Chế biến thức ăn đúng cách không chỉ làm món ăn trở nên ngon miệng hơn mà còn đảm bảo chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể. Vì vậy, một số thói quen xấu khi nấu ăn có thể dễ gây nguy hại tới sức khỏe mà không phải ai cũng biết.
Bác sĩ Lê Thị Hải – Nguyên giám đốc Trung tâm Khám Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, từng đưa ra một số thói quen xấu khi nấu ăn của nội trợ trong chương trình Cà phê sáng với VTV3 như sau:
Rửa rau dưới vòi nước chảy ít nhất 3 lần thay vì ngâm lâu trong nước - Hình minh họa: Internet
Ngâm rau quả quá lâu trong nước
Một số người nội trợ truyền tai nhau về việc ngâm rửa rau, quả với muối để làm giảm bớt hóa chất thực vật. Tuy nhiên, việc pha muối với nồng độ cao có thể làm tan chất dinh dưỡng có trong rau quả vào nước, hơn nữa làm chúng héo, nát. Mặt khác, ngâm rau quả quá lâu trong nước cũng có thể làm cho thuốc trừ sâu ngấm lại vào rau quả.
Theo chuyên gia, các nội trợ nên rửa rau, quả dưới vòi nước chảy ít nhất 3 lần để làm trôi đi hóa chất và các loại vi sinh vật bám trên rau củ.
Rã đông thực phẩm ở nhiệt độ thường
Vi sinh vật có thể phát triển và hoạt động mạnh trong vòng 30 phút khi thực phẩm được rã đông ở nhiệt độ thường.
Trước khi chế biến, rã đông những thực phẩm được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh là việc nên làm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách rã đông thực phẩm đúng cách. Thực phẩm dùng để chế biến cho ngày hôm sau nên được rã đông trong ngăn mát tủ lạnh vào tối hôm trước. Nếu nội trợ quên việc này, họ có thể rã đông thực phẩm trong lò vi sóng. Bên cạnh đó, họ cần nấu chín hoàn toàn thực phẩm này và không cấp đông lại cho thực phẩm đã rã đông.
Nên thay thớt mới thường xuyên - Hình minh họa: Internet
Dùng cùng thớt trong thời gian dài
Thớt cũ được dùng lâu nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh từ vi sinh vật. Đặc biệt, số lượng vi sinh vật có trong thớt gỗ cũ có thể gấp nhiều lần số lượng vi sinh vật có trong nhà vệ sinh.
Căn bếp của mỗi gia đình cần có ít nhất hai cái thớt. Một thớt dùng để sơ chế thực phẩm sống. Thớt còn lại dùng thái thức ăn chín. Việc sử dụng như vậy giúp giảm thiểu tối đa việc vi sinh vật gây hại bám vào thức ăn. Hơn nữa, người nội trợ nên cân nhắc đổi thớt mới khoảng sau hai tháng sử dụng.
Đun dầu ăn bốc khói và rang cháy cạnh thức ăn
Dầu ăn thường bị biến chất khi các axit béo không no có trong nó bị phá hủy bởi nhiệt độ cao (hiện tượng oxy hóa). Vì vậy, thói quen chờ dầu bốc khói mới đem xào, nấu có thể làm mất đi các khoáng chất, vitamin có trong dầu ăn.
Hơn nữa, các món ăn được rang cháy cạnh (thịt ba chỉ rang cháy cạnh, dưa xào, măng xào) có thể sinh ra các hợp chất gây hại, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.
Tẩy rửa sạch chảo trước khi dùng lại để nấu món mới - Hình minh họa: Internet
Đậy nắp khi nấu món xào
Hơi khói bốc lên trong khi chế biến thức ăn (nhất là khi xào) có thể độc như khói thuốc lá. Việc đậy nắp khi xào, nấu làm tích tụ các chất độc, gây viêm họng, viêm mũi họng. Thói quen nấu nướng này nếu được duy trì trong thời gian dài có thể làm cho người ăn bị viêm phổi.
Vì vậy, nội trợ có thể bật máy hút mùi và mở cửa sổ để hơi khói có trong thức ăn được xua đi khi xào, nấu.
Không rửa nồi khi dùng lại để nấu món khác
Một số nội trợ có thói quen sử dụng lại cùng xoong, nồi đã nấu để chế biến món khác mà không đem tẩy rửa. Thực phẩm và dầu mỡ thừa trong nồi có thể bị đun cháy tạo ra một số hợp chất có hại và mùi khét cho món mới. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến hương vị món ăn mà còn gây hại cho sức khỏe người dùng.
Mỗi món ăn nên được chế biến bởi các xoong, nồi khác nhau. Người nội trợ cũng có thể đem tẩy rửa sạch nồi đã nấu để tái sử dụng khi chế biến món mới.