Duyên Dáng Việt Nam

4 nhóm thực phẩm giúp bạn tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch

Kim Linh • 31-07-2021 • Lượt xem: 674
4 nhóm thực phẩm giúp bạn tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch

Tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày một diễn biến phức tạp do biến chủng mới gây ra. Nếu chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh thì việc bảo vệ sức khỏe bằng cách tăng cường sức đề kháng là việc làm vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện tại. Bằng cách lựa chọn những loại thực phẩm dinh dưỡng phù hợp, mỗi người đã có thể chủ động phần nào giúp bản thân đẩy lùi mầm bệnh.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, ngoài yếu tố bệnh nền ở người cao tuổi thì sức đề kháng kém cũng chính là lí do khiến nguy cơ mắc COVID-19 tăng cao. Trong đó, sức đề kháng, hệ miễn dịch được biết đến là “hàng rào chắn” đặc biệt giúp cơ thể chống lại các tác nhân bên ngoài xâm nhập vào như vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng,... 

Một cơ thể có hệ miễn dịch tốt sẽ giúp giảm thiểu khả năng mắc các bệnh, hoặc sẽ giúp cơ thể đào thải và phục hồi nhanh nếu đã nhiễm bệnh. Đặc biệt, điều kiện tạo ra một hệ miễn dịch và đề kháng tốt chính là nhờ vào chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh – điều mà bản thân mỗi người có thể chủ động thực hiện để tăng cường sức khỏe. 


Ảnh: Internet

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi loại thực phẩm đều có một số chất dinh dưỡng cần thiết nhất định. Chúng ta nên ăn cân đối và đa dạng giữa các nhóm chất có trong từng loại. Cơ thể khi đã hấp thu đủ các loại dưỡng chất sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch và khả năng đề kháng rất cao, giúp đẩy lùi virus ra ngoài.

Dưới đây là nhóm những thực phẩm dinh dưỡng có khả năng bổ sung và hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch hiệu quả đã được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng.

1.Tỏi, gừng, nghệ

Tỏi, gừng, nghệ thường là các loại gia vị không thể thiếu trong gian bếp của các gia đình bởi hương vị thơm nồng cũng như công dụng bổ ích mà nó mang lại. 

Ba loại củ này còn được biết đến là những nhóm kháng sinh thực vật. Với liều lượng và chỉ định dùng đúng cách, chúng có thể phát huy tác dụng giúp cơ thể chống lại sự nhiễm khuẩn, hỗ trợ hệ miễn dịch (chống lại các vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh).

Tỏi

Trong tỏi có chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin B, sắt, magie, canxi, kali, mangan, photpho,... Đặc biệt là Allicin – một loại hoạt chất mạnh xuất hiện khi ta nghiền hoặc đập dập củ tỏi, bởi sẽ kích thích sản sinh enzym alinase với hoạt tính kháng sinh rất tốt cho cơ thể. 



Ảnh: Internet

Gừng

Gừng có tác dụng giải cảm vì có chứa các hợp chất chống lại virus hợp bào hô hấp gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp như cảm cúm. Ngoài ra, gừng còn giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường chức năng não, điều hòa hoạt động tiêu hoá. 


Ảnh: Internet

Nghệ

Củ nghệ có chứa chất Curcumin với công dụng kháng viêm và chống oxy hóa rất tốt. Chính vì vậy, dùng nghệ có thể tiêu diệt được vi khuẩn, giúp tăng hoạt động của tế bào miễn dịch. Ngoài ra, chất Curcumin còn có nhiều công dụng khác như giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, điều trị đau dạ dày, kích thích tái tạo da làm lành vết thương, giảm thâm, trị sẹo...

Ngoài ra, nghệ còn chứa rất nhiều khoáng chất và các loại vitamin như C, E, K, Canxi, Kali,... và chất chống oxy hóa.


Ảnh: Internet

Tỏi, gừng hay nghệ đều là những thực phẩm tốt hỗ trợ điều trị cảm, sốt, giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch. Khi bị cảm, bị lạnh có thể uống một chút nước gừng, hoặc nghệ, hoặc xông hơi tỏi sẽ làm cho người dễ chịu, đề phòng được cảm cúm, trị ho hiệu quả. Tuy nhiên, cũng như các vị thuốc khác, những thực phẩm này không nên dùng một cách tùy tiện mà phải có liều lượng hợp lí và theo lời khuyên, chỉ định của bác sĩ.

2. Các loại rau xanh

Có thể thấy, rau xanh là một thành phần không thể thiếu trong mỗi khẩu phần ăn nếu muốn có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Trong rau xanh chứa nhiều dinh dưỡng có lợi, chất chống oxy hóa và một lượng dồi dào chất xơ. Các chất này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ miễn dịch, nếu thiếu sẽ khiến sức đề kháng bị giảm và mất khả năng chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh. 

Bông cải xanh

Nếu đang theo chế độ ăn uống "healthy" – lành mạnh thì bông cải xanh chắc chắn sẽ là món ăn được đề cử trong thực đơn của bạn bởi vô vàng những lợi ích mà nó mang lại.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Victoria Jarzabkowski từ Viện Thể dục Texas của Đại học Texas (Mỹ), bông cải xanh rất giàu chất xơ, vitamin C, A, B6 và kali. Đây là các chất chống oxy hóa cao có thể giúp tìm và trung hòa các gốc tự do gây tổn thương tế bào. 

Điều đặc biệt hơn là bên trong bông cải xanh có chứa rất nhiều hoạt chất phytochemical và sulforaphane. Đây là những chất hỗ trợ quá trình xây dựng hệ miễn dịch, đồng thời có khả năng chống lại các bệnh ung thư như: ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang,...

Bông cải xanh được chế biến theo nhiều cách, tuy nhiên để giữ cho hàm lượng dinh dưỡng trong bông cải xanh thì ta có thể nấu vừa chín tới, không nên nấu quá kỹ sẽ làm giảm đi tác dụng của các dưỡng chất.


Ảnh: Internet

Cải bó xôi

Cải bó xôi hay còn được biết đến là rau chân vịt (hay rau bina), là loại rau khá phổ biến trong bữa ăn thường ngày của nhiều gia đình. Loại rau này thường được chế biến thành các món ăn hoặc được ép, xây sinh tố để uống detox. Sở dĩ người ta chuộng chúng vì chúng có mùi và vị rất dễ chịu, không đắng như cần tây hay khó dùng như các loại rau khác. 

Các loại vitamin dồi dào có trong cải bó xôi (A, B, C, D, E, K, dưỡng chất Omega 3,..) có khả năng cải thiện các chức năng của cơ thể như giúp sáng mắt, chắc khỏe xương, hình thành chất chống oxy hóa ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư, tăng cường sức khỏe của hệ thần kinh.

Không những vậy, trong cải bó xôi còn chứa hợp chất carotene hỗ trợ kích thích sản sinh các tế bào miễn dịch, bảo vệ cơ thể chống nhiễm khuẩn và bệnh ung thư.


Ảnh: Internet

3. Các loại trái cây giàu vitamin

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trái cây thường có chứa chất chống oxy hóa với nhiều vitamin thuộc nhóm A, B, C, polyphenol và kẽm. Các chất này khi được hấp thu vào cơ thể sẽ có tác dụng tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ kháng khuẩn và chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài rất cao. 

Chính vì vậy, trái cây là một khẩu phần phụ không thể thiếu trong mỗi bữa ăn giúp nạp đủ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng phòng bệnh cho cơ thể. 

Cam

Nhắc đến các loại quả giúp tăng cường hệ miễn dịch không thể không nhắc đến cam. Cam có chứa một lượng lớn vitamin C hỗ trợ kích thích sản sinh các tế bào trắng, protein thiết yếu cho hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh. 

Bên cạnh đó, cam còn được biết đến là chất chống oxy hóa giúp cơ thể đề kháng lại tác hại của các gốc tự do trong quá trình xâm nhập và gây bệnh. 

Cam cũng chứa nhiều vitamin A và các khoáng chất quan trọng như đồng, kẽm, folate giúp giữ hệ miễn dịch của cơ thể luôn ở trạng thái tốt nhất. Đồng thời, hoạt chất đặc biệt Thiamine có trong cam còn có tác dụng chống lại sự tấn công và gây bệnh từ các tế bào virus và vi khuẩn bên ngoài.


Ảnh: Internet

Kiwi

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, vitamin C có trong quả kiwi cao gấp 3 lần so với các loại quả có múi khác như cam, chanh, bưởi,... Chính vì vậy, kiwi được xem là một trong những dưỡng chất thiết yếu giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Ngoài hàm lượng chất C cao, kiwi cũng chứa các dưỡng chất thiết yếu khác như vitamin A, kali, flolate,... giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm về đường hô hấp như hen suyển và giảm ho (khò khè) vô cùng hiệu quả. Đặc biệt, kiwi còn có chứa vitamin E – một loại vitamin hiếm, được xem là chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng chống lại ung thư, hỗ trợ cơ thể kháng lại các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập cao hơn so với các hoạt chất khác.


Ảnh: Internet

Ngoài cam và kiwi, các loại quả khác như đu đủ, ớt chuông, chanh, táo... cũng chứa nhiều vitamin C và các dưỡng chất thiết yếu giúp bổ sung hoạt chất tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Sau mỗi bữa ăn khoảng 30 phút, mọi người nên ăn các loại trái cây tráng miệng này để giúp cơ thể hấp thu đủ chất chống lại bệnh dịch.
4. Các loại thủy hải sản

Thủy hải sản được xem là nhóm thực phẩm dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể vì chúng có chứa nhiều protein, kẽm, các dưỡng chất vitamin thiết yếu và các nhóm chất đặc biệt hỗ trợ hài hòa các chức năng của cơ thể. 

Ăn hải sản với chế độ hợp lí sẽ giúp mỗi người bổ sung được nguồn năng lượng dồi dào, đồng thời tăng khả năng miễn dịch mạnh mẽ.

Cá hồi

Cá hồi được xem là một trong những nhóm thực phẩm “đại bổ” vì chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Thịt cá hồi cung cấp kali, sắt và nhiều vitamin nhóm B, D, đóng vai trò hỗ trợ tái tạo và cải thiện DNA, tăng sự hấp thu canxi và tăng độ chắc khỏe của xương, đồng thời giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Cá hồi còn chứa nhiều axit béo omega-3. Đây là nhóm chất cơ thể không có khả năng tự tạo ra được mà chỉ có thể hấp thu được từ chế độ ăn uống hằng ngày. Omega-3 có nhiều lợi ích quan trọng trong việc điều hòa huyết áp, làm giảm quá trình oxy hóa của cholesterol LDL (cholesterol xấu) và tăng nồng độ cholesterol HDL (cholesterol tốt). Ngoài ra còn giúp giảm nguy cơ tắt nghẽn mạch máu, chống các bệnh liên quan đến tim mạch và đột quỵ, đồng thời giúp cơ thể tăng cường kháng thể ngăn ngừa virus cúm xâm nhập.


Ảnh: Sưu tầm

Cua 

Có thể nói, cua là món ăn phổ biến hàng trong một bữa tiệc hải sản. Thịt cua không chỉ ngon và hấp dẫn mà còn chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Nó còn chứa đa dạng các chất dinh dưỡng cần thiết như Omega-3, protein, sắt, canxi, kẽm, selen, magie, photpho và các vitamin A, B1, B2, C,… Các chất này khi được dung nạp sẽ giúp hỗ trợ các chức năng của cơ thể như giảm lượng mỡ máu trong tim mạch, bổ sung năng lượng giúp tái tạo và phát triển cơ bắp và xương,... Đặc biệt, ăn cua còn giúp cơ thể thúc đẩy hệ thống miễn dịch vô cùng hiệu quả.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một người bình thường (không mắc các bệnh lý mãn tính như thận, gan, dị ứng hải sản...) nên ăn thịt cua từ 2-3 lần mỗi tuần để bổ sung đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.


Ảnh: Sưu tầm

Bên cạnh việc ăn uống cân bằng các nhóm thực phẩm cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, mọi người cũng cần xây dựng một thói quen sinh hoạt hợp lí. Chúng ta nên ngơi đầy đủ; luyện tập thể dục, thể thao điều độ; ăn chín, uống sôi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng;  nghiêm túc chấp hành quy định 5K về phòng chống dịch. 

Nếu mỗi người đều có ý thức tự bảo vệ mình, nghĩ cho cộng đồng, xã hội sẽ tạo thành “lá chắn hoàn hảo” chống lại sự lây nhiễm của loại virus nguy hiểm mang tên COVID-19.