VĂN HÓA

Ba cây guitar nổi tiếng của Đà Nẵng

Nguyễn Hữu Hồng Minh  • 14-02-2020 • Lượt xem: 3007
Ba cây guitar nổi tiếng của Đà Nẵng

Đà Nẵng có nhiều nghệ sĩ kiệt xuất guitar như “gia đình ba cha con cùng nổi tiếng” là thầy Cao Minh Trí và hai con trai Cao Minh Đức, Cao Minh Triết. Tài năng lẻ có thể kể như guitar bass Hồ Phan Dinh, Thành Đà Nẵng… DDVN giới thiệu thêm 3 gương mặt trong chuyến trở lại thành phố mùa xuân Canh Tý…

Tin, bài liên quan:

Cao Minh Trí, bậc thầy của nhiều danh thủ guitar

Cao Minh Đức, guitarist có hạng của Việt Nam

Guitar Ánh sáng và Bóng tối - Tư liệu quý giá và những xúc cảm vượt thời gian

Hoàng Ân, guitar cổ điển giữa thi ca và hội họa

Cuốn sách đầu tiên tôi “ăn trộm” để đọc vào thời thơ ấu của mình oái ăm hay dễ thương thay lại là của một nhạc sĩ nghèo ở Đà Nẵng - Guitarist, họa sĩ Hoàng Ân. Ngày ấy, nếu không đọc sách có lẽ cuộc đời tôi đã chuyển hướng tốt đẹp chứ không “lăng nhăng” đi theo nghệ thuật viết thơ, làm nhạc như vậy. Nhưng nếu có dịp trở lại thời thơ ấu, tôi vẫn quyết định làm một đứa bé ăn trộm sách như thế! Vì những trang sách đầu tiên đi vào tâm hồn non tơ chưa một vết xước đã vẽ lên thế giới tưởng tượng nỗi ngọt ngào của viên kẹo kỳ diệu! 

Guitarist, họa sĩ Hoàng Ân bên những tác phẩm tranh của mình

Hoàng Ân là một nghệ sĩ có tài nhưng cũng khá dị biệt vì không giống ai. Ở ông trong hồi ức tôi bao giờ cũng phảng phất một nét ngơ ngác, không thể tin và miên dại. Cứ như mọi lẽ ở cuộc đời này sau 1975 là điều không thể tin được. Chỉ có thể là tưởng tượng. Ngày ấy, mưu sinh là một việc ám ảnh tàn khốc. Sau này tôi mới biết bằng cách hồi ức những kỷ niệm thơ ấu. Ví như đi xếp hàng mua gạo từ ba giờ sáng nhưng đến ngày hôm sau mới tới lượt mình, mua thịt tem phiếu về tới nhà thì miếng thịt đã rớt, “bốc hơi” từ lúc nào. Ăn cơm độn toàn bo bo, sắn lát… Cứ thế, một thời ấu trĩ và tàn bạo. Nhưng hình như Hoàng Ân vẫn sống với thế giới guitar cổ điển, làm thơ và vẽ tranh.

Ông sống bằng cách thuê mở một tiệm bán sách trên đường Hùng Vương. Sau đó, ông đổi ra phía gần bưu điện Sông Hàn. Ông đeo một cặp kính cận dày cộp khiến cặp mắt như lồi ra giống mắt ếch. Tôi là thằng bé ham đọc sách. Mười tuổi đã đọc gần hết tủ sách thượng vàng hạ cám của cha để chỉ mong cuối tuần nghỉ học lang thang các tiệm sách đọc cọp. Chẳng hiểu sao ngày ấy mê đọc sách như thế! Không có cuốn nào mới ra ở hiệu sách Nhân dân mà tôi không biết. Để càng ngày ngạc nhiên tại sao những cuốn sách hay thì chẳng bao giờ tìm thấy trong hiệu sách đó mà chỉ có thể thấy bày bán phơ phất ở các tiệm sách bên ngoài? Ký ức và những câu hỏi ngây thơ, non nớt về một thời bao cấp giả dối biển lận bắt đầu chớm lên từ ngày ấy.

Và tôi đã ăn trộm sách ở nhiều tiệm dọc các con đường Ngô Gia Tự, Hùng Vương, Bạch Đằng. Đứa bé thơ giả đò đứng lơ láo nhưng sẽ thó rất nhanh những cuốn sách nhét vào cạp quần, phủ áo che bụng hay lẩn trong tờ báo lớn giả đò tình cờ mang theo. Thường thường, những cuốn sách đó đứa bé đọc say sưa từ trang đầu đến trang cuối. Xem luôn cả nhà in, nhà xuất bản. Đọc xong còn bao bọc chu đáo, xếp vào một góc tủ cẩn thận như một chiến tích, một báu vật. Kỳ lạ thế. Cái gì ăn trộm, ăn vụng mới thấy ngon, thấy quý, thấy đệ nhất thiên hạ. Kể cả đọc sách trộm cũng thế!

Và rồi một lần tôi bị Hoàng Ân bắt tại trận khi trộm một cuốn sách ở tiệm ông. Người đàn ông bận áo vest màu cứt ngựa dài phủ kín đầu gối và hai tay giữa mùa hè giữa mùa hè nóng nực, mắt trợn lên sau kính, nghiêm nghị rít lên với tôi bằng cái giọng Huế: “Mi mới là con nít lõ mũi mà đã biết ăn trộm sách? Mi lấy sách của tao mấy lần rồi? Lần ni tao bắt được tay, day được cánh, hết chối hỉ?! Chừa nghe! - Rồi ông đe: “Chứ để tao bắt một lần nữa tao méc cha mi, ông đánh chết…”.

Sau đó tôi mới biết Hoàng Ân là một họa sĩ, kiêm nghệ sĩ đàn guitar classic nổi tiếng khi cùng cha đi xem các buổi hòa tấu cổ điển khá hiếm hoi của thành phố ngày đó. Một lần mê mẩn như bị hút hồn xem ông rải những ngón đàn, những hợp âm tài tình buông bắt điêu luyện thì mắt tình cờ phát hiện thấy mấy ngón chân ông như những con sâu rụt rè thò ra từ đầu chiếc giày há mồm. Thì ra đôi giày ông đã cũ, sút keo, bục ra mấy ngón chân. Vậy mà ông không biết. Vẫn tha hồ nhịp chân. Hồn vía lang thang theo ngón đàn hút tầng mây. Tôi chưa bao giờ quên người nghệ sĩ thời bao cấp khốn khổ đam mê với tiếng đàn ma mị ấy. Người mùa hè mặc áo nỉ mùa đông và những ngón chân vũ ba lê. Người bắt được tận tay thằng bé ăn trộm sách dạy cho nó bài học đam mê…     

Hoàng Minh Triết, ngôi sao tài năng bí ẩn

Guitarist Hoàng Minh Triết là thầy âm nhạc của Ca, nhạc sĩ trẻ Lê Cát Trọng Lý

Guitarist Hoàng Minh Triết là con trai nhạc sĩ Hoàng Bích Sơn nổi tiếng ở Đà Nẵng. Học trò âm nhạc của ông sau này có nhiều người thành công như các nhạc sĩ Nhật Ngân, Trương Xuân Mẫn, Nguyễn Nam… Từ những năm 1960, thầy đã viết bài “Phan Châu Trinh hành khúc” quen thuộc mà tuổi áo trắng một thời cắp sách đến trường ai cũng biết.

Kế thừa cha mình, guitarist Hoàng Minh Triết học đàn bài bản từ nhỏ. Anh trở thành một cao thủ guitar của miền Trung, được sự nể trọng, quý mến của đồng nghiệp. Có biệt danh “Lãng tử giang hồ”, anh hiện sống và dạy đàn ở Sài Gòn. Mỗi khi “Lãng tử giang hồ” trở về, anh em yêu âm nhạc Đà Nẵng lại có dịp gặp gỡ, réo rắt tung tẩy các chiêu thức tuyệt kỹ ngón đàn.

Tôi cũng không còn nhớ mình đã lang bạt, chơi và gặp Triết từ bao giờ và khi nào? Chỉ biết đã có những khuya đến nhà tìm anh và được anh mời uống mấy xị rượu gạo mua ở một quán cóc trong hẻm sâu hun hút vào nhà anh ở đường Hoàng Diệu. Hồi đó anh phong trần và u uất hơn. Tiếng đàn trầm thổ. Hai anh em leo lên căn gác nhỏ ở đó có một cái máy computer cũ. Anh Triết đang mày mò dựng một phần mềm mix tiếng đàn classic trên máy tính. Sau nhiều năm tháng tôi vẫn nhớ. Có lẽ anh là một trong số ít các nghệ sĩ guitar luôn tập luyện và đi cùng thời đại, tìm hiểu, ứng dụng công nghệ mới vào nghiệp dĩ của mình. 

 Hạ Phương, guitarist xuất sắc và những ca khúc sáng tác

Mới đây nhất, đêm nhạc “Tiếng thời gian” giới thiệu những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Hạ Phương đã được nhiều người yêu âm nhạc Đà Nẵng chú ý. Lâu nay, ông viết nhạc âm thầm. Học trò chỉ biết ông là một người thầy dạy nhạc cần mẫn chứ không hình dung được ông đã viết nên những giai điệu nồng nàn thế!

Guitarist, nhạc sĩ Nguyễn Hạ Phương với cách biểu diễn guitar độc đáo

Nhạc sĩ sinh năm 1955 tại Quảng Nam, có năng khiếu về nghệ thuật từ nhỏ. Năm 13 tuổi đã bắt đầu làm quen với các nhạc cụ sáo, mandoline, guitar phím lõm. Sau đó mới tự học guitar, dù ông cho tôi biết lúc đó sách vở còn rất khan hiếm chứ không thuận lợi như bây giờ. Ông tốt nghiệp đại học Âm nhạc Huế và từ đó đến nay gắn bó với nghề dạy nhạc, đào tạo nhiều học viên xuất sắc. Song song với việc dạy, nhạc sĩ còn nghiên cứu thêm các loại hình và các trào lưu âm nhạc thế giới qua cây đàn guitar. Ông đã tự chuyển soạn thêm nhiều bài đặc sắc. Đến nay ông đã có gần 100 ca khúc và rất nhiều bài chuyển soạn cho đàn guitar cũng như một số công trình nghiên cứu về âm nhạc.

Nhạc sĩ, guitarist Nguyễn Hạ Phương (ôm hoa) và MC Minh Nguyệt trong đêm nhạc "Tiếng thời gian" giới thiệu những Ca khúc sáng tác của ông

Vào dịp xuân, khi về Đà Nẵng, tôi đã được gặp đầy đủ mọi người. Guitatist Hoàng Minh Triết, nhạc sĩ Nguyễn Hạ Phương, tay đàn trẻ tuổi Trịnh Phụng… và nhiều bạn trẻ khác. Chúng tôi chúc mừng nhạc sĩ Hạ Phương khi biết ông vừa xạ trị xong bệnh ung thư vòm họng, sức khỏe nay đã ổn. Tiếng đàn lại vang lên réo rắt. Thời gian có bao lâu thì tiếng đàn mãi trẻ…