VĂN HÓA

7 truyền thống Giáng sinh kỳ lạ ở châu Âu

DDVN • 21-12-2023 • Lượt xem: 1003
7 truyền thống Giáng sinh kỳ lạ ở châu Âu

Trang The Mayor cho biết Giáng sinh tại châu Âu không chỉ có loạt biểu tượng và truyền thống quen thuộc như ông già Noel, cây thông, áo len ngộ nghĩnh hay bài hát mừng mà còn tồn tại các truyền thống kỳ lạ khiến nhiều người kinh ngạc.

Xem thêm:

Tư duy nhóm - Tốt hay không tốt?

Nếu chúng ta là một con gà...

Dê khổng lồ bằng rơm

Dê Yule làm bằng rơm là truyền thống chỉ có ở Thụy Điển. Chúng được dùng trang trí cây thông để cầu sự may mắn. Nguồn gốc của vật trang trí này có thể bắt nguồn từ thời ngoại giáo Viking khi người dân hiến tế dê cho thần quản lý mùa màng.

Đặc biệt hơn, thành phố Gävle (cách thủ đô Stockholm khoảng 300km về phía bắc) còn dựng cả một chú dê rơm khổng lồ thường cao khoảng 13 mét. Đây là ý tưởng của chính quyền địa phương vào năm 1966, sau đó trở thành truyền thống dịp Giáng sinh hàng năm.

Hầu như năm nào cũng có người cố gắng đốt chú dê rơm khổng lồ dù làm vậy sẽ chịu mức án 3 tháng tù giam. Cho đến nay 38 trên tổng số 57 chú dê đã bị tiêu hủy hoặc hư hại và hoạt động đặt cược xem linh vật biểu tượng có “sống sót” qua Giáng sinh hay không luôn thu hút nhiều người tham gia.

Hóa trang nhảy múa hoặc dọa trẻ con

Vào dịp Giáng sinh, trên đường phố Romania sẽ xuất hiện nhiều đoàn biểu diễn có thành viên hóa trang thành dê (được gọi là Carpa). Trang phục mà carpa mang rất sặc sỡ với mặt nạ dê bằng gỗ cùng da cừu khoác lên. Cả đoàn nhảy múa và chơi bài hát mừng Giáng sinh bằng nhạc cụ truyền thống trước mọi nhà họ đi qua nhằm mang lại tài lộc và chúc gia chủ con đàn cháu đống.

Tại Áo lại có truyền thống hóa trang thành Krampus - sinh vật mang hình thù giống quỷ với sừng dê dài - hù dọa những đứa trẻ cư xử tồi tệ trong năm.

Ném giày đoán chuyện hôn nhân

Ở Cộng hòa Czech dịp Giáng sinh, phụ nữ độc thân tiến hành đoán chuyện hôn nhân bằng truyền thống ném giày.

Vào đêm Giáng sinh, họ đứng quay lưng về phía cửa rồi ném một chiếc giày qua vai. Nếu mũi giày hướng về cửa thì năm sau người phụ nữ sẽ kết hôn. Còn nếu gót giày hướng về cửa, họ vẫn còn có thể tận hưởng cuộc sống tự do thêm 1 năm nữa.

Dùng bữa cùng người thân đã mất

Tại Bồ Đào Nha có truyền thống mang tên consoda: mỗi gia đình dọn sẵn một chỗ ngồi cho người thân đã mất vào bữa ăn sáng Giáng sinh và để lại mẩu bánh cho họ bên lò sưởi.

Phù thủy La Befana

Trước khi ông già Noel trở thành biểu tượng toàn cầu, trẻ em tại Ý vào dịp Giáng sinh thường mong chờ một phù thủy thân thiện tên La Befana.

La Befana sẽ để lại kẹo cùng quà cho đứa trẻ tốt bụng, than hoặc gậy cho trẻ hư. Mặc dù bị mô tả là nhân vật xấu xí bám đầu bụi than nhưng bà rất tốt bụng, thường giúp quét sạch sân nhà và giải quyết loạt vấn đề năm cũ trước khi rời đi.

Linh vật caganer

Tại vùng Catalan, linh vật chính thức của Giáng sinh là bức tượng nhỏ một người đàn ông đang đại tiện được gọi là caganer. Bức tượng thường được đặt vào tiểu cảnh chúa Jesus ra đời. Ý nghĩa chính xác đằng sau bức tượng hiện vẫn là ẩn số.

Xông hơi

Xông hơi là hoạt động thường xuyên tại Phần Lan. Nhưng đến Giáng sinh, cả nhà sẽ cùng nhau xông hơi, cùng tưởng nhớ người đã khuất và tẩy rửa trước tiệc mừng.

Theo Cẩm Bình/1thegioi.vn