VĂN HÓA

Áo dài – Niềm tự hào của người Việt

HaoKhanh • 05-10-2024 • Lượt xem: 1364
Áo dài – Niềm tự hào của người Việt

Nếu như người Nhật tự hào về Kimono, người Hàn nổi tiếng với Hanbok thì người Việt Nam được biết đến với tà áo dài thướt tha. Áo dài là trang phục truyền thống, là nét đẹp văn hóa đặc trưng, là biểu tượng gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, góp phần tôn lên vẻ đẹp nữ tính, thể hiện sự thanh lịch, nhẹ nhàng, duyên dáng của người phụ nữ.

Ảnh: Internet

Áo dài là hiện thân của con người Việt, một vẻ đẹp mỹ miều nhưng đằm thắm. Chiếc áo dài là sản phẩm đặc trưng mang đậm bản sắc, là biểu tượng chứa đựng tinh hoa văn hóa dân tộc.

“Tà áo dài xuất hiện dịu dàng, trang nhã mà vẫn lộng lẫy, kiêu sa cùng đất và người bước qua những thăng trầm thời cuộc từ quá khứ đến hiện tại và tương lai”.

Trải qua nhiều thời kỳ, áo dài có sự biến đổi về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu nhưng vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm mà kín đáo. Đặc biệt, áo dài hiện đại dưới sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của những nhà thiết kế tài ba đã toát lên được vẻ đẹp tinh tế, sang trọng, thời thượng nhưng vẫn thể hiện được tinh thần tự do, phóng khoáng.

“Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu

Dù ở đâu – Paris, London hay những miền xa

Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố

Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi”

Ảnh: Internet

Người Việt Nam vô cùng tự hào về tà áo dài truyền thống. Áo dài là trang phục dành cho mọi lứa tuổi, được mặc ngày càng nhiều trong trường học, công sở, doanh nghiệp. Được xem như là quốc phục, nó là sự lựa chọn hàng đầu của mọi người trong các dịp như Tết Nguyên Đán, lễ cưới hỏi, lễ tốt nghiệp,…Đặc biệt áo dài được các bạn trẻ vô cùng yêu thích và ưa chuộng vì thể hiện được vẻ đẹp trong sáng, dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ Á Đông.

Bạn Mỹ Quyên (Sinh viên, Hà Nội) chia sẻ: “Lúc nhỏ, nhà mình gần trường cấp 3 nên cảm thấy rất ngưỡng mộ khi thấy các chị mặc áo dài trắng thướt tha xinh đẹp, chỉ ao ước nhanh lớn để được mặc áo dài. Đến bây giờ mình vẫn nhớ như in cảm giác hân hoan, vui sướng và hãnh diện khi lần đầu tiên mặc áo dài đi học. Hiện tại dù chiếc áo dài đó đã cũ, phai màu, sờn chỉ nhưng mình vẫn gấp gọn cất vào tủ như một món quà kỷ niệm của mẹ và cũng là lưu giữ hành trình những năm tháng tuổi học trò hồn nhiên, vui tươi”.

Cô Ngọc Thảo duyên dáng trong tà áo dài ngày hội trường Ảnh: NVCC

Cô Ngọc Thảo (Giáo viên, TP.HCM) có nguyên một bộ sưu tầm áo dài với gần 20 chiếc, vui vẻ nói: “Vì tính chất nghề nghiệp nên mình có rất nhiều áo dài, với nhiều kiểu dáng từ đơn giản đến hoa văn cầu kỳ, phức tạp. Và việc sưu tầm áo dài là một trong những niềm đam mê của mình. Mình thường mặc áo dài trong những buổi đứng lớp, sinh hoạt chủ điểm hay những ngày hội trường như lễ khai giảng, lễ tổng kết, ngày 8/3, ngày 20/11. Mình rất yêu thích và tự hào về áo dài Việt Nam không chỉ bởi vẻ đẹp của nó mà còn vì những giá trị truyền thống nó mang lại”

Chị Diễm Thúy (Chủ cửa hàng Mẫn Nhi, TP.HCM) sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế thời trang, chị đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm và mở một cửa hàng áo dài với mong muốn lưu giữ, phát triển giá trị văn hóa và lan tỏa vẻ đẹp của áo dài đến mọi người. Chị chia sẻ:

 “Công việc của mình là thiết kế, may đo áo dài. Đối tượng khách hàng của mình đa số là các bạn trẻ năng động, nhiệt huyết. Các bạn vô cùng yêu thích những mẫu áo dài mang xu hướng hiện đại vì nó thể hiện được phong cách thời trang, cá tính riêng biệt”.

Cửa hàng áo dài của chị Diễm Thúy vẫn sáng đèn để đón khách Ảnh: NVCC

Chị chia sẻ thêm chị có nhiều kỷ niệm với áo dài trong suốt hơn 10 năm theo nghề. Đặc biệt là những cặp đôi đến cửa hàng chị với mong muốn chọn được những chiếc áo dài thật đặc biệt để chuẩn bị cho ngày trọng đại của cuộc đời, lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt vời của thanh xuân.

“Mình cảm thấy vô cùng thích thú và hào hứng khi được nghe những câu chuyện tình yêu đẹp, lãng mạn của các bạn, có thăng có trầm nhưng cuối cùng họ cũng đã vượt qua mọi thử thách để xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Nó đã tiếp thêm năng lượng và truyền cảm hứng cho mình trong những thiết kế. Mình cảm thấy tự hào khi tạo ra được những bộ áo dài đem đến niềm vui, hạnh phúc cho những cô dâu chú rể, góp phần tạo nên những mảnh ghép hoàn hảo để ngày cưới thêm trọn vẹn”.

Những lời chia sẻ chân thành của chị làm chúng ta cảm thấy vô cùng yêu quý và cảm phục vì trong xã hội vẫn còn rất nhiều những con người vẫn ngày đêm nghiên cứu, miệt mài với công việc để lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Điều đó thật đáng trân trọng!

Tháng 10 (Tháng áo dài) với điểm nhấn là Lễ hội áo dài 2024 diễn ra từ ngày 4 - 6.10 được tổ chức vô cùng quy mô, hoành tráng. Đây là sự kiện nhằm quảng bá du lịch Việt Nam và là dịp để tôn vinh, bảo tồn nét đẹp văn hóa đặc sắc về tà áo dài truyền thống của dân tộc. Hy vọng với sự thành công của sự kiện sẽ đem đến những thông điệp tích cực và ý nghĩa, nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân trong việc khơi gợi niềm tự hào, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản áo dài Việt Nam trong cộng đồng và lan tỏa nó ra khắp thế giới.