Duyên Dáng Việt Nam

Ba mẹ cần chuẩn bị những gì khi biết con mình mắc chứng tự kỷ

Ngọc Hoa • 12-04-2022 • Lượt xem: 874
Ba mẹ cần chuẩn bị những gì khi biết con mình mắc chứng tự kỷ

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), trung bình cứ 88 đứa trẻ thì sẽ có một trẻ mắc chứng tự kỷ. Để tránh rơi vào tình trạng quá lo lắng khi nhận được tin chẩn đoán con mình mắc chứng tự kỷ, ba mẹ cần có những trang bị kỹ càng để có thể cùng con vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập cũng như giao tiếp của trẻ.

Tin, bài liên quan:
Sách mùa hè cho trẻ - Là phụ huynh bạn nên chọn cho con mình đọc sách nào bổ ích nhất?

Kiểm tra kết quả bằng cách liên lạc với các chuyên gia

Theo tiến sĩ nhi khoa Pamela J. Compart tại HeartLight Healing Arts, Columbia (Mỹ) cho biết có nhiều trường hợp trẻ em được chẩn đoán thông qua hệ thống kiểm tra tại trường học chứ không phải từ các chuyên gia. Vì thế, điều đầu tiên cha mẹ được khuyên làm là hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia về chứng tự kỷ để xác nhận lại thông tin, đặc biệt là thử chức năng thính giác của trẻ.

Con cái mắc chứng tự kỷ là một trong những tin xấu mà chắc chắn không có bất kì ba mẹ nào muốn đón nhận. Khi rơi vào trường hợp này, hầu hết các bậc ba mẹ hết sức lo âu và đều có chung suy nghĩ là con của mình sẽ bị thua thiệt so với bạn bè, thậm chí rất bi quan, không còn hy vọng vào tương lai. Đừng quá lo lắng, điều quan trọng là cần phát hiện và sớm đưa trẻ đến các cơ sở chuyên môn kịp thời can thiệp, hỗ trợ trẻ phát triển tư duy đúng hướng.

Mặc dù chứng tự kỷ không còn là một khái niệm quá xa lạ nhưng không phải ai cũng có hiểu biết đúng đắn về hội chứng này. Do đó, sau khi nhận được chẩn đoán, một trong những điều quan trọng nhất mà ba mẹ nên làm là nghiên cứu, tìm hiểu thông tin, đồng thời liên lạc với các chuyên gia về tự kỷ để có nhận thức đúng trong cách kiểm tra, đánh giá và điều trị bệnh cho con.

Chú ý về chế độ dinh dưỡng

Thiếu vitamin, khoáng chất và các bệnh về dạ dày, đường ruột đều nằm trong số những báo cáo y học về vấn đề dinh dưỡng có thể tác động đến chứng tự kỷ. Các phương pháp điều trị thay thế có thể bao gồm chế độ ăn gluten và casein, bổ sung vitamin, khoáng chất, tiêm vitamin B12, điều trị chống viêm, điều trị men và hỗ trợ đường ruột. Tuy nhiên, cha mẹ không nên tự điều chỉnh mà cần phải có sự hướng dẫn từ chuyên gia y tế.

Tìm hiểu các công cụ trị liệu

Phân tích Hành vi Ứng dụng (ABA) là một trong những phương pháp trị liệu lâu đời nhất và được nghiên cứu nhiều nhất để điều trị cho trẻ em mắc chứng tự kỷ. Nó hoạt động dựa trên nguyên tắc của việc khen thưởng khi một đứa trẻ có hành vi tốt. Phương pháp này được chứng minh đã làm nên nhiều điều kỳ diệu và giảm các triệu chứng tự kỷ ở trẻ mắc bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay cũng có một số hình thức trị liệu có hiệu quả khác mà cha mẹ cần tìm hiểu thêm như Floortime, phương pháp thúc đẩy nhanh hệ thống trao đổi hình ảnh, phân tích hành vi bằng lời nói và cảm giác khi ăn.

Tìm hiểu về quyền của trẻ

Theo CDC, tự kỷ cũng là một dạng khuyết tật có liên quan đến sự phát triển ở trẻ. Vì thế, các bậc cha mẹ có con bị tự kỷ nên quan tâm đến các đạo luật, quyền và chương trình hỗ trợ cho người mắc chứng tự kỷ. Càng tìm hiểu sớm, cha mẹ càng trở thành người bênh vực và bảo vệ mạnh mẽ nhất cho con của mình.

Lập kế hoạch tài chính từ sớm

Điều trị chứng tự kỷ cho con là một con đường lâu dài. Do đó, xem xét về tình hình tài chính là điều quan trọng mà cha mẹ cần phải làm. Khi lên kế hoạch sớm, cha mẹ sẽ có cái nhìn tổng quát, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng hơn cho các khoản chi phí điều trị. Hơn nữa, nếu điều kiện tài chính không cho phép, cha mẹ cũng sớm có cách để tìm kiếm sự trợ giúp và không phải bỏ cuộc ngay khi con còn chưa được điều trị.

Cho phép bản thân được bộc lộ cảm xúc riêng

Lo lắng, hoang mang, đau buồn là những trạng thái không thể tránh khỏi ở các bậc cha mẹ khi nhận được thông tin chẩn đoán về chứng tự kỷ của con. Nhưng bên cạnh những người cho phép bản thân mình bộc lộ cảm xúc, lại có một số cha mẹ im lặng chịu đựng.

“Cuộc sống của bất kỳ cha mẹ nào cũng thay đổi kể từ khoảnh khắc nghe tin chẩn đoán đó. Nhưng thay vì giấu sự đau khổ vào trong, họ cần phải được chia sẻ và bộc lộ những cảm xúc đó ra ngoài. Có thể cách này chưa hẳn đã giúp cho họ giải quyết được bệnh của con, nhưng chắc chắn cuộc hành trình sẽ khác đi. Họ sẽ cởi mở hơn để đón nhận mọi thông tin, sự giúp đỡ và phương hướng điều trị”, tiến sĩ Compart nói.