VĂN HÓA

Ba gương mặt, ba phong cách hội họa

Đông Dương • 11-12-2019 • Lượt xem: 6237
Ba gương mặt, ba phong cách hội họa

Ba họa sĩ trẻ Lê Hải Triều, Thái Vĩnh Thành, Hoàng Võ đầy tài hoa và năng lượng của Sài Gòn nắng gió cùng hẹn nhau “Bắc tiến” để thực hiện một triển lãm chung, chủ đề “Ờ - exhibition”, đến với công chúng yêu tranh, nghệ thuật Thủ đô.

Tin, bài liên quan:

Triển lãm Huỳnh Lê Nhật Tấn: Bay ngơ ngác trong Tranh và Thơ

Duy Ninh, triển lãm ‘Một cõi người’

'Ký ức quê nhà' của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi

Triển lãm sẽ khai mạc ngày 4/1/2020 tại Nhà triển lãm Hà Nội (29 Hàng Bài – Hoàn Kiếm) đón chào năm mới Canh Tý.

Họa sĩ Lê Hải Triều tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM là con nhà nòi. Cha anh là họa sĩ Thanh Hồ nổi tiếng trong giới mỹ thuật miền Nam, đặc biệt là ở Nha Trang trước năm 1975. Là một cây cọ chịu sống, chịu khám phá từ thực thể (đời sống) đến hình thể (hội họa). Theo dõi quá trình màu sắc của anh, tôi thấy Lê Hải Triều khởi đi từ tranh biếm họa (khi anh là phóng viên báo Khánh Hòa), đến tả thực, trừu tượng. Ở mỗi cuộc bày tranh của anh dù chung hay riêng với bạn bè đều có rất nhiều nỗ lực vươn tới.

Họa sĩ Lê Hải Triều trước các tác phẩm của mình

Trong lần triển lãm tại Hà Nội, họa sĩ Lê Hải Triều đã mạnh dạn giới thiệu đến người yêu tranh cuộc chơi màu sắc mới, cuộc tìm kiếm mới nhưng rất ấn tượng mà anh tự gọi là “ngôn ngữ cơ thể”. Trao đổi với DDVN, anh giãi bày như sau:

Cảm xúc con người như dòng thác, cứ tuôn chảy không ngừng. Khi cảm xúc dâng lên thì ngôn ngữ cơ thể cũng phải chịu ảnh hưởng đồng nhất, từ khuôn mặt, dáng đi, đứng, ngồi, nằm… đều chịu ảnh hưởng của tâm hồn. Cảm xúc cho ta thỏa mãn hân hoan nhưng cũng tạo ra nhiều sự khổ đau.

Tôi vẽ ngôn ngữ cơ thể để thấy được tâm hồn nhân vật. Vẽ bên trong phác lộ hình thức bên ngoài, vẽ bên ngoài để thấy được chiều sâu bên trong. Mỗi bức tranh chính là vẽ tôi.
 

Ngôn ngữ hình thể - Tranh họa sĩ Lê Hải Triều

Khi có cảm xúc, tôi thao tác rất nhanh từ suy nghĩ dẫn xuống bàn tay để đuổi kịp và đi hết mạch tuôn trào hưng phấn. Còn khi thong thả, bạn sẽ phát hiện hay ngộ ra ra ngôn ngữ cơ thể ta thấy tuy là hình tướng bên ngoài nhưng kỳ thực, nó vận hành từ bên trong tâm hồn…”.

Chân dung họa sĩ Thái Vĩnh Thành

Họa sĩ Thái Vĩnh Thành quyết liệt với phong cách và sáng tác. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật, anh bung bật, tìm kiếm nhiều hướng đi khai phá. Cho đến nay, phong cách của anh vẽ phong cảnh thiên nhiên, nghiêng về hướng ngoại hơn hướng nội đã được đánh giá cao, có vị thế trên thị trường nhưng anh vẫn chưa quyết định đừng lại. Gần đây, anh mạnh tay “thọc sâu” vào các đề tài trừu tượng đầy gai góc nhưng tràn đầy ánh sáng đam mê cảm xúc. Tuy vậy, anh thú nhận hội họa trừu tượng chưa bao giờ dễ cảm, vẫn là thách thức chính mình trên con đường tìm kiếm bản ngã.

Thể nghiệm riết róng như thế, anh vẫn khiêm tốn chia sẻ: “Hội họa của tôi không đơn thuần là trừu tượng mà nó còn pha trộn cả biểu hiện và ấn tượng. Như trước đây là một quá trình dài và xuyên suốt tôi luôn đưa một số kỹ thuật sơn mài vào áp dụng cho tranh sơn dầu. Đó là những kỹ thuật mài và chồng nhiều lớp màu lên nhau trên cơ sở lớp mache thực hiện ban đầu. Chủ đề không đóng khung cụ thể. Có thể là nhân vật, khung cảnh, tâm tư tình cảm của con người. Cũng có thể là những vấn đề thời sự xã hội cập nhật, môi trường sống. Tất cả những gì dung dị nhất quanh ta cũng có thể làm nên một tác phẩm trừu tượng. Tôi sẽ còn dấn thân và khám phá khi sắc màu và tâm hồn chưa bao giờ cạn kiệt. Tôi khát khao làm việc…”.

Loạt tranh trưng bày của họa sĩ Thái Vĩnh Thành lần này cùng hai người bạn tại Hà Nội là những tác phẩm trừu tượng. Tranh ít chú trọng vào tiểu tiết, đường nét mà tập trung vào bố cục gam màu. Anh đã tạo được style riêng khi kiềm nén điêu luyện cho độ ẩn hiện các lớp màu với nhau một cách phóng khoáng nhất, thoải mái nhất. Năm 2019, anh đã làm một bước chuyển từ màu ghi xám trung tính sang những gam màu nhẹ nhàng tươi sáng. Hy vọng loạt tranh mới của anh sẽ gây được chú ý của người yêu hội họa Hà Nội.

Chân dung họa sĩ Hoàng Võ

Khác với Lê Hải Triều gân guốc miền Trung, Thái Vĩnh Thành nền nã miền Bắc, họa sĩ Hoàng Võ đúng chính hiệu miền Tây. Anh cho hay sinh ra, lớn lên tại Long An. Mê vẽ từ nhỏ, nhưng tốt nghiệp cấp 3 xong thì do điều kiện khó khăn thời đó nên không theo trường mỹ thuật được. Anh đã từng bôn ba với nhiều nghề như thuyền trưởng tàu sông, sau đó, có cơ duyên quay lại với thiết kế rất gần với mỹ thuật. Do từng được các chuyên gia Nhật bản tuyển chọn, huấn luyện và sử dụng nên anh có tay nghề cao.

Tuy vậy, tình yêu hội họa của Hoàng Võ vẫn âm trầm, đau đáu. Anh quyết định tiếp tục đi học lúc đã 32 tuổi. Và thật bất ngờ khi thi và trúng tuyển vào ĐH kiến trúc TP.HCM, ngành thiết kế Đồ hoạ. Đến năm 2006, anh tốt nghiệp và được trường mời ở lại dạy. Đến năm 2008, anh được mời sang khoa Mỹ thuật, cũng thuộc ĐH Kiến trúc. Từ đây họa sĩ Hoàng Võ mới có điều kiện, môi trường để vẽ.

Anh rút ra từ chiêm nghiệm sắc màu: “Hội họa là đam mê, là khát khao chinh phục, là lan toả và hấp thu năng lượng tích cực. Cũng là nơi trú tránh, bình an, thanh tịnh riêng mình. Trên tất cả, Hội họa chính là sự Biết ơn”. Loạt tranh trưng bày, ra mắt lần này với người yêu nghệ thuật Thủ đô là những tác phẩm họa sĩ Hoàng Võ thích nhất trong thời gian qua.