Tỏi sống có vị cay nồng và là nguyên liệu không thể thiếu trong các món ăn hằng ngày. Tỏi trắng thông thường sẽ chuyển sang màu đen khi được lên men ở nhiệt độ và độ ẩm cao nhất định. Đối với những ai chưa biết, tỏi đen có nhiều chất dinh dưỡng hơn tỏi trắng và mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Dù vậy, chúng vẫn chưa được sử dụng phổ biến.
Thật ra, việc sử dụng tỏi đen đã có từ thời Ai Cập cổ đại và được sử dụng như một phương thuốc trong y học cổ truyền ở Ấn Độ và Trung Quốc. Người ta tạo ra tỏi đen bằng những củ tỏi trắng chưa lột vỏ, ủ trong khoảng 40 ngày ở nhiệt độ và độ ẩm cao. Phương pháp làm tỏi đen này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trong nhiều thế kỷ và dần trở nên phổ biến ở phương Tây gần đây.
Với phương pháp này, tỏi đen trở thành một phiên bản “cao cấp” hơn với nhiều đặc điểm nổi bật mà tỏi thường không có.
- Một số chất trong tỏi thường bị phân huỷ trong quá trình ủ, nhất là những chất tạo nên hương vị cay nồng của tỏi (đặc biệt là allicin);
- Khi các chất này phân huỷ theo thời gian, chúng tạo nên vị thơm ngon, mằn mặn và hơi ngọt, rất lạ miệng cho tỏi;
- Phương pháp ủ nóng này cũng làm giảm nồng độ allicin, nhưng lại làm tăng hàm lượng chất chống oxy hoá tổng thể của tỏi, làm nó trở thành món ăn có giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh hơn rất nhiều;
- Sự phân hoá và điều chỉnh trong tỏi giúp làm giảm tình trạng khó chịu ở đường tiêu hoá, điều có thể xảy ra khi dùng tỏi trắng thông thường.
Như vậy, về mặt dinh dưỡng, tỏi đen có nhiều điểm khác biệt và nổi trội hơn, đồng thời đem lại nhiều lợi ích sức khoẻ hơn, nhờ những giá trị độc quyền này, tỏi đen thường được dùng để chế biến các món ăn cao cấp. Chúng ta thường khó tìm được hương vị tỏi đen trong các bữa ăn hằng ngày vì nó vừa khó làm, vừa đắt tiền.
Tỏi đen có thể dùng như một món ăn riêng, hoặc nghiền thành bột, ngâm trong dầu, trộn chung với rau, làm nước chấm hoặc nước sốt.
8 LỢI ÍCH SỨC KHOẺ TUYỆT VỜI CỦA TỎI ĐEN
1. Tăng cường khả năng miễn dịch
Thông thường, tỏi nổi tiếng với đặc tính hỗ trợ hệ miễn dịch, và tỏi đen cũng không ngoại lệ.
Người ta tin rằng tỏi đen có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và ngăn chặn một số bệnh do vi khuẩn và vi-rút thông thường gây ra.
Tỏi đen còn giúp cải thiện sức khoẻ hệ tiêu hoá và hô hấp trong cơ thể.
2. Điều chỉnh lượng đường trong máu
Tỏi đen có thể giúp điều hoà insulin trong cơ thể và kiểm soát lượng đường trong máu.
Nó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ và có khả năng ngăn ngừa các biến chứng do bệnh tiểu đường mất kiểm soát.
Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để củng cố minh chứng về những tác động tích cực này của tỏi đen đối với sức khoẻ con người.
3. Chống oxy hoá
Tính chống oxy hoá của tỏi đen mạnh hơn gấp 10 lần so với tỏi tươi/ tỏi trắng.
Tỏi đen biến allicin không ổn định thành các phân tử chống oxy hoá ổn định hơn.
Những phân tử đầy uy lực này bảo vệ các tế bào khỏi tổn thương oxy hoá – nguyên nhân gây lão hoá và bệnh tật.
Nước ép tỏi đen làm giảm các gốc tự do gây hại cho gan, máu và thận.
4. Bảo vệ não bộ
Sử dụng tỏi đen thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa các bệnh hoặc các chứng rối loạn do tuổi già, ví dụ như chứng mất trí và bệnh Alzheimer, do các tế bào não bị tổn thương gây ra.
Các đặc tính chống oxy hoá và chống viêm ở tỏi đen cũng có thể phục hồi các tế bào bị tổn thương trong cơ thể.
5. Cải thiện sức khoẻ tim mạch
Homocysteine, một loại axit amin được sản xuất trong cơ thể, có thể gây hại đến thành mạch máu và đe doạ đến sức khoẻ tim mạch.
Một nghiên cứu cho thấy tỏi đen có thể làm giảm ảnh hưởng của homocysteine, cholesterol xấu, và triglyceride (chất béo trung tính được tạo ra mỗi ngày do thức ăn chuyển hoá và gan) cao trong máu, giúp bảo vệ sức khoẻ tim mạch.
6. Giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính
Tỏi đen chứa nhiều chất chống oxy hoá tích cực hơn so với tỏi sống. Bổ sung tỏi đen vào chế độ ăn hằng ngày của bạn có thể giúp củng cố hàng rào kháng bệnh mãn tính và chống lại tình trạng căng thẳng oxy hoá.
7. Giúp giảm cân
Một nghiên cứu trên động vật cho kết quả rằng tỏi đen có chứa chất chống béo phì.
Các đối tượng nghiên cứu (động vật) được cho ăn tỏi đen ít tăng cân hơn và có lớp mỡ bụng mỏng hơn so với những đối tượng không được ăn.
8. Tăng ham muốn tình dục
Ở một số nền văn hoá, con người sử dụng cả tỏi đen và tỏi trắng nhằm tăng ham muốn tình dục ở nam giới.
Các chất chống oxy hoá trong tỏi có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu, mức năng lượng và các yêu tố quan trọng khác đối với hoạt động và nhu cầu tình dục.
4 NHƯỢC ĐIỂM Ở TỎI ĐEN
Cả tỏi trắng và tỏi đen đều được cho là thành phần tốt cho sức khoẻ trong các bữa ăn. Tuy nhiên, vẫn có một số tác dụng phụ nhất định đã được ghi nhận đối với loại thực phẩm này.
1. Dị ứng:
Theo một phân tích, một phụ nữ đã mắc bệnh viêm phổi do phản ứng dị ứng khởi phát muộn với tỏi đen.
2. Làm loãng máu:
Sử dụng tỏi đen với số lượng lớn có thể gây ra hiệu ứng chống đông máu, có thể gây biến chứng sức khoẻ cho một số người có vấn đề về chứng đông máu hoặc sử dụng thuốc chống đông máu.
Tỏi đen cũng có thể gây chảy máu quá nhiều, chảy máu không kiểm soát sau phẫu thuật.
3. Tương tác với các loại thuốc khác:
Tỏi đen có thể tạo ra tương tác tốt hoặc xấu khi dùng kết hợp với các loại thuốc khác, ví dụ như thuốc làm loãng máu, thuốc điều trị huyết án và thuốc điều trị nhiễm virus gây suy giảm hệ miễn dịch ở người.
4. Các tác dụng phụ khác:
Tiêu thụ quá nhiều tỏi có thể gây hôi miện, tạo ra mùi hôi cơ thể và đau dạ dày.
SỬ DỤNG TỎI ĐEN ĐÚNG CÁCH
Tuỳ vào sức khoẻ tổng thể và nhu cầu của từng người, chỉ nên dùng từ một đến ba tép tỏi đen mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng tỏi đen ăn mỗi ngày nên được điều chỉnh linh hoạt để thích hợp với tình trạng sức khoẻ của ngày hôm đó, không nhất thiết cố định số lượng phải ăn.
Có thể đưa tỏi đen vào chế độ ăn uống bằng những cách sau:
- Ăn sống như món ăn vặt – dĩ nhiên phải giới hạn số lượng, vì tỏi đen có vị ngọt nên dễ ăn hơn rất nhiều so với tỏi trắng.
- Dùng làm đồ trang trí, món ăn phụ đi kèm cho nhiều món ăn khác nhau, như pizza hoặc salad.
- Dùng trong các món tráng miệng, chẳng hạn như bánh pudding trứng, bánh su kem, bánh bông lan.