Duyên Dáng Việt Nam
Xuất khẩu gạo, trở lại với ngưỡng 3 tỷ USD
Ngọc Hùng • 04-01-2021 • Lượt xem: 1658

Việt Nam là một nước có thế mạnh về nông nghiệp nên luôn đứng tốp đầu về xuất khẩu nông sản, và mặt hàng gạo cũng là một trong những sản phẩm chủ lực của Việt Nam trong các mặt hàng xuất khẩu hằng năm. Năm nay, nhờ giá bán tăng nên giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trở lại ngưỡng 3 tỷ USD.
Với thế mạnh về thiên nhiên nên từ năm 1989 đến nay, trong hơn 3 thập kỷ qua, Việt Nam dần dần trở thành một cường quốc về xuất khẩu gạo của thế giới. Năm 2020, nhìn chung là một năm xuất khẩu thành gạo thành công của Việt Nam. Và, một trong những thành công ấy là dù lượng gạo xuất khẩu tuy giảm nhưng giá trị thu về cao hơn cùng kỳ nhờ giá xuất khẩu tăng.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 11 tháng của năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 5,7 triệu tấn gạo các loại, giảm gần 3% về lượng, giá trị mang về là hơn 2,8 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến, trong cả năm 2020, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào khoảng 6 triệu tấn, giá trị thu về tầm hơn 3 tỷ USD.
Như vậy, sau nhiều năm, giá trị xuất khẩu gạo chỉ ở dưới mức trên dưới 2,5 tỷ USD, thì năm nay, mặt hàng gạo đã chạm mức 3 tỷ USD. Nhìn vào số liệu của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), trong hơn 3 thấp kỷ xuất khẩu gạo của Việt Nam, chỉ có 4 năm, gạo Việt Nam chạm giá trị xuất khẩu 3 tỷ USD.
Nguyên nhân dẫn đến một năm thành công của xuất khẩu gạo là nhờ vào giá xuất khẩu tăng. Lý do để năm 2020 có giá xuất khẩu tăng, đó là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới “tê liệt” vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, nhưng đổi lại, người dân các nước vẫn phải cần nguồn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu hằng ngày. Trong bối cảnh đó, đã làm giá một số lương thực chính tăng lên, trong đó, có mặt hàng gạo.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTN, năm 2020, sản lượng lúa cả nước sản xuất đạt 42,7 triệu tấn, không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi mà xuất khẩu được trên dưới 6 triệu tấn. Điều đáng mừng, trong số 6 triệu tấn gạoi xuất khẩu, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85%, qua đó, đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 440 USD/tấn của năm 2019 lên 496 USD/tấn vào năm 2020. Nhờ giá xuất khẩu tăng 56 UDS/tấn so với năm 2019 đã giúp giá trị xuất khẩu tăng 10% trong 11 tháng của năm 2020, mặc dù sản lượng xuất khẩu 3% như đề cập ở phần trên.
Có thể, trong năm 2021, xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục tìm thấy những đơn hàng xuất khẩu mới ngoài những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, châu Phi thì nay có thêm thị trường châu Âu. Cơ sở để đặt niềm tin cho nhận định này là Hiệp định Thương mại tự do EU và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Vương quốc Anh, Bắc Ai-Len và Việt Nam (UKVFTA) đã có hiệu lực, nên thị trường châu Âu đã được mở toang cho mặt hàng gạo của Việt Nam ở thị trường này.
Trái ngược với thị trường châu Á (chủ yếu là Trung Quốc, Phillipines…) và châu Phi vốn chỉ cần nhập khẩu gạo có giá trị thấp thì thị trường châu Âu luôn có những tiêu chuẩn khắt khe với mặt hàng gạo nhập khẩu, nhưng đổi lại, thị trường này luôn trả với giá cao để mua vào. Vì thế, trong năm nay, nhiều khả năng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục một năm thành công cho doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, cho nông dân.