Vào ngày Tết, người Việt thường chọn quả phật thủ chưng ở vị trí trung tâm của mâm ngũ quả để mong ước nhận được nhiều may mắn, phúc lành. Đặc biệt ở miền Bắc, biểu tượng này lại càng được tin tưởng hơn. Không những mang ý nghĩa về thờ cúng tâm linh, quả phật thủ còn là phương thuốc vô cùng hữu hiệu được sử dụng trong y học cổ truyền.
Quả phật thủ có tên khoa học là Citrus medica L. var. Sarcodactylis Sw, thuộc họ cam chanh. Do sở hữu hình dáng bên ngoài tựa như nhiều ngón tay chụm lại nên trông giống với bàn tay Phật. Cũng vì vậy mà loại quả này được tin rằng mang ý nghĩa linh thiêng.
Khi ngửi, quả phật thủ có hương thơm nhẹ dễ chịu do chứa nhiều tinh dầu. Tuy nhiên bên trong lại không có phần ruột thịt hay chứa nước mà chỉ có phần vỏ xốp gần giống như vỏ bưởi. Vị của phật thủ khi ăn vào sẽ cảm nhận được hòa quyện cay, chua và đắng. Hơn nữa lại giàu các loại vitamin như C, E, B1, B6, B12; các khoáng chất như canxi (Ca), kẽm (Zn), selen (Se) cùng các hoạt chất lisnonoid, hesperosid, glucozit… rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, người ta không ăn sống loại quả này mà thường phơi khô rồi bào chế thành các vị thuốc chữa trị nhiều chứng bệnh khác nhau như ho, khó thở, hen phế quản nhiều đờm, đau họng, tức ngực, đau liên sườn…
Theo nghiên cứu của các bác sĩ Đông y, quả phật thủ đến giai đoạn vỏ đang có màu xanh hoặc một chút ngả vàng là thích hợp nhất để mang đi làm thuốc. Quả được sơ chế bằng cách cắt lát dọc theo hình bầu dục hoặc elip. Độ dài tầm 6 đến 10cm; chiều rộng tầm 3 - 7cm và dày khoảng 0,2 - 0,4cm. Sau đó đem đi phơi đến khi quăn lại là sử dụng được. Lưu ý nơi bảo quản cần đảm bảo kín, tránh mối mọt, ẩm thấp.
Nhờ đặc tính ấm, đi vào 3 kinh mạch gồm phổi, lá lách và gan nên phật thủ thường được chỉ định là loại thảo dược tăng cường chức năng gan và điều hoà dạ dày. Tuy nhiên không nên vì vậy mà tự tiện sử dụng. Bởi mỗi người mang cơ địa khác nhau sẽ có cách sử dụng tương ứng riêng, kèm theo đó là liều lượng thích hợp. Dưới đây là một số bài thuốc từ phật thủ mà bạn có thể tham khảo:
Cần lưu ý không được sử dụng phật thủ cho người thừa hoả, âm hư hay bệnh nhân mắc chứng kiết lỵ thời gian dài gây nên thiếu hụt sinh lực. Bên cạnh đó cũng không lạm dụng quá liều trong ngày. Cẩn thận lựa chọn phật thủ có nguồn gốc rõ ràng, tránh hỏng hóc, nhiễm sâu mọt để phát huy công dụng chữa bệnh được tốt nhất.