Những năm gần đây, bà con người dân tại huyện Mường Chà đã có cơ hội thoát nghèo, vươn lên khấm khá nhờ được tiếp cận thông tin và thay đổi sang mô hình trồng dứa nữ hoàng - một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. So với trồng lúa hay ngô như trước đây, dứa được cho là dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng đem lại nguồn thu ngập cao hơn gấp 4 - 5 lần.
Với giá trị kinh tế cao lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, phát triển mạnh mẽ trên những triền đồi dốc, dứa nữ hoàng được bà con huyện Mường Chà xác định là loài cây kinh tế chủ lực, thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả trước đây. Ưu điểm của loại cây này bên cạnh việc không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao chính là số vốn ban đầu bỏ ra không cần nhiều, phù hợp với quy mô canh tác nhỏ. Nhờ đó, từ một vài vườn dứa nhỏ ban đầu, giờ đây tổng diện tích dứa trên toàn huyện Mường Chà đã mở rộng hơn 300 héc-ta và được biết đến là huyện có diện tích trồng dứa lớn nhất tỉnh Điện Biên.
Để có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập, Mường Chà đã hướng người dân sản xuất theo hướng VietGAP. Dứa được trồng theo quy trình chặt chẽ, hạn chế lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và đảm bảo những yêu cầu về đầu ra. Có thể làm được những điều này phải kể đến sự hỗ trợ nhiệt tình đến từ các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện, không chỉ giúp bà con về kỹ thuật mà còn đảm bảo về mặt đầu ra sản phẩm.
Theo anh Lý A Vàng (người dân tộc Mông, xã Sa Lông, huyện Mường Chà), theo giá bán trung bình hiện nay với mỗi héc-ta dứa canh tác được, sau khi trừ các chi phí phân bón, gia đình anh vẫn có thu nhập khoảng 70 - 80 triệu đồng một năm. Nguồn lợi từ cây dứa giúp gia đình anh và bà con xung quanh cải thiện cuộc sống, dần thoát nghèo một cách bền vững.“Chăm sóc cây dứa không quá vất vả, vốn đầu tư ít mà hiệu quả kinh tế khá cao nên đất nào trồng được dứa là nhà tôi chuyển trồng dứa hết. Hiện gia đình có 2 héc-ta dứa. Hộ trồng nhiều nhất trong xã có tới 8 - 9 héc-ta trồng dứa” - anh Vàng chia sẻ thêm.
Phát biểu với báo chí, ông Lường Văn Khiêm, Bí thư Đảng ủy xã Na Sang, cho biết: "Từ khi mô hình cây dứa của một số hộ tự phát ở Na Sang phát triển và nhân rộng. Qua nhiều năm quan sát, chúng tôi thấy dứa rất hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở Na Sang, cho năng xuất cao hơn trồng ngô, lúa. Đặc biệt, vị dứa ở Na Sang ngọt đậm, không như ỏ một số huyện khác đang trồng. Do đó, nhiều hộ dân đã chọn dứa là cây chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc."
Các hộ dân ở Mường Chà cũng được tập huấn, hướng dẫn trồng theo mô hình gối đầu nhau, cứ mỗi lần trồng cách nhau khoảng 20 ngày để cho dứa chín lần lượt, tránh chín cùng lúc gây ùn ứ. Như vậy người dân có thể trồng và thu hoạch quanh năm, đảm bảo nguồn thu nhập của bà con luôn ổn định. Bên cạnh đó, ngoài việc bán cho các cơ sở sản xuất, mô hình trồng dứa còn thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh và mua dứa ngay tại vườn. Điều này góp phần lan tỏa thương hiệu dứa Mường Chà đến rộng rãi người tiêu dùng cũng như phát triển du lịch tại địa phương.
Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Điện Biên, Mường Chà là một huyện biên giới với diện tích hơn 176 ngàn ha, dân số hơn 53 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 92%. Với địa hình và khí hậu khắc nghiệt, mật độ dân cư thưa thớt,... trước đây, đời sống của bà con nơi đây chịu không ít khó khăn, đặc biệt thiếu thốn về mặt cơ sở vật chất với tỉ lệ hộ nghèo cao.