VĂN HÓA

Ba giọng thơ lạ mà quen của văn chương Sài Gòn

Kinh Kha • 07-08-2019 • Lượt xem: 1023
Ba giọng thơ lạ mà quen của văn chương Sài Gòn

Những năm gần đây, thơ nữ của Sài Gòn có phần nở rộ. Nhiều cây bút mới xuất hiện với chất giọng thơ đa sắc, như những cánh hoa khoe vẻ đẹp riêng trong khu vườn chữ nghĩa. Cạnh đó, các tác giả nữ lâu năm lại chứng tỏ sự sung sức trong việc viết, như một cách hợp xướng cùng những đầu sách thơ và cả văn xuôi, tạo nên diện mạo đa chiều và thú vị của văn học TPHCM nói riêng. Chứng minh cho điều ấy, gần đây nhất là tập thơ in chung của ba nhà thơ nữ: Đặng Nguyệt Anh - Trần Mai Hường - Huệ Triệu với tên gọi Lục bát.

Lục bát với người Việt Nam là món ăn tinh thần quen thuộc. Là người Việt Nam, ai chẳng thuộc vài câu thơ lục bát. Cũng như chẳng ai mà không nhớ ít nhất vài câu thơ trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du.

Nguyễn Du từng đau đáu:

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng?

(Độc tiểu Thanh Ký - Nguyễn Du)

Nhưng thế hệ con cháu của Nguyễn Du ba trăm năm sau, mỗi người sẽ khóc một kiểu, mỗi người sẽ có cách riêng bồi đắp cái hồn cốt của thơ lục bát bằng lối viết riêng của mình. "Lợi hại" hơn, họ sẽ cùng nhau bồi đắp cho hạt giống tâm hồn ấy thêm nảy nở, dạt dào.

Ba nhà thơ nữ in chung một tập thơ đã là một điều đặc biệt. Lại đồng lòng chỉ in thơ lục bát thôi, điều ấy còn đặc biệt hơn.

Tập thơ với cách thiết kế nhã nhặn, xinh xắn, mang thông điệp thời gian như chiếc ô, che hết đời người, mình đi về đâu? Lại đi vào trong cái vòng xoáy của luân hồi, sinh mệnh? Nhưng có một thứ sẽ làm điểm trạm thời gian, làm nơi dừng chân của trăm năm hay ngàn năm sau ấy, đó chính là thơ? Đó phải chăng là thông điệp của tập thơ mà ba nữ sĩ muốn gửi gắm tại đây?

Đặng Nguyệt Anh - Cô là một nhà giáo của vùng quê Nam Định, vào Sài Gòn từ rất lâu. Người ta biết tới cô là một nhà giáo - một nhà thơ nữ nhẹ nhàng tinh tế. Thơ cô cũng có những nét ấy đậm rõ trong mỗi bài. 

Thế nhưng, tự nhiên khi lật giở phải bài cô viết cho nhà thơ Trương Nam Hương, tôi lại giật mình:

Hương ơi
trôi dạt mây bèo
Câu thơ lặn xuống
trời chiều buồn tênh
Tha hương
Hương cũng giống mình
Muốn nghiêng hết cả thác ghềnh đổ đi

Đời người thiên di, bao nhiêu thăng trầm, lại mang cái án "văn chương" trên mình, thì thác ghềnh nào mà không tìm tới? Nếu đổ đi rồi, còn có "phong vận kỳ oan" mà làm thơ chăng? 

Người có số mệnh, mà người văn chương số mệnh còn chông gai hơn? Ta cảm ơn đời hay cảm ơn người đây?

Huế đầy nghiệp chướng thi ca
Không sao dắt mẹ bước qua phận nghèo

Trong đời mỗi người, ai chẳng có một dòng sông ký ức, dòng sông tuổi thơ. Sông Ninh - huyện Nghĩa Hưng - Nam Định với nhà thơ Đặng Nguyệt Anh luôn như một dòng chảy tâm niệm trong lòng, chảy mãi thiết tha. Thay vì đáo để, cuộn trào, nhà thơ lại dành những gì mộc mạc chân tình nhất cho dòng sông ấy:

Hỡi con sông
của đời tôi
chở bao kỷ niệm
một thời ấu thơ

Hoa gạo đỏ
tuổi học trò
bạn tôi cầm súng
bên bờ chiến trinh

(Sông Ninh ơi)

Nhiều câu thơ của Đặng Nguyệt Anh lại thủ thỉ, chân tình và giản dị như chính hơi thở cuộc đời:

Đêm qua Trăng ghé sân nhà
Gặp nhau mới nhận ra là chị em

Bìa tập thơ Lục bát

Khác với sự trầm lắng, ẩn dụ của thơ Đặng Nguyệt Anh. Trong Lục bát của ba nhà thơ nữ, "trội" lên sự cuộn trào, dậy sống và khát khao, có lẽ chính là thơ Trần Mai Hường.

Trần Mai Hường trước khi thành nhà thơ tình được nhiều người yêu mến thì chị đã là "người chắp cánh cho thơ". Nhiều tập thơ đã được chị biên tập, kết nối và xuất bản tới bạn đọc. 

Thơ Trần Mai Hương đậm chất giai điệu, da diết và cũng khắc khoải tới nao lòng. Nhiều câu thơ như gan ruột bày tỏ tâm tư với người đọc, vừa thấy giật mình vừa thấy "nôn nao đến khó tả" khi những ý từ được người viết "phăng" ra thật táo bạo và thật... đàn bà.

Đốt anh tròn một giấc em
Câu thần chú cháy
lừng men dại khờ

Chật đêm
hổn hển thực mơ

Chiếu chăn thiêm thiếp
như vừa trăm năm

(Như vừa)

Chiếu chăn là vật vô tri mà cũng thấm đẫm tâm tư, khắc khoải của người đàn bà yêu thì còn gì bằng?

Sợ yêu nên xếp tình phơi

Cho khô cháy hết những vời vợi nhau

(Bùa yêu)

Ngay cả trong việc chơi chữ, cũng khó giấu đi cái ngọn lửa tình muốn thiêu rụi... cả người đọc thơ của chị.

Người đàn bà đang yêu, thật khó giấu thiên hạ. Mà yêu đậm sâu, càng khó giấu hơn. Nhưng Trần Mai Hường lại có cách giấu cái tình ấy một cách... mà ai nhìn vào cũng thấy sự khát khao trong đó:

Thắp mình đủ cháy nhau không
Xem chỉ tay
sợ vướng vòng dại khôn
Đêm - ta và chữ hoang ngôn
Để chừng mực lại nỗi hơn người dưng

Nếu như ngoài đời, Trần Mai Hương là người sôi nổi, nhanh nhạy thì cái sôi nổi nhanh nhạy ấy đã lùi bước để nhường cho một trái tim đa cảm, một khao khát được chở che, yêu thương đến nghẹt thở trong mỗi dòng thơ chị viết. Vậy mới hiểu, người đời và người thơ đôi lúc lại cách nhau quá nhiều.

Nhà thơ Huệ Triệu, cũng như nhà thơ Đặng Nguyệt Anh, là một cô giáo dạy Văn. Nhưng ngoài công việc ấy, tâm hồn chị lại hướng vào thơ nhiều hơn. Chị coi thơ lục bát như chất xúc tác để gửi mình, gửi đời.

Bỗng nhiên sao giống người dưng
Đi xa chẳng nhắc ở cùng chẳng trông
Đã từng tháng ước, năm mong
Giờ lơi mối nhạt. Cách lòng. Xót xa

Bài thơ Mối lạt, từng chữ như gửi gắm nỗi niềm của một người đàn bà đang mất phương hướng, cô đơn giữa đời mình. Nhưng đó chỉ một chút bơ vơ thôi. Chị dùng từng câu lục, câu bát để tả về cái cảm giác từ sâu đậm đến nhạt nhòa. Liệu ai trải qua cảm giác ấy rồi mà không hiểu, không đau?

Khác với những cảm xúc của thơ tình yêu nam nữ, bài thơ tả về Chùa quê của Huệ Triệu lại đậm màu sắc của sự quan sát, tinh tế và có cả những hoài niệm về phận người trong đó:

Hoa cau thơm thoảng sân chùa
Gió còn để chỏm mấy mùa tóc tiên
Hạt gầy đất chẳng bén duyên
Nắng như nắng phía cửa thiền nắng sang

.....

Khói sướng lấm áo nâu sồng
Tiếng chuông đi ngược gió sướng gọi đò

(Chùa quê)

Ba nhà thơ, ba giọng thơ, đủ tạo nên một món ăn tinh thần thú vị cho người đọc. Cảm nhận thuộc về mỗi người. Nếu đã từng đọc Trần Mai Hường, Đặng Nguyệt Anh, Huệ Triệu, hẳn nhiên bạn sẽ thêm yêu thể thơ lục bát.