VĂN HÓA

Ba tu viện biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài

Cẩm Chi • 26-09-2023 • Lượt xem: 1244
Ba tu viện biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài

Nhiều tôn giáo trên thế giới có một đặc điểm chung. Đó là để chuyên tâm tu hành, họ sẽ có những tu viện gần như hoàn toàn cách biệt với thế giới ồn ào bên ngoài. Ở đó, tu sĩ có thể toàn tâm toàn ý sống với đức tin tôn giáo.

Tu viện hơn ngàn năm tuổi trên núi Athos, Hy Lạp

Đây là một trong những công trình tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới. Quần thể núi Athos nằm ở Đông Bắc Hy Lạp và có diện tích hơn 300km2. Nơi đây có hơn 20 tu viện lớn nhỏ cùng khoảng 2000 tu sĩ công giáo tu hành. Vào năm 1045, Hoàng đế đế quốc Byzantine đã trao quyền tự trị cho các tu sĩ ở quần thể tu viện trên núi Athos. Theo những ghi chép xa xưa thì tu viện đầu tiên đã được xây dựng tại đây từ thế kỷ thứ 9.

Hơn 1000 năm qua, hệ thống tu viện trên núi Athos gần như không có gì đổi khác.

Những luật lệ và cách thức sinh hoạt ở đây khắt khe đến mức chỉ những bậc chân tu mới có thể chịu được.

Đầu tiên là hoàn toàn cấm phụ nữ. Không chỉ không được vào bên trong tu viện, phụ nữ hoàn toàn bị cấm đặt chân lên vùng núi Athos. Vì những tu sĩ thời xưa tin rằng cách tốt nhất để tu sĩ chuyên tâm tu hành là tránh xa phụ nữ. Điều luật cấm phụ nữ được ban hành năm 1060 và hiện tại vẫn được giữ vững tuyệt đối. Không chỉ phụ nữ, nơi đây còn cấm cả động vật giống cái, hình ảnh, tư liệu về phụ nữ...

Và cũng vì để thanh tu, du khách nam muốn đến tu viện tham quan cũng không dễ. Mỗi ngày các tu viện sẽ chỉ đón tiếp 100 khách, chủ yếu là người Hy Lạp (người nước ngoài sẽ khó khăn hơn). Họ sẽ phải xin một giấy phép để được lên đảo. Thậm chí cả các du khách nam phải trải qua quá trình kiểm tra để tránh việc phụ nữ cải trang tiến vào.

Nhiều tu sĩ sống tách biệt trong những căn phòng nhỏ (gọi là Karoulia) biệt lập trên đỉnh núi cao.

Các tu sĩ ở đây không được sử dụng điện thoại, thư từ, Internet... và thậm chí không được đọc cả những tạp chí bên ngoài. Bên cạnh việc cầu nguyện và sinh hoạt tôn giáo, họ còn tự sản xuất các nhu yếu phẩm hằng ngày như trồng rau, trồng nho, làm rượu vang... Tu viện có những trang trại để tự cung cấp thực phẩm cho các tu sĩ nơi đây, thậm chí còn dư để chiêu đãi du khách tham quan.

Tu viện Phuktal trên vách núi cheo leo gần ngàn năm tuổi

Công trình nằm ở quận Ladakh, Ấn Độ. Đây là một tu viện phật giáo được được xây dựng vào thế kỷ 12 bởi Gangsem Sherap Sampo - đệ tử Lạt ma Tsongkhapa. Toàn bộ kiến trúc ban đầu được xây dựng bằng bùn và gỗ, về sau được tu bổ thêm bằng đá. Đặc biệt trên trần một số tòa nhà được trang trí bằng các bức bích họa tuyệt đẹp.

Nhìn tổng thể, tu viện như một tổ ong cheo leo trên vách núi thẳng đứng. Phuktal có hệ thống phòng cầu nguyện, thư viện, phòng dạy học, nhà bếp, phòng ở và khu sinh hoạt chung. Hiện có khoảng 70 nhà sư dòng truyền thừa Gelug tu hành tại đây.

Tu viện nằm cheo leo trên vách núi cao hùng vĩ

Tu viện Phuktal được xây dựng từ xưa như một chỗ xa lánh trần thế. Các nhà sư ở đây có thể tiềm tu phật pháp trong sự yên tĩnh. Tên tu viện có nghĩa là hang động (phuk) an nhàn (tal). Bên cạnh việc tu hành, các nhà sư còn vận hành phòng khám và phát thuốc bí truyền thảo dược đặc chế của riêng họ (tên là Sowa Rigpa). Ngoài ra, họ còn chủ trì những sự kiện quan trọng của người dân địa phương như đám cưới, ma chay... Thậm chí, các nhà sư còn dạy học miễn phí cho trẻ em trong vùng: từ những môn học chính quy cấp 1 và cấp 2, cho đến ngôn ngữ Hindi, tiếng Anh, phật giáo hay cả y học cổ truyền...

Từ trên tu viện nhìn xuống là dòng sông Lungnak.

Thời gian thích hợp nhất để ghé thăm tu viện là từ tháng 7 đến tháng 10. Đó là lúc thời tiết đẹp nhất. Những tháng khác thì hoặc mưa lớn, hoặc tuyết lớn khiến đường đi trơn trượt nguy hiểm.

Tu viện ẩn dật giữa thảo nguyên Mông Cổ

Nơi đây có tên Amarbayasgalant và nó có nghĩa là “Tu viện của sự yên bình”. Đây là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất ở Mông Cổ. Toàn bộ công trình nằm tách biệt trong thung lũng Iven gần sông Selenge miền bắc Mông Cổ. Bên cạnh tu viện là núi Büren-Khaan, còn thị trấn gần nhất cách tu viện đến 60 km về phía tây nam.

Công trình là một bản thiết kế hoàn mỹ với hơn 40 kiến trúc được xây dựng cực kỳ chỉn chu. Những kiến trúc Phật Giáo được xây ở bên trong, các công trình phụ ở phía ngoài. Tu viện nhìn tổng thể như một đóa hoa rực rỡ nở giữa thảo nguyên mênh mông.

Tu viện Amarbayasgalant được xây dựng từ năm 1727 đến năm 1736.

Tuy nhiên, hiện nay tu viện đang đứng trước một khó khăn lớn là có ít người trẻ chịu gắn bó với đời sống tu hành biệt lập. Trung tâm phật giáo lớn này hiện chỉ có khoảng 40 tu sĩ (cả thanh niên, thiếu niên lẫn nhi đồng). Và người đứng đầu tu viện (cũng là người lớn tuổi nhất) chỉ mới 35 tuổi.

Tu viện cách xa khu dân cư. Các chú tiểu chỉ được ra thế giới bên ngoài 2 lần mỗi năm. Người lớn hơn 25 tuổi mới được dùng điện thoại di động. Nhiều luật lệ khó khăn và cuộc sống nhàm chán khiến việc chiêu sinh không dễ dàng.

Tuy vậy vẫn có một số tu sĩ yêu thích cuộc sống tu hành giữa thảo nguyên yên bình.

Amarbayasgalant cách đường giao thông gần nhất đến 35km. Vì vậy, cuộc sống nơi đây gần như hoàn toàn không bị ngoại giới quấy rầy. Ngoài giờ sinh hoạt tôn giáo, các nhà sư có thể chơi bóng rổ hoặc vui đùa cùng những chú chó để thư giãn.