đầu bằng việc quản lý chi phí và đầu tư đúng đắn. 

Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân, cũng như việc quản lý chi tiêu để đặt nền móng cho tương lai của bạn. Cách duy nhất để các bạn trẻ thoát khỏi “loay hoay” với tiền bạc là đặt mục tiêu từ sớm và kiên trì thực hiện.