Duyên Dáng Việt Nam

9 cách giúp người lao động phòng và chống dịch COVID-19 ở nơi làm việc

Kim Phượng • 22-08-2020 • Lượt xem: 630
9 cách giúp người lao động phòng và chống dịch COVID-19 ở nơi làm việc

Đợt tái bùng phát dịch lần thứ 2 ở Việt Nam có diễn biến ngày càng phức tạp, làm nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng. Tính đến ngày 21/8, Việt Nam có khoảng 1009 người bị mắc COVID-19. Trong bối cảnh như vậy, doanh nghiệp và người lao động cần chủ động phòng và chống dịch bệnh ở nơi làm việc để bảo vệ sức khỏe bản thân và không làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc.

Tin, bài liên quan:

COVID-19 - Đừng chủ quan vì ai cũng có thể là nạn nhân

Chúng tôi xin gợi ý đến bạn cẩm nang phòng và chống COVID-19 tại nơi làm việc như sau:

1. Tuyên truyền phòng và chống dịch bệnh

Doanh nghiệp nên có kế hoạch thiết kế các ấn phẩm truyền thông (bản tin, tờ bướm…) để tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn người lao động hiểu được tầm quan trọng của việc phòng và chống dịch bệnh tại nơi làm việc. Từ đó, người lao động có thể tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng và chống để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh tại văn phòng, cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại…

2. Cách ly người đến từ vùng dịch

Những nhân viên, người lao động đi công tác hoặc đến từ vùng dịch cần khai báo tình trạng sức khỏe và nên chủ động cách ly tại nhà. Khi người lao động có những biểu hiện của bệnh (sốt, ho, khó thở…), họ có thể liên hệ với đường dây nóng 1900 3228 hoặc 1900 9095 để được tư vấn và xét nghiệm kịp thời.

covid_1
Giao hàng bằng điều khiển từ xa để giữ khoảng cách - Nguồn: baoquocte.vn

3. Chia ca hoặc làm việc tại nhà

Làm việc tại nhà là một trong những phương án ứng phó hữu ích của doanh nghiệp trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Phương tiện liên lạc trực tuyến giúp mỗi người hạn chế đi đến nơi đông người, tránh tiếp xúc với người khác mà vẫn đảm bảo làm việc theo đúng tiến độ.

 Bên cạnh đó, một số công ty đã lên kế hoạch chia ca làm việc cho nhân viên. Doanh nghiệp nên cho phép những người lao động có tiền sử bệnh hoặc đang mắc bệnh viêm phổi, hen suyễn, cảm cúng làm việc tại nhà. Bởi vì, họ đang bị bệnh nên sức đề kháng không tốt, dễ bị lây nhiễm dịch bệnh hơn người bình thường.

4. Đo thân nhiệt trước khi tiến vào nơi làm việc

Bất kỳ đối tượng nào cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm tra sức khỏe (kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn) trước khi vào cơ sở sản xuất. Đặc biệt, khách hàng và đối tác khi đến làm việc tại công ty phải điền địa chỉ và khai báo tình trạng sức khỏe của mình.

Một số lao động làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao (bác sĩ, y tá, nhà báo, phóng viên…) cần tự trang bị cho mình đồ bảo hộ, khẩu trang và thường xuyên rửa tay với nước sát khuẩn trước và trong khi làm việc

5. Giữ gìn sức khỏe cá nhân

Người lao động nên ăn uống điều độ và có chế độ tập thể dục giữa giờ làm việc. Mỗi người có thể đem cơm ở nhà theo thay vì dùng chung những vật dụng cá nhân (ly, chén, đĩa…) với người khác ở căn tin công sở. Khi ngồi ở nhà ăn công ty, bất kỳ ai cũng nên ổn định ở một vị trí cách người khác ít nhất 2m.

covid_2

Thiết kế ấn phẩm truyền thông tuyên truyền phòng và chống dịch bệnh - Nguồn: hanoi.gov.vn

6. Đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách

Người lao động cần đeo khẩu trang đúng cách khi di chuyển từ nhà đến nơi làm việc và trong khi làm việc. Mỗi người cần duy trì khoảng cách tối thiểu 1m khi đứng chờ thang máy.

Ở văn phòng, nhân viên nên ngồi làm việc cách nhau khoảng 2m và tránh tiếp xúc, bắt tay nhau khi không cần thiết. Khi hắt hơi, mỗi người cần dùng khuỷu tay áo, khăn giấy hoặc khăn vải để che mũi, miệng, tránh tiết dịch mũi họng vào không khí.

7. Rửa tay thường xuyên

Các dung dịch sát khuẩn và xà phòng rửa tay nên được đặt ở nơi dễ nhận biết trong văn phòng. Người lao động phải rửa tay thường xuyên (trước khi làm việc, ăn cơm; sau khi đi vệ sinh và ra về) ít nhất trong 30 giây với nước sát khuẩn hoặc xà phòng có độ cồn tối thiểu là 60%.

Những bề mặt như tay vịn, lan can, nút bấm thang máy thường là nơi vi khuẩn trú ẩn. Vì vậy, mỗi người cần rửa tay và hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh.

covid_3

Vệ sinh các đồ dùng thường xuyên tiếp xúc trong văn phòng ít nhất 2 lần/ngày - Nguồn: danang.gov.vn

8. Giữ nơi làm việc thông thoáng

Các văn phòng thường kín gió và sử dụng máy điều hòa nên ít được thông thoáng. Người lao động nên hạn chế sử dụng điều hòa, mở cửa sổ, kéo rèm lên và bố trí nhiều cây xanh để nơi làm việc có thể thoáng khí hơn và hạn chế nguy cơ lây bệnh.

9. Vệ sinh nơi làm việc

Giữ gìn vệ sinh nơi làm việc không chỉ nên là nhiệm vụ của người lao công mà là của tất cả người lao động trong công ty.

Bản thân người lao động cần giữ gìn vệ sinh chỗ ngồi làm việc của mình. Lao công nên vệ sinh văn phòng làm việc đều đặn vào trước hoặc sau khi nhân viên tan sở.

Lau rửa là một trong những biện pháp cần được ưu tiên khi khử khuẩn, vệ sinh nơi làm việc. Đối với các bề mặt tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh (tay vịn, tay nắm cửa) cần được khử khuẩn ít nhất 4 lần/ ngày với các chất tẩy thông thường hoặc dung dịch có chứa 0,05% Clo hoạt tính.  Đặc biệt, các đồ vật dùng chung tại văn phòng (điện thoại bàn, bàn phím máy tính, công tắc điện…) nên được sát khuẩn 2 lần/ ngày.

Một số biện pháp phòng và chống bệnh ở nước ngoài

 Các công ty ở Hàn Quốc thường chia ca làm việc cho người lao động hoặc cho phép họ làm việc tại nhà. Ở công ty, người lao động bắt buộc đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách 2m với người khác khi làm việc tại văn phòng.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ dùng nước hoa để sát khuẩn thay vì các dung dịch rửa tay. Nước hoa có độ cồn khoảng 60% nên có thể sát khuẩn khi các mặt hàng xà phòng, dung dịch khan hiếm.

Na Uy cho phép mở lại trường mẫu giáo trong mùa dịch nhưng yêu cầu phải chia 3 – 6 em nhỏ thành nhóm để dễ dàng quan sát và kiểm soát tình trạng sức khỏe của các em.

Người đi thang máy ở Thái Lan đứng sẵn trong vị trí được chỉ định và quay mặt vào các bên để đảm bảo duy trì khoảng cách.