Duyên Dáng Việt Nam

Ý kiến của chuyên gia về cách giải tỏa căng thẳng trong học tập

Hà Chi • 25-10-2020 • Lượt xem: 1924
Ý kiến của chuyên gia về cách giải tỏa căng thẳng trong học tập

Theo một số khảo sát, phần lớn học sinh – sinh viên đều chịu sự căng thẳng trong học tập, trường học luôn là nguồn lo lắng lớn nhất đối với họ. Thế nhưng, lo lắng và căng thẳng quá mức không chỉ là mối nguy hiểm về tinh thần mà còn là mối nguy về thể chất. Căng thẳng là một phần của cuộc sống, nhưng có những cách để giảm bớt và giải tỏa nó. Duy trì những thói quen lành mạnh sẽ giúp bạn có khả năng ứng phó với những tình huống căng thẳng tốt hơn. Và dưới đây là một số cách để giảm bớt căng thẳng trong học tập và thúc đẩy tiềm năng học tập mà các chuyên gia trên thế giới khuyên các học sinh, sinh viên:

1. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục nhịp điệu, chẳng hạn như chạy bộ, đạp xe hoặc khiêu vũ. Tập thể dục giúp giảm căng thẳng do khi tập cơ thể sẽ tăng endorphins. Endorphins là hormone được sản xuất tự nhiên bởi não để giảm đau và giảm căng thẳng. Tập thể dục cũng làm giảm mức độ hormone liên quan đến căng thẳng, bao gồm cả cortisol và adrenaline. Các chuyên gia y tế khuyên chúng ta nên tập thể dục nửa giờ mỗi để giúp giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi.

2. Tránh cô lập, luôn trò chuyện, yêu cầu trợ giúp nếu cần

Khi bạn cảm thấy căng thẳng, hãy liên hệ với bạn bè và gia đình, họ có thể giúp ích cho bạn. Theo một đánh giá năm 2007 được công bố trên tạp chí Psychiatry, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người ít được hỗ trợ xã hội thường căng thẳng nhiều hơn, biểu hiện là nhịp tim, huyết áp và mức độ hormone tăng lên.

Nếu ở một mình, bạn dễ cảm thấy bất lực. Khi bạn thấy mình đang căng thẳng vì một vấn đề tưởng như không thể, hãy nhắn tin cho bạn bè hoặc gửi email cho giáo viên. Sau đó chuyển sang các nhiệm vụ khác. Đừng dành hàng giờ để tập trung vào vấn đề này, dù nó có vẻ rất quan trọng vào thời điểm đó. Lãng phí thời gian sẽ làm bạn chậm lại, và bạn sẽ cạn kiệt cảm xúc do năng lượng dành cho một vấn đề đó.

Hãy yêu cầu được người thân, bạn bè hoặc các giáo viên cũ giúp đỡ nếu bạn cảm thấy quá căng thẳng và mệt mỏi với bài tập, nhiệm vụ mà bạn đang phải đảm nhiệm.

3. Ngủ đủ giấc

Bất cứ ai đã từng phải hoạt động chỉ trong vài giờ nhắm mắt đều biết rằng thiếu ngủ khiến bạn khó giải quyết bất cứ việc gì, kể cả căng thẳng. Trên thực tế, 21% sinh viên cho biết họ cảm thấy căng thẳng hơn khi họ không ngủ đủ giấc.

Sau một giấc ngủ, cơ thể sẽ được nạp lại năng lượng. Giấc ngủ khiến đầu óc minh mẫn hơn, do vậy, giải quyết các bài tập cũng sẽ tốt hơn.

4. Quản lý thời gian

Hãy phân bố thời gian hợp lý bằng cách lập kế hoạch sinh hoạt, thời gian biểu. Với lượng thời gian ít ỏi nhưng số lượng bài tập phải làm, học bài cũ, học thêm quá nhiều nên học sinh thường thấy rằng không có đủ thời gian để hoàn thành mọi việc. Từ đó, cảm thấy căng thẳng. Lập thời gian biểu sẽ khiến bạn có thể quản lý thời gian một cách hợp lý, phân bố các nhiệm vụ rõ ràng, không để chồng chéo lên nhau và tránh được tình trạng nước đến chân mới nhảy. Đó là một cách tuyệt vời để học cách cân bằng mọi việc và giúp bạn giảm bớt căng thẳng.

5. Ăn uống lành mạnh

Mặc dù những thứ như pizza, gà rán là vô cùng cám dỗ, nhưng việc đưa vào cơ thể những loại thực phẩm phù hợp sẽ giúp tăng cường năng lượng và từ đó mang lại cho bạn sức chịu đựng cần thiết để hoàn thành công việc. Thực phẩm chứa nhiều chất béo và đường sẽ khiến bạn uể oải và không có động lực để hoàn thành nhiệm vụ. Hãy ăn trái cây, rau và các loại thực phẩm giàu chất xơ khác.

6. Thiền chánh niệm khi căng thẳng

Khi bị căng thẳng do học tập, hãy dành thời gian cho bản thân. Ví dụ như lúc gặp một bài toán khó, hãy dành 10 phút tại nơi yêu thích và vắng vẻ trong nhà mình, chỉ cần ngồi thẳng và hít thở sâu. Điều này sẽ giúp bạn giải phóng năng lượng tiêu cực và tăng khả năng tập trung. Hít thở sâu bất cứ khi nào bạn cảm thấy lo lắng, bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào trong 30 giây cũng có thể hữu ích. Cố gắng nhắm mắt trong khi hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Những khoảnh khắc như thế này là cần thiết để sạc lại năng lượng cho bản thân.

Robert Cooper, Ph.D., đồng tác giả của The Power of 5, cho biết: Thở từ cơ hoành cung cấp oxy cho máu, giúp bạn thư giãn gần như ngay lập tức. Ngược lại, thở nông bằng ngực có thể khiến tim bạn đập nhanh hơn và cơ bắp căng lên, làm trầm trọng thêm cảm giác căng thẳng. Để hít thở sâu, hãy bắt đầu bằng cách đặt tay lên bụng ngay dưới rốn. Hít vào từ từ bằng mũi và quan sát bàn tay của bạn đưa ra ngoài khi bụng bạn nở ra. Giữ hơi thở trong vài giây, sau đó thở ra từ từ. Lặp lại vài lần.

7. Tuân theo quy tắc không so sánh

Đôi khi học sinh thích so sánh mình với các bạn. So sánh sẽ tạo ra áp lực cho chính bạn. Hãy tuân theo quy tắc không so sánh - luôn nhớ rằng mỗi cá nhân đều là duy nhất và việc so sánh mình với người khác là chủ quan, ngu ngốc. Thay vì so sánh mình với người khác,hãy so sánh bản thân với chính mình trong quá khứ. Hãy xem mình đã đạt được những gì, những gì cần cố gắng ở hiện tại và tương lai. Mục tiêu cuối cùng là phải phát triển và phát huy hết tiềm năng của chính bạn!

8. Tự thưởng cho bản thân

Sau khi hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ khó khăn nào, hãy tự thưởng cho mình một thứ bạn thích. Thiết lập hệ thống phần thưởng sẽ giúp bạn có động lực để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

Ví dụ: Hãy thưởng cho mình 30 phút xem phim sau khi hoàn thành bài tập, hoặc 1 giờ đi chơi với bạn.

Mỗi tuần, hãy thưởng cho mình một ngày vui vẻ để nạp năng lượng sau một tuần học căng thẳng. Hãy dành thứ 7 hoặc chủ nhật cho bạn bè, gia đình; gạt bỏ hết những bài học, bài tập trong đầu; một chuyến picnic bên bạn bè, người thân sẽ là khoảng thời gian thư giãn giúp bạn giảm được stress trong học tập, đồng thời nạp năng lượng cho tuần mới.