VĂN HÓA

Áp lực công việc và nỗi cô đơn của người dạy học

Nhà văn Mai Tiến Nghị • 16-11-2022 • Lượt xem: 2458
Áp lực công việc và nỗi cô đơn của người dạy học

Nhà giáo, Nhà văn Mai Tiến Nghị và các học trò cũ ngày gặp lại

Nhà văn Mai Tiến Nghị, ông đang sống và viết tại Hải Hậu, Nam Định. Ngoài công việc của một nhà văn thì ông từng có một quãng thời gian rất dài hơn 30 năm vừa là giáo viên phổ thông và còn với vai trò là một hiệu trưởng tại một trường THCS ở quê nhà. Dù đã tuổi hưu, rời xa công việc của một nhà giáo, thế nhưng tình yêu nghề, ngọn lửa ấy vẫn cháy mãi trong trái tim của một người nay còn thêm cả sứ mệnh của một nhà văn. Tình yêu ấy có thể không được chứng minh bằng các buổi đến trường như xưa, nhưng nó đã chuyển sang một thái độ suy ngẫm đầy trăn trở trước những biến đổi của thời cuộc, của những thế hệ thầy cô giáo hôm nay, mà trong mắt của thế hệ đi trước như ông, vẫn còn biết bao khắc khoải. Chúng tôi nhận được bài viết của nhà văn Mai Tiến Nghị gửi về BBT DDVN, với những câu chữ đầy trải nghiệm, trong sự phân tích chân tình, sâu sắc về nghề giáo - nghề được coi là một trong những nghề cao quý nhất. Xin được trích đăng với bạn đọc.

Nhà văn Mai Tiến Nghị 

Nhiều người... rất nhiều người cho đến nay vẫn cho rằng Nhà nước ta đang ưu tiên, rất ưu ái cho giáo viên. Xin thưa nếu trong thang bậc lương của giáo viên hiện nay thì giáo viên vẫn đứng thấp so với rất nhiều ngành nghề. Một giáo viên ra trường được mười năm lương cũng không bằng người làm Osin trông trẻ. Giáo viên có phụ cấp đứng lớp 25- 30% ư? Vâng... chỉ hơn được vài tháng... rồi sau đó tất cả các ngành đều đồng loạt phụ cấp. Một người làm tạp vụ ở cơ quan Đảng, đoàn thể cũng có phụ cấp 30%. Có ngành còn phụ cấp tới hơn 100%... Kết quả cuối cùng người làm nghề cao quý nhất vẫn có mức lương bèo bọt nhất.

Nhìn các thầy cô giáo lúc nào cũng đĩnh đạc khoan thai thì tưởng nhàn... đã mấy ai hiểu cho trong cái bề ngoài như vậy nhưng bờ vai của người thày đang bị đè nặng áp lực công việc.

Những người như tôi cả thời đi học và đi dạy đã được hưởng ít nhất 3 lần cải cách giáo dục.  Bình quân khoảng 10 năm một lần, và ngoài ra còn chịu thêm hàng chục lần chỉnh lý đổi mới. Thời học sinh rồi cũng qua đi nhưng nếu anh còn gắn bó với nhà trường trong công việc giảng dạy thì anh luôn phải thay đổi. Thay đổi đến chóng mặt, người có năng lực cũng rã rời, người không đủ năng lực thì không thể nào theo nổi. Sự thay đổi về chương trình sách giáo khoa, thay đổi về nghiệp vụ giảng dạy, thay đổi về công tác quản lý. Càng về sau càng nhiều sự đổi mới. Đến nay thì giáo viên đã quá mệt mỏi vì các cuộc thay đổi, đổi mới... vì chưa kịp làm quen với cái mới lai tiếp tục thay đổi để thành cái mới hơn. Vẫn biết rằng sự đổi mới là cần thiết nhưng thực ra điều quan trọng là hình như chúng ta đang đưa giáo dục đi theo một cái hướng lòng vòng vô định nên cứ loay hoay thay đổi.

Cho đến giờ chúng tôi phải cảm ơn các thày cô và lãnh đạo ngành giáo dục ngày xưa về những kiến thức kỹ năng mà chương trình đã đem lại cho người học những năm 60 - 70. Nó thực sự là phổ thông, vì từ đấy mỗi người đều được cung cấp những kiến thức cơ sở cần thiết để thích ứng với mọi công việc và học lên. Còn bây giờ... đổi mới, đổi mới đến nỗi một tiến sĩ lên đài truyền hình còn ngô nghê không biết một kiến thức sơ đẳng, thậm chí cả những người đang làm cái việc quan trọng soạn sách dạy học sinh, đang đổi mới chương trình mà không hiểu quy luật thông thường của tự nhiên.

Nhiều thầy cô giáo hôm nay vẫn thắp sáng lửa nghề - Hình minh họa

Chưa kể đến các công việc mà cấp trên, các chuyên viên luôn nghĩ ra mọi cách để hành hạ giáo viên. Tôi nói hành hạ giáo viên là nói thật không cường điệu. Sinh viên học sư phạm 4 năm đã được nhà trường Sư phạm cho học và làm tất cả các công việc của người thày. Khi tốt nghiệp ra trường đương nhiên đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của người dạy học. Rồi để được dạy học còn phải qua một kỳ thi tuyển. Thế mà đã dạy dăm mười năm thậm chí gần ba chục năm, ngành còn đòi phải có chứng chỉ dạy học. Lại phải tiếp tục học lại những điều đã học để được cấp chứng chỉ (dĩ nhiên phải nộp tiền học, tiền chứng chỉ). Đấy là sự vô lý, vô lý đến mức không hiểu nổi. Điều dễ hiểu ở đây là mỗi chứng chỉ không dưới 2 triệu (dù có học hay học qua loa), mỗi giáo viên ít nhất 3 chứng chỉ... tính ra mỗi Sở GD là một con số khủng, toàn quốc sẽ là một con số khủng khiếp.

Về chương trình thì như trên đã nói. Giáo viên học phổ thông thì một kiểu, đi dạy học dạy theo một kiểu, và đổi mới lại thay đổi theo kiểu khác. Nói ngay bộ môn Toán phân môn Hình học: Bản chất Toán học chỉ có một nhưng mỗi lần thay sách là một hệ Tiên đề hình học khác nhau. Từ cái Hệ tiên đề mới được thiết lập thì những khái niệm bỗng chốc thay đổi. Và từ thay đổi ấy thì tự nhiên Hệ quả thành Định lý, Định lý thành Hệ quả. Nếu không chú ý thì giáo viên sẽ nhầm lẫn lung tung. Rồi môn Văn từ chỗ học Văn sang học Tiếng... Chẻ hoe câu chữ, phân tích cấu trúc câu đoạn, biến cái đơn giản thành hàn lâm, biến cái kinh nghiệm giao tiếp bằng tiếng nói thông thường thành cái ma trận rắc rối đến mụ mị đầu óc học sinh; người ta áp đặt ý kiến của Giáo sư nọ kia, buộc học trò phải nghĩ như giáo sư mà mất hẳn cái cảm thụ cá nhân của chủ thể tiếp nhận. 

Chưa kể đến cái sự tích hợp Sử Địa, Lý Hóa Sinh. Giáo viên được đào tạo chuyên nhưng dạy tích hợp... Nếu không cẩn thận thì sẽ dạy sai, nếu không dạy sai thì chắc chắn sẽ hời hợt vì giáo viên đâu có hiểu kỹ. Rồi thay đổi hình thức tên gọi. Ví dụ Natri (Na) thành Sodium, Sắt (Fe) thành Iron, Đồng (Cu) thành Copper. Loạn cả lên, chả biết lối nào mà lần.

Sự thay đổi hình thức đang hành hạ giáo viên bằng những quy định mỗi ngày càng thêm rắc rối. Giáo án đổi thành Thiết kế bài dạy rồi Kế hoạch bài dạy và đưa ra buộc phải thực hiện mẫu giáo án 20 trang cho một giờ lên lớp 45 phút. Thử hỏi một giáo viên đứng hai tiết trong một ngày ở hai khối lớp khác nhau sẽ phải soạn 40 trang giáo án trong một ngày, khoảng trên 200 trang một tuần. Thiên tài mới làm được điều ấy. Rồi các loại hồ sơ sổ sách, ra đề thi theo ma trận, sổ theo dõi ghi chép các loại, rồi quy định dự giờ đồng nghiệp, hội giảng, sáng kiến kinh nghiệm, chấm trả bài... Chỉ những việc hồ sơ sổ sách vậy cũng đã làm giáo viên không thể thở. Ban ngày ở trường, đêm về cặm cụi soạn bài chấm bài, trong khi các ngành khác cứ 8 giờ vàng ngọc. Cái hình ảnh “ngọn đèn khuya bên khung cửa”... “giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào” là thi vị hoá sự vất vả của giáo viên theo đúng nghĩa nhất.

Vì các cấp quản lý từ dưới lên trên nặng chạy theo thành tích nên sức ép chất lượng rất lớn đổ lên đầu giáo viên. Đã đi học phải có trò giỏi trò yếu. Nhưng do địa phương phải phổ cập Giáo dục đúng độ tuổi nên chỉ tiêu phải lên lớp 100% ở cấp Tiểu học, 95% ở cấp Trung học cơ sở. Giáo viên phải ép học sinh lên lớp, nới lỏng đánh giá để học sinh lên lớp. Quy trình đánh giá không đúng thì đâu ra chất lượng, năm sau học sinh yếu kém càng nhiều lên vì mất gốc... luẩn quẩn trong cái trận đồ bát quái của thành tích làm giáo viên khốn khổ.

Còn một kiếp nạn nữa cười ra nước mắt, giáo viên bị chửi là dốt nát, chỉ mải chơi không chịu dạy. Tôi còn nhớ có một lần Sở ra đề thi chung kỳ 1 môn Toán cho học sinh toàn tỉnh. Lớ ngớ thế nào mà người ra đề đâm sầm vào kiến thức của học kỳ 2. Học trò tắc tỵ nhìn vào dãy số trong đề như Tiến sĩ ở ta nhìn Bổ đề của Giáo sư Châu (!). Đã học đâu mà thi? Lần nữa thi vào cấp Phổ thông Trung học một vị ở Sở ra đề Ngữ Văn vào đúng bài giảm tải (có trong sách giáo khoa nhưng được điều chỉnh bỏ đi không dạy). Giáo viên tá hoả, học sinh không làm được bài, chạy về mếu máo nói với cha mẹ rằng bài ấy thầy cô không dậy. Cả hai lần ấy phụ huynh réo tên tuổi thầy cô giáo chửi tám gánh có ngọn. Giáo viên cả tỉnh được phen no chửi. Nhục thế. (Dĩ nhiên năm ấy vẫn chất lượng cao vì sau đó được chỉ đạo bỏ điểm của câu hỏi về cái bài chưa dạy để chia thêm vào các câu hỏi còn lại).

Còn nữa đó là các ngành các cấp thường hay tổ chức các cuộc thi từ cấp huyện đến Trung ương. Nào là tìm hiểu truyền thống của các tổ chức ban ngành, nào là môi trường, nào là dân số, an toàn thực phẩm... Một năm vài ba lần tìm hiểu. Giáo viên là người chịu trận trước tiên. Người nào cũng phải có bài dự thi và còn hướng dẫn cho học sinh lớp mình tìm hiểu. Ít nhất là cũng phải đủ số lượng còn chất lượng thì không quan trọng. Một số nơi còn yêu cầu giáo viên làm những việc vô lý như tiếp khách, văn nghệ để phục vụ các thể loại đại hội, hội nghị, các cuộc thanh tra... Ngành Giáo dục cũng cho rằng đấy là việc phải làm để “phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương” như ông cựu Bộ trưởng  nào đã từng lý giải. 

Có giáo viên đã tâm sự: “Nỗi khổ của chúng em không chỉ là chuyên môn, mà còn khổ về chuyện thu tiền. Vài tháng đầu năm học dạy dỗ thì bập bõm vì ngày nào lên lớp cũng nhắc học sinh đóng tiền. Trong năm học thỉnh thoảng Giám hiệu lại yêu cầu thu tiền... Khổ lắm mà cũng thương lắm. Sao thương? Thương nhất các em học sinh nghèo chưa có tiền nộp, mỗi lần giáo viên nhắc đến khoản thu thì các em như người có lỗi cụp mặt xuống ngượng ngùng xấu hổ...”.

Cho đến giờ chưa phát hiện được ai trong cả triệu giáo viên phổ thông của cả nước tham ô của học sinh dù chỉ 1 đồng. Nhưng Giáo viên lại là người bị chửi nhiều nhất về việc thu tiền học sinh.

Xem ra các khoản thu trong nhà trường cũng nhiều nhiều. Mặc dù Chính phủ, Bộ Giáo dục Đào tạo đã riết róng răn đe không được thu các khoản ngoài quy định nhưng xem ra các nhà trường vẫn không bớt mà có khi còn tăng thêm. Sách Giáo khoa những năm xưa học sinh tự mua nhưng nay có mấy bộ sách nên Nhà trường đứng ra mua cho học sinh theo chương trình Sở GD chọn nên số tiền thu tăng vọt. Ngay như bảo hiểm đã tham gia Bảo hiểm Y tế rồi nhưng nhà trường nào cũng bắt học sinh đóng thêm một khoản bảo hiểm toàn diện của một công ty nào đó. Sách Giáo khoa mua rồi còn phải mua thêm sách Bài tập của Bộ của Sở, rồi đóng góp xây dựng, quỹ các loại và dịch vụ đủ kiểu từ trồng cây đến vệ sinh... Chắc chắn không dưới mười khoản.

Những điều nói trên có thể các quan chức cho rằng nói toàn những điều vụn vặt. Nhưng có là giáo viên mới biết những điều tưởng như vụn vặt ấy lại gây cho giáo viên sức ép tâm lý rất nặng nề. Anh nào cũng lo lắng hồi hộp không biết mình có được đánh giá hoàn thành trách nhiệm hay không như cô giáo ở Bình Định đã viết trong thư tuyệt mệnh. Thấy một sự việc thì chỉ để thấy mà không dám nói và cũng không muốn nói. Muốn đề xuất một ý kiến thì phải qua nhiều cấp do thiết chế giáo dục chặt chẽ đến mức nghẹt thở từ Tổ trưởng đến Hiệu phó Hiệu trưởng, Công Đoàn, Chi Bộ... rồi Chuyên môn của Phòng đến Trưởng Phòng, tiếp đến Uỷ Ban nhân dân huyện quận, phòng chức năng của Sở... Tính ra một ý kiến của Giáo viên nếu đến Bộ trưởng phải qua áng chừng gần chục cấp kiểm duyệt. Thường thì nó chỉ đến Hiệu trưởng là bị ách lại vì các ông bà Hiệu trưởng vị thành tích. Nếu lên đến cấp huyện thì giáo viên đã bị đánh giá là chống đối. Tiêu cực cứ thế phát sinh mà trên không hề biết. Giáo viên đành chịu ấm ức một mình. Ta có thể nhận thấy điều này qua hiện tượng phát hiện những sai sót trong sách giáo khoa mới. Toàn do người ngoài ngành và mấy ông giáo về hưu phát hiện chứ có rất ít tiếng nói của giáo viên trực tiếp giảng dạy. 

Cái búa rìu không hoàn thành nhiệm vụ, cố ý chống đối luôn treo lơ lửng trên đầu giáo viên nên họ phải cố sức để tránh. Từ cái sự cố sức tránh này phát sinh ra chuyện giáo viên chỉ biết mình không có sự liên kết bảo vệ nhau. Một sự việc xảy ra đối với một người thì những đồng nghiệp khác sẽ là người ngoài cuộc. Họ dửng dưng vô cảm bới nếu cất tiếng nói bảo vệ sẽ bị liên luỵ. Đấy là chưa kể còn rất nhiều người a dua nịnh nọt cấp trên, tiếp tay cấp trên đẩy con người trung thực xuống vực thẳm.

Nghề giáo với các nỗi sợ vô hình mà chỉ người trong cuộc mới hiểu - Hình minh họa

 Xót xa lắm.

Viết những điều này xin người đọc đừng cho là vụn vặt. Có thấy cái vụn vặt mới cảm thông với người dạy học. Nếu coi giáo viên là người thợ thì xin hãy nhìn giáo viên như những công nhân các ngành khác đừng nghĩ họ là đôí tượng để đổ lỗi. Muốn vậy cần phải có sự thay đổi. Việc cần thay đổi đầu tiên là hãy xoá ngay bệnh hình thức trong giáo dục. Nếu có đổi mới phải đổi mới bản chất nội dung phương pháp để giáo dục thực sự khai phóng cho con người chứ không phải để khoe chữ hàn lâm, khoe thành tích phát triển, khoe quy mô đào tạo. Đừng bao giờ và không bao giờ cho phép biến nhà trường thành thị trường như hiện nay.