Duyên Dáng Việt Nam

10 loại hình văn hoá nghệ thuật đặc sắc của Ấn Độ

Quyên Hà • 10-08-2020 • Lượt xem: 4301
10 loại hình văn hoá nghệ thuật đặc sắc của Ấn Độ

Hội họa dân gian Ấn Độ và các trường phái nghệ thuật đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, vẫn được gìn giữ và phát triển cho đến ngày nay. Phản ánh sự đa dạng và độc đáo của văn hóa địa phương, các hình thức nghệ thuật này đã phát triển trong nhiều năm, trong khi một số không hề bị tác động bởi hiện đại hóa, một số đã tiếp thu những chất liệu và màu sắc mới.

Đặc điểm chung của hội họa dân gian Ấn là chủ đề tôn giáo, chủ yếu lột tả sử thi về các vị Thần và Nữ Thần. Tuy vậy, chúng đều là những tác phẩm có một không hai và có nét độc đáo truyền thống đáng ngưỡng mộ. Xưa kia, các tác phẩm này được vẽ bằng màu và thuốc nhuộm tự nhiên từ đất, bùn, lá cây hoặc than trên nền vải canvas hoặc khăn, mang đến cảm giác xưa cũ hoài cổ. Hãy cùng tìm hiểu 10 loại hình nghệ thuật hội họa dân gian vẫn được gìn giữ và phát triển tại Ấn.

Madhubani

Nguồn: Wikimedia Commons

Còn có tên gọi khác là nghệ thuật Mithila, hình thức hội họa này bắt nguồn từ Vương quốc Janak (Cha của Sita trong sử thi Rmayana) tại Nepal, ngày nay là tỉnh Bihar, Ấn. Đây có thể coi là một trong những hình thức hội họa cổ xưa nhất của người Ấn Độ, được thực hành chủ yếu bởi những phụ nữ sùng đạo. Trường phái này đặc trưng bởi những khuôn mẫu hình học, hình thức nghệ thuật này chỉ được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới khi một người Anh phát hiện ra những bức tranh Madhubani trong một ngôi nhà đổ nát sau trận động đất 1930. Theo nhà sử học nghệ thuật William G. Archer, những bức tranh này như phản chiếu các tác phẩm của Picasso và Miro. Phần lớn những bức tranh và bích họa trên tường khắc họa Thần, hoa cỏ và động vật.

Các bức tiểu họa

Đặc trưng của những bức tranh này kích thước nhỏ nhưng các chi tiết được khắc họa rõ nét và chính xác. Có nguồn gốc từ kỷ Mughal, khoảng thế kỷ 16, “Các bức tiểu họa” ảnh hưởng nhiều bởi phong cách Ba Tư này phát triển nở rộ dưới sự cai trị của Hoàng đế Shah Jahan và Akbar Đại đế. Về sau nghệ thuật này được tộc người Rajputs tiếp thu và hiện nay vẫn còn phổ biến tại bang Rajasthan, Ấn Độ. Tương đồng với các trường phái hội họa khác, những bức tranh này khắc họa những biểu tượng và sử thi tôn giáo. Điểm đặc trưng của “Các bức tiểu họa” là hình ảnh người được khắc họa với mắt to, mũi nhọn, eo thon và đàn ông thì luôn quấn khăn.  

Phad

Có nguồn gốc từ Bang Rajasthan, Phad là một loại tranh cuộn thuộc nghệ thuật tôn giáo, khắc họa những vị thần dân gian Pabuji và Devnarayan. Những bức tranh dài từ 4.5 đến 9 mét, bằng chất liệu canvas hoặc vải được gọi là phad. Các tác phẩm này được vẽ bằng màu rau củ, khắc họa chuỗi tình tiết của các sử thi về chiến công anh hùng của các vị thần.

Warli

Có nguồn gốc từ các bộ lạc Warli sinh sống tại dãy Ghat Tây, Ấn Độ từ những năm 2500 Trước công nguyên, không khó để xác định đây chính là hình thức nghệ thuật cổ nhất Ấn Độ. Những bức tranh này là sự kết hợp của các hình tròn, vuông tam giác cùng nhiều hình dạng khác nhằm miêu tả các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như câu cá, săn bắn, hội hè, nhảy múa. Điểm đặc trưng nhất là các hình người, diễn tả  bằng 1 hình tròn và 2 hình tam giác. Tất cả các bức họa được vẽ trên nề đỏ đất hoặc tối màu, hình vẽ thì luôn là màu trắng.

Gond

Những tác phẩm hội họa Gondi đặc trưng bởi những màu sắc sống động, khắc họa hoa cỏ và động vật, là biểu tượng tình yêu thiên nhiên của bộ lạc Gondi tại Madhya Pradesh, thủ phủ bang Bhopal. Màu sắc ở đây được chế từ than, phân bò, lá cây và đất màu. Nếu nhìn kỹ, có thể thấy hình vẽ trong tranh là sự kết hợp của các dấu chấm và đường kẻ. Cách vẽ này được giữ nguyên đến ngày nay, nhưng bằng màu acrylic. Sự tiến hóa của hội họa Gond dẫn đầu bởi Jangarh Singh Shyam, họa sĩ Gond nổi tiếng nhất, người góp phần gìn giữ môn nghệ thuật này từ năm 1960.  

Kalamkari

Kalamkari trong tiếng Ấn nghĩa là “vẽ bằng bút mực”, gồm 2 kiểu vẽ: Machilipatnam xuất phát từ Machilipatnam, bang Andhra Pradesh và Srikalahasti, xuất phát từ Chitoor cùng bang này. Hình thức đầu tiên là dạng in bằng khuôn có sẵn, hình thức thứ hai là kiểu vẽ tự do trên vải. Ngày nay, Kalamkari được sử dụng chủ yếu trên sa-rê và trang phục truyền thống, với họa tiết hoa cỏ, động vật hoặc khắc họa các sử thi như Mahabharata và Ramayana.

Tanjore

Xuất xứ từ phía Nam, Tanjore hay còn gọi là Thanjavur là hình thức hội họa có niên đại từ năm 1600 sau công nguyên, được khuyến khích dưới triều đại Nayakas vùng Thanjavur. Có thể nhận ra ngay các tác phẩm Thanjavur qua cách sử dụng các lá vàng lấp lánh, cho bức tranh vẻ siêu thực. Các pa-nô tranh vẽ trên bảng gỗ thể hiện lòng mộ đạo với các vị Thần Thánh. Hình thức này vay mượn phong cách từ nghệ thuật Maratha và Deccani và cả phong cách hội họa Châu Âu.

Cheriyal Scrolls

Xuất phát từ vùng mà ngày nay là Telangana, nghệ thuật nhuộm này được lưu truyền duy nhất qua các thế hệ gia đình Nakashi. Những cuộn tranh Cheriyal được truyền cảm hứng từ những cuộn tranh Kalamkari truyền thống, là phiên bản cách điệu của nghệ thuật Nakashi. Chủ đề chính của các tác phẩm này là kinh văn puranas và sử thi, được vẽ trên những cuộn giấy dài từ 12 đến 14 mét, thuật lại các tình tiết trong sử thi hoặc cảnh các vị thánh ca hát. Sử dụng các màu sắc cơ bản và trí tưởng tượng sống động, các tác phẩm này là sự đối lập mạnh mẽ với những khuôn mẫu nghiêm ngặt của hội họa Tanjore hay Mysore.

Kalighat Paintings

Đây là một phong cách hội họa mới được sáng tạo, có lịch sử từ thế kỷ 19 tại Bengal và Kalighat đông bắc Ấn Độ. Đó là thời điểm ý tưởng chống lại thực dân Anh bắt đầu trở nên khả thi và kích động. Những bức tranh này được vẽ trên vải hoặc pattas, đầu tiên lấy chủ đề Thần và Nữ Thần, sau đó đổi hướng sang cải cách xã hội. Chỉ với giấy và màu vẽ giá rẻ, cọ lông sóc và màu nhuộm, các tác phẩm Kalighat có các nét vẽ đơn giản nhưng rõ nét. Các tác phẩm cố gắng lột tả xã hội dưới góc nhìn của những người muốn cải cách, những tên địa chủ giàu có uống rượu với phụ nữ, các vị sư bên cạnh những người phụ nữ lả lơi, còn cảnh sát thì tùy tiện.

Patachitra

Tranh cuộn trên vải bắt nguồn từ bang Odisha và Tây Bengal, các bức tranh này có đường nét sắc sảo, góc cạnh khắc họa các vị Thần và Nữ Thần. Xuất phát từ thế kỷ thứ 5 tại những cái nôi tôn giáo như Puri và Konark, cùng khoảng thời gian xuất hiện nghệ thuật điêu khắc, khi chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa họa sĩ và nghệ sĩ điêu khắc. Điểm độc đáo của loại hình hội họa này là phong cách trang phục ảnh hưởng rõ rệt bởi thời kỳ Mughal.

 

Tag: