Duyên Dáng Việt Nam

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam hướng tới một tầm cao mới

Ngọc Hùng • 06-01-2021 • Lượt xem: 1344
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam hướng tới một tầm cao mới

Là một nước có thế mạnh về nuôi trồng và chế biến thuỷ xuất khẩu nên có nhiều cơ sở để ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu thế giới, hướng đến một tầm cao mới cả lượng lẫn chất trong những năm tới. 

Thành công nhờ có chiến lược đúng đắn

Theo đáng giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2010-2019, cơ cấu GDP ngành thủy sản trong toàn ngành nông nghiệp tăng từ 17,8% lên 24,4%. Nhờ vậy, sản lượng thuỷ sản của cả nước từ 5,1 triệu tấn lên 8,2 triệu tấn. Qua đó, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng từ 5 tỷ USD lên tới 8,6 tỷ USD. Tính ra, giá trị xuất khâu của mặt hàng thuỷ sản đã chiếm gần 21% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Vì thế, trên đà những thắng lợi ấy, theo Bộ NN&PTNT, việc Việt Nam có Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là cần thiết, qua đó, tạo cơ sở để cho ngành thuỷ sản đặt ra những mục tiêu lớn, quan trọng cho toàn ngành trong thời gian tới.

Cụ thể, đến năm 2030 là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4%/năm, tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn. Lúc này, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD. Đi liền với đó, ngành thuỷ sản sẽ trực tiếp và gián tiếp giải quyết việc làm cho 3,5 triệu lao động trên mọi miền đất nước.

Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến, trở thành trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới.

Triển vọng 2021

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), năm 2020, dù ảnh hưởng của COVID-19 nhưng ngành thuỷ sản Việt Nam đã tìm được ”cơ trong nguy” khi các đối thủ cạnh tranh với mặt hàng tôm của Việt Nam gặp khó khăn vì vấn đề COVID-19, còn Việt Nam lại kiểm soát tốt nên đã tạo điều kiện cho hoạt động, sản xuất, chế biến xuất khẩu tôm của doanh nghiệp. Vì thế, giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ, Anh, ÚC và thị trường châu Á tăng lên.

Qua năm 2021, Vasep đánh giá, đây là năm có cơ hội lớn cho thuỷ sản Việt Nam, đặc biệt là con tôm khi Việt Nam đã kiểm soát tốt COVID-19, còn các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador… những đối thủ cùng xuất khẩu tôm như Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, vận chuyển trì trệ, giá tôm tại những nước này trong nhiều tháng qua đã giảm liên tục, vì thế, nông dân tại các quốc gia nói trên đã còn không mặn mà với việc tiếp tục thả nuôi vụ mới.

Bên cạnh đó, đối với các quốc gia có nhập khẩu tôm như Mỹ, EU, Úc…., đang yêu thích nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Do đó, theo Vasep, đây là một tín hiệu vui và cũng là cơ hội lớn cho ngành nuôi tôm của Việt Nam trong năm 2021 nếu ngành thuỷ sản làm tốt khâu nuôi trồng, chế biến thì sẽ tiếp tục đạt các mốc tăng trưởng mới trong năm nay.