Duyên Dáng Việt Nam

Báo động tình trạng gia tăng dịch sốt xuất huyết tại thành phố Hồ Chí Minh

Bông • 08-09-2020 • Lượt xem: 946
Báo động tình trạng gia tăng dịch sốt xuất huyết tại thành phố Hồ Chí Minh

Trong những ngày qua, dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu tăng mạnh trên cả nước. Riêng tại TP.HCM đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên. Trước tình hình đó, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP.HCM đã đưa ra các biện pháp nhằm khuyến cáo mọi người dân tuân thủ và chấp hành các quy định trong việc phòng chống bệnh để bảo vệ bản thân và gia đình.

TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang vào mùa mưa. Với thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng vào buổi sáng sớm và trưa, mưa liên tục vào mỗi buổi chiều là điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, tổng số ca sốt xuất huyết tại thành phố từ đầu năm đến nay là 11.404, trong đó, 6.277 bệnh nhân điều trị nội trú và 5.217 trường hợp ngoại trú. Đặc biệt trong tuần qua, thành phố đã ghi nhận 543 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tăng 16 ca so với tuần trước đó. Toàn thành phố đã ghi nhận 40 ổ dịch sốt xuất huyết phát sinh ở 31 phường, xã thuộc 13/24 quận, huyện. Các địa phương có ổ dịch mới nhiều nhất trong tuần là quận 12 và huyện Củ Chi. So với cùng thời điểm năm trước, năm nay số ca sốt xuất huyết tăng có chậm hơn.

Thời điểm bùng phát dịch nhanh nhất của dịch sổ xuất huyết thường là vào cuối mùa xuân và khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Đây là thời điểm thuận lợi  để muỗi vằn có điều kiện để đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước sạch, nước trong, các chỗ ẩm ướt. Hiện nay là thời điểm bước vào mùa mưa, thời tiết thuận lợi cho sự sinh sản và hoạt động của muỗi truyền bệnh, là những tháng cao điểm của dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Sốt xuất huyết có đặc trưng là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương dẫn tới sốc do cô đặc máu, tụt huyết áp bởi giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn đông máu thứ phát sau sốc kéo dài nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời rất có thể dẫn đến tử vong.

Vì vậy, khi có biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết người dân cần phải tới các cơ sở y tế để được khám bệnh và điều trị. Tránh trường hợp chủ quan, giấu bệnh dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng. Khi người nhà bị sốt xuất huyết cần cách ly người bệnh sốt xuất huyết ra phòng riêng, không cho muỗi đốt đưa virus sang người khỏe mạnh. Bên cạnh đó, cần phải nhanh chóng xử lý ổ dịch, phun thuốc diệt muỗi khắp nhà để ngăn bệnh lây lan. Ngoài ra, cần tích cực dọn dẹp những nơi trú ẩn của muỗi như nhà tắm, bồn cầu, vũng nước đọng.

Muốn phòng bệnh sốt xuất huyết tốt, ngành y tế cũng cần phải tuyên truyền rộng rãi cho toàn dân biết tác hại của bệnh, nguyên nhân làm bệnh lây lan. Vì vậy, cần thông báo rộng rãi đến tận các tổ dân phố, các hộ gia đình, các trường học, các cơ quan đóng trên địa bàn các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết. Mỗi người dân cũng cần có ý thức chấp hành, phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế để ngăn ngừa dịch sốt xuất huyết hiệu quả.

  Người dân cần làm để phòng bệnh sốt xuất huyết:

+ Diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy; loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+  Rửa sạch các dụng cụ, thu gom, hủy các vật phế thải trong nhà và xung quanh nhà. 

+ Dọn rác thải, vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+  Thả cá vào bể, giếng, chum vại để diệt lăng quăng.

+ Phòng chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn kể cả ngủ ngày, xịt diệt muỗi bằng bình xịt, hương muỗi, kem muỗi, diệt muỗi bằng vợt điện, dùng màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

+ Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.