ĐỜI SỐNG

5 ứng viên được thám hiểm Nam Cực miễn phí

Ngọc Nga • 31-10-2019 • Lượt xem: 6462
5 ứng viên được thám hiểm Nam Cực miễn phí

Vượt qua hơn 140.000 ứng viên khác từ hơn 200 quốc gia trên thế giới, 5 “công dân toàn cầu” vừa được chọn để tham gia “Kỳ nghỉ Nam Cực” do nhà khoa học Kirstie Jones-Williams dẫn đầu. Đây là “kỳ nghỉ” đặc biệt do Airbnb và Ocean Conservancy tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về tác động của con người đối với biến đổi khí hậu.

Tin, bài liên quan:

Những sự thật kì bí về lục địa băng giá Nam cực

Tưởng nhớ sông băng đầu tiên biến mất do biến đổi khí hậu

Không ảnh ngoạn mục của băng đảo Iceland và Greenland

5 ứng viên bao gồm Giáo sư sinh thái Spencer (33 tuổi) đến từ Hawaii, Rasha (25 tuổi), điều phối viên giáo dục bảo tồn và tiếp cận cộng đồng ở Dubai, Vivek (28 tuổi) ở Ấn Độ, Kjersti (37 tuổi) ở Na Uy và Tynthia (35 tuổi) đến từ Arizona, sẽ tham gia chuyến đi thám hiểm Nam Cực vào tháng 12 sắp tới. Đây đều là những người đam mê du lịch thám hiểm và nghiên cứu bảo tồn môi trường.

5 ứng viên được chọn tham gia "Kỳ nghỉ Nam Cực"

Trong chuyến thám hiểm kéo dài một tháng, các nhà khoa học công dân này sẽ thu thập các mẫu tuyết và nghiên cứu tác động của ô nhiễm nhựa cũng như các hoạt động của con người ở điểm cực Nam của Trái đất. Qua đó, cung cấp những hiểu biết sâu sắc và tìm ra giải pháp giúp bảo vệ hệ sinh thái Nam Cực và thế giới nói chung.

Giáo sư sinh thái Spencer rất hào hứng với chuyến thám hiểm vì ông muốn khám phá thêm những hành động tác động đến môi trường ở cách xa hàng ngàn km.

Ngoài môi trường, Rasha còn đam mê võ thuật và đi bộ đường dài. Cô hy vọng kỹ năng đa dạng của mình có thể hữu ích trong “kỳ nghỉ Nam Cực” sắp tới.

Bên cạnh đó, 5 ứng viên này còn được tham gia khóa đào tạo chuyên sâu về băng hà học và lấy mẫu tại hiện trường ở Punta Arenas, Chile cũng như làm việc trong phòng thí nghiệm và thực hành thiết bị. Nhóm cũng sẽ khám phá các địa điểm như Drake Icefall, Charles Peak Windscoop và Đầu voi ở  Nam Cực, trước khi quay trở lại Chile để tiếp tục nghiên cứu.


"Hầu hết mọi người nghĩ về Nam Cực như một lục địa nguyên sơ và biệt lập, nhưng bằng chứng gần đây cho thấy ngay cả những địa điểm xa nhất cũng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nhựa. Cuộc thám hiểm này sẽ giúp chúng ta hiểu được con đường của vi hạt nhựa đến các vùng xa xôi như Nam Cực và đây cũng là trách nhiệm của chúng tôi để bảo vệ thế giới tự nhiên", nhà khoa học Kirstie Jones-Williams, người phụ trách dự án cho biết. Ông cũng rất hào hứng khi làm việc với những nhà khoa học công dân và kỳ vọng “kỳ nghỉ Nam Cực” sẽ phát hiện được nhiều điều đáng chú ý.