VĂN HÓA

Bùi Xuân Phái, những dư âm không thể phai mờ

Cẩm Hà • 15-10-2022 • Lượt xem: 955
Bùi Xuân Phái, những dư âm không thể phai mờ

Hai cuốn sách này không chỉ dành cho người yêu tranh Bùi Xuân Phái, mà dành cho cả những ai yêu mến mỹ thuật nói chung hoặc muốn biết thêm về không khí những vùng miền Việt Nam từng được thể hiện trong tranh ông. Cả hai cuốn đều minh họa màu, là bữa tiệc thị giác rực rỡ với nhiều bức tranh Bùi Xuân Phái.

HỘI HỌA BÙI XUÂN PHÁI VÀ TÔI là tập gồm 12 tùy bút, kèm theo đó là nhiều tranh Bùi Xuân Phái của nhà sưu tập tranh Trần Hậu Tuấn. Ông mời chúng ta tham gia vào một hành trình nghệ thuật mà mỗi bến đỗ đều đầy hoa thơm cỏ lạ: từ “phố Phái” đến phong cảnh nông thôn, miền núi; từ phụ nữ, khỏa thân, chèo, minh họa ý thơ Hồ Xuân Hương đến trừu tượng; từ Hà Nội, Đà Nẵng đến Sài Gòn…

Trần Hậu Tuấn viết về hội họa Bùi Xuân Phái với niềm đam mê gần như ám ảnh mà ông coi là định mệnh.  Họa sĩ – nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhận xét: “Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn viết về tác phẩm của một trong những họa sĩ lớn nhất trong lịch sử trăm năm hội họa nước nhà, cũng là họa sĩ lớn nhất trong bộ sưu tập của mình. Thông thường, người đọc sẽ chờ đợi ở đây những câu chuyện nóng lạnh bí ẩn, những cuộc hạnh ngộ,…những cuộc săn đuổi tác phẩm ly kỳ, những góc khuất trong giới sưu tập và thương gia nghệ thuật… Nhưng những thứ đó hoàn toàn vắng bóng ở 180 trang tùy bút xuất sắc này. Thay vào đó, Trần Hậu Tuấn đưa ta vào một cuộc phiêu lưu tinh thần thuần túy, một cuộc hành hương qua một thiên nhiên nghệ thuật, môi cảnh tâm hồn của Bùi Xuân Phái. Qua các vùng chủ đề, thể loại, ta có một bản đồ mạch lạc toàn cảnh di sản hội họa đồ sộ, phong phú, còn nhiều bí ẩn chờ khám phá của Bùi Xuân Phái".

“Điều tạo thêm sức hấp dẫn cho trang viết và sự đồng cảm của người đọc là các liên tưởng từ tiềm thức giữa họa và thơ, văn với nhạc….

Nhận thức thẩm mỹ nhân văn tối hậu với hội họa Bùi Xuân Phái là: Ở đó có một nỗi buồn mơ hồ, thấm đẫm nhân sinh. Người ta có thể dễ dàng làm giả bút pháp thoải mái của họa sĩ, nhưng không thể nhái nhại nỗi buồn chân thực của hồn ông.” (Nguyễn Quân).

Bùi Xuân Phái có lẽ là họa sĩ đậm chất Việt Nam mặc dù hầu như toàn bộ các tác phẩm của ông đều được vẽ bằng sơn dầu với hệ hình thẩm mỹ Châu Âu mà ông đã tiếp thu từ thời kỳ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông không phiêu lưu qua những chất liệu được cho là mang nhiều đặc tính dân tộc hay phương Đông như lụa, sơn mài… mà nếu có cũng chỉ là đôi chút thử nghiệm ngắn ngủi rồi lập tức quay về với phong cách quen thuộc. Ông trung thành với một chất liệu, một bút pháp và một thế giới tâm tưởng dù ở bất kỳ đề tài nào, bất kỳ giai đoạn sáng tác nào hay bất kỳ khí hậu tinh thần nào. Từ hàng loạt tranh “phố Phái” lừng danh đã trở thành “thương hiệu” của ông cho đến những tác phẩm trừu tượng, thậm chí chỉ là những ký họa chì than hay bút sắt… người ta vẫn nhận ra ngay lập tức đặc trưng Bùi Xuân Phái.

Mỗi giai đoạn phong cách và chủ đề tranh của Bùi Xuân  Phái được giới thiệu kèm với một bài tùy bút đầy cảm xúc, không chỉ về tranh mà cả về không khí của đối tượng ông vẽ khi đó. Có thể kể đến:

  • Hà Nội mùa đông

  • Hà Nội đêm

  • Phố Phái và những suy tư

  • Sài Gòn – Những bản nhạc cung La giáng trưởng

  • Người phụ nữ - Nét cọ đa cảm và rung động

  • Khỏa thân – một hành trình mỹ cảm

  • Trừu tượng – Lối đi trung dung giữa hai bờ biểu hình

  • Chèo – thân phận người nghệ sĩ

  • Thơ Hồ Xuân Hương – phong vị văn hóa dân gian

  • Phong cảnh – Những chuyến đi thực tế

  • Hà Nội – một thời đạn bom

…..

TRÍCH ĐOẠN

“Hội họa Bùi Xuân Phái là những đường nét màu sắc được tổ chức từ sâu trong tiềm thức của ông rồi đưa lên mặt phẳng vẽ. Về tiềm thức đã tạo nên”phố Phái”, tôi muốn nói từ quan điểm của một người không phải người Hà Nội để lý giải cái đẹp trong tranh ông, bởi nếu là một người Hà Nội gốc thì những lý giải ấy rất có thể trở nên thừa thãi, chẳng khác nào chúng ta tìm cách định nghĩa về tình yêu đối với những gì thuộc máu thịt của mình. Người Paris yêu những bức tranh phong cảnh Paris của Maurice Utrillo vì Paris là máu thịt của họ, dù đó là cầu Mirabeau, tháp Eiffel hay một ngõ hẹp Montmartre... Người Hà Nội yêu những nơi chốn như Hồ Gươm, Ô Quan Chưởng hay những con phố với cái tên thật bình dị như phố Hàng Phèn, phố Hàng Muối,... vì đó là tuổi thơ, là kỷ niệm của họ. Nhưng tôi nghĩ rằng nhiều người không có gốc gác Hà Nội cũng sẽ yêu những địa danh ấy chỉ vì đó là tên các bức tranh đầy cảm xúc của Bùi Xuân Phái".

**

“Bức tranh vẽ cảnh mưa của các danh họa mang tâm trạng phức hợp từ vô vàn trải nghiệm những cơn mưa trong đời, vì thế nó chỉ còn đọng lại nơi người thưởng ngoạn một cảm xúc trung tính trước cái đẹp. Bạn có thể nhận ra điều đó khi ngắm những kiệt tác của Utagawa Hiroshige vẽ cảnh cơn mưa rào bất chợt trên cầu Shin-Ohashi trong bộ tranh khắc gỗ 100 cảnh quan nổi tiếng vùng Edo hay cảnh mưa ở Shōno trong bộ 53 trạm dừng trên đường Tokaido. Đó là những cơn mưa rào nặng hạt bởi Hiroshige vẽ hàng loạt sợi mưa đan chéo trùm phủ không gian tranh, những bóng người hối hả chạy, cùng rặng cây oằn mình dưới mưa. Tranh mưa của Hiroshige tràn ngập động năng, khác hẳn các bức vẽ phố Hà Nội mưa của Bùi Xuân Phái. Hà Nội trong cơn mưa của phố Phái không có những sợi mưa rơi, ông thường vẽ cảnh phố khi cơn mưa đã dứt, chỉ còn mặt đường ướt át trở thành tấm gương phản chiếu những ngôi nhà vắng lặng cùng một bóng người lẻ loi. Trên cao hoặc phía xa là những vệt mây vần vũ báo hiệu cơn mưa chưa tan hẳn và sẽ còn cơn tiếp theo. Thế giới trong tranh phố mưa của Bùi Xuân Phái hoàn toàn yên tĩnh, như thể cả đất trời đã sững lại khi cơn mưa tạnh. Không biết đấy là mưa rào mùa hạ hay mưa phùn mùa đông, mặc dù hình ảnh mặt đường loáng ướt chứng tỏ một cơn mưa lớn vừa đi qua".

**

Sách về mỹ thuật nhưng lại cho người đọc những lát cắt rất sống động về nơi Bùi Xuân Phái từng vẽ, đây là một phân cảnh về đêm Sài Gòn xưa:

“Dẫu  đã  gần  nửa  thế  kỷ  trôi  qua,  ký  ức  của  tôi  vẫn  in  hằn những đường nét như dao khắc. Đêm Sài Gòn lộng gió, càng về khuya càng lạnh. Đường Hàm Nghi đèn sáng xanh, vắng heo hút. Hồi đó, xe lửa còn vào tới trung tâm thành phố, ga cuối ngay trước cửa chợ Bến Thành. Rồi đêm lặng dần, chỉ xung quanh cửa ga còn ồn ào. Không ít những kẻ vô gia cư chọn nơi này qua đêm. Một bà già cho thuê chiếu đẩy chiếc xe lọc cọc quanh sân ga. Đống chiếu chất cao trên xe vơi rất nhanh. Để qua đêm lạnh, cần hai tấm vỉ cói như thế, tấm nằm tấm đắp. 

Người thuê gửi bà già mười đồng, lấy hai tấm chiếu, sáng hôm sau trả chiếu lấy lại tám đồng. Những đống chiếu tùm hum dưới mái hiên. Văng vẳng từ một đám lửa đang lụi dần, tiếng hát đã loạng choạng vì hơi men:

“... Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng 

Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng...”

Trời gần về sáng, ta đi xuôi về phía có ánh đèn, đó là khu ăn uống quanh tượng Thánh Gióng…”.

Bởi cái không khí ấy mà “những bức tranh phố Sài Gòn của ông với màu sắc rực rỡ khác hẳn loạt tranh phố cổ Hà Nội màu xanh xám. Chúng tạo thành cột hòa âm với loạt tranh phong cảnh Hà Nội thuộc thời kỳ “hửng nắng” giai đoạn 1980-1988 cùng bảng màu “dã thú”. Một điểm dễ nhận thấy là loạt tranh Sài Gòn không có cái không khí cô quạnh nổi tiếng của “phố Phái” trước đây".

**

Bùi Xuân  Phái vẽ bộ tranh Chèo:

“Năm 1961, Bùi Xuân Phái làm trang trí cho vở chèo Sợi tơ vàng. Sau đó, hằng đêm, ông theo đoàn chèo đi diễn. Chỗ của ông là cánh gà bên trái, nơi được dùng làm phòng  hóa trang và thay trang phục cho diễn viên. Trong một không gian chật hẹp như thế, Bùi Xuân Phái đã vẽ loạt tranh “Chèo” ở một góc nhìn đặc biệt, không phải là sân khấu rực rỡ màu sắc và rộn ràng âm thanh của chèo, mà là hậu trường chèo, những cảnh đời và con người ở phía sau các vở diễn….Mảng đề tài này mang lại cho Bùi Xuân Phái một bảng màu rất gần với Henri Matisse và trường phái dã thú: hồng phấn, vàng chanh, vàng hoa hiên, xanh lam, đỏ gắt... vốn ít hiện diện trước đó trong các tác phẩm phong cảnh. Bảng  màu ấy được gợi hứng từ sân khấu chèo. Trang phục của sân khấu chèo thường mang tính ước lệ và đậm dấu ấn của hội hè làng quê Bắc bộ: những thắt lưng hoa lý, những yếm đào, những nếp áo mớ ba mớ bảy...”.

Cuốn sách đề cập đến những bức vẽ ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt của Bùi Xuân Phái:

“Nếu không biết những bức tĩnh vật đen trắng được vẽ trong hầm trú ẩn, chúng ta sẽ nghĩ rằng tác giả đang thực hiện một phương án hội họa lập thể. Ngồi trong hầm tối, giữa tiếng bom rung chuyển đất trời, cả Hà Nội như đang tan nát dưới hàng triệu tấn bom đạn, ông vẫn vẽ, vẽ để giải tỏa căng thẳng, vẽ để quên đi nỗi lo sợ về Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu, hàng loạt bức tranh đen trắng ra đời được tác giả đặt tên “Loạt tranh vẽ dưới hầm”. 

Những  ngày  ác  liệt  này,  bóng  tối trở  nên  thật  đặc  biệt,  nó không phải là màu đen sâu thẳm ở nông thôn, cũng không phải là màu đêm yên tĩnh khi Hà Nội mất điện, mà là màu đỏ rực của pháo sáng".

BÙI XUÂN PHÁI – CON MẮT CỦA TRÁI TIM là một tuyển tập bao gồm 25 bài viết về hội họa Bùi Xuân Phái của 14 nhà nghiên cứu và phê bình, nhà sưu tập tranh, văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và nước ngoài. Mỗi người nhìn tranh ông và cuộc đời ông dưới một góc độ khác nhau, đem lại cho chúng ta những cảm nhận và hiểu biết rất mới mẻ và phong phú. Các bài viết được in kèm tranh Bùi Xuân Phái, lên đến 165 tác phẩm, một bộ sưu tập thực sự khó có cơ hội được xem ở triển lãm ngoài đời thật.

Mục lục:

• Phố Phái (Văn Cao)

• Một bảng màu Hà Nội (Thái Bá Vân)

• Phố Phái (Nguyễn Tuân)

• Có một thế giới Phái (Dương Tường)

• Vắng đi một ý thức (Thái Bá Vân)

• Bùi Xuân Phái ở chiều phi biểu hình (Dương Tường)

• Bùi Xuân Phái - Một mảnh hồn Hà Nội (Dương Tường)

• Phố Phái – Phố thứ 37 của Hà Nội (Nguyễn Thụy Kha)

• Những tác phẩm chưa trưng bày của họa sĩ Bùi Xuân Phái (Thái Bá Vân)

• Con mắt của trái tim (Thái Bá Vân)

• Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái (Ngô Văn Tao)

• Tranh trừu tượng Bùi Xuân Phái (Nguyễn Quân)

• Lạc vào tâm tư chính mình (Nguyễn Quân)

• Uncorked soul - Tâm hồn bộc bạch (Feffrey Hantover)

• Phái - Marquet - Rouault  (Francois Thierry)

• Bùi Xuân Phái vẽ chèo (Thái Bá Vân )

• Sự hiện diện vĩnh hằng (Dương Tường)

• Bùi Xuân Phái - Hội họa tâm cảm Việt (Trần Hậu Tuấn)

• Phái không phố (Thái Bá Vân)

• Bùi Xuân Phái - Những nghịch lý (Thái Bá Vân)

• Phố Phái và những suy tư  (Trần Hậu Tuấn)

• Ký họa và nghiên cứu của Bùi Xuân Phái (Phan Cẩm Thượng)

• Phỏng vấn nhà giáo – nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm, Hoàng Anh

• Khoảnh khắc cuối của cha tôi (Bùi Thanh Phương )

Bùi Xuân Phái vẽ rất nhiều, tìm hiểu về những tác phẩm của ông quả thực là một công trình cần nhiều công phu. Những bài viết trong tập sách này không chỉ bàn về tác phẩm của ông, mà còn chia sẻ thêm một số khía cạnh đời thường qua cảm nhận của những người có dịp thân cận với ông. 

“Riêng  Bùi  Xuân  Phái,  chưa  mấy  ai  nghe  anh tuyên  ngôn  này  tuyên  ngôn  nọ  về  trường phái gì gì, mà chỉ thấy anh vẽ và vẽ. vẽ ở toan (toile) căng khung to, vẽ trên giấy cỡ nhỏ hơn bìa tiểu thuyết, vẽ trên giấy bìa hộp mứt bỏ đi, có bạn tỏ vẻ am tường tiếng Pháp, còn gọi là minipeinture, vẽ cả trên những miếng giấy cứng  nhỉnh  hơn  bao  diêm.  Sơn  dầu,  thuốc nước, bột màu, đủ cả. Anh vẽ như con người ta phải hít thở, như người ta phải uống nước đun sôi nước nguội men nồng. Sổ tay của Bùi Xuân Phái ghi và ghi những nét của vật của việc của người lúc động lúc sững lại. cái miệng cái cổ cái cánh tay bàn tay ai đó đang phát ngôn giữa một buổi họp. cái dáng một cô áo đỏ một bà áo xanh đang dấn thân vào tim một ngã tư ầm ầm xe máy xe đạp. nhất định những sổ tay tùy thân này đã giúp họa sĩ minh họa cho các tuần báo cần đến ảnh chụp nhưng lại còn cần đến vẽ để khắc gỗ hoặc vào bản kẽm. tôi tin rằng nhà văn lúc non tay diễn tả, có lúc tưởng như mình tuột hết vốn chữ rồi, thì nên tìm mà xem những sổ tay ghi chép bằng nét vẽ của các họa sĩ sẽ gợi nhiều cho mình và hồi sinh cho mình nhiều chữ tưởng rơi rụng rồi.” (Nguyễn Tuân).

“…Những bức tranh của Phái giấu sự tinh vi của chúng đằng sau một sự giản dị, dễ thương về phong cách và chủ đề. Sau  khi  chiến  tranh  kết  thúc  vào  năm  1975, tranh ông có thêm màu đỏ, xanh lơ, tía nhưng sắc điệu bao trùm vẫn là nâu, xám, trắng-xám.người ta biết đến Phái nhiều nhất là ở những cảnh phố hà nội, nơi mà trừ một thời gian ngắn ở việt Bắc và trong thời kỳ mỹ ném bom Hà Nội, ông đã sống suốt đời trong ngôi nhà chôn nhau cắt rốn. chiều chiều, ông dạo phố, lấy ký họa. Ông trở về nhà để vẽ, lôi một hộp sơn từ dưới gầm ghế trong gian nhà vừa là phòng tiếp khách vừa là phòng ngủ, và đặt một tấm toan lên mặt ghế. Rất nhiều người sao chép các cảnh phố, nhưng không bắt được tinh thần. những cái họ thiếu là sự tôn kính, tình yêu và thoáng chút  buồn  tiếc  một  thế  giới  đã  qua  đi  –  các nhạc công cổ truyền, ông đồ già ngồi thu lu góc phố, những ngôi nhà ọp ẹp hư nát.” (Feffrey Hantover).

“Ứng xử thẩm mỹ của Bùi Xuân Phái với cái sân khấu chèo của mình hoàn toàn là thân thiện, nhân tình. Ông tự nhập thể vào cuộc hội âm thanh và nhịp điệu của làng xã việt nam với ý thức khám phá thêm một màu sắc hội họa dân tộc ở đấy. nhưng, Bùi Xuân Phái không kể lể như chèo. Ông làm nên một ngôn ngữ hội họa cho chèo. Nếu cái âm điệu trọng yếu nhất của nội dung sân khấu này là tiếng cười, trào phúng, ngay cả trong những tình huống bi ai, thì ta nghe nó ở Phái mồn một trên những sắc độ khi tươi rói đôi má và yếm điều của những “đào chính”, “đào lệch”,  mà  thường  chỉ  thấp  thoáng  trong  ánh xạ hớ hênh của chiếc gương trang điểm ở hậu trường, khi nở tung hay khép kín như thân thể trên những chiếc quạt màu trong bất cứ bàn tay ai.” (Thái Bá Vân).

“Cụ Nguyễn Bá Đạm: Khi Phái được Nguyễn Tuân tặng lại bức Phố Hàng Thiếc (1952) để bày triển lãm cá nhân năm 1984 thì Phái mừng lắm. Mừng mà vẫn đang băn khoăn không dám bày, vì năm 1952 thủ đô chưa giải phóng thì sự xuất hiện của ông Phái ở hà nội sẽ bị đặt câu hỏi (do sức khỏe kém và vợ sắp sinh con nên ông đã rời kháng chiến trở về). Nguyễn tuân thì muốn cho người yêu tranh Phái có cơ hội được thưởng thức một Phố Phái thời kỳ đầu và cũng mong muốn được Phái vẽ tặng cho một bức chân dung. Phái vui vẻ vẽ ngay và bức chân dung đó được hoàn thành trong một buổi chiều. Ông Tuân rất thích nhưng chưa thể mang tranh về được vì sơn còn ướt nên đành để lại. Mấy hôm sau, tôi lại có việc qua nhà Phái chơi. tôi thích quá, ngắm không rời mắt, muốn lấy và đã trả ông Phái một cái giá rất cao, tới 40 đồng. Phái bối rối quá vì đấy là tranh của Nguyễn Tuân và bảo tôi cần phải xem ý của ông Tuân thế nào. Hôm ông tuân đến lấy tranh về, thấy Phái kể lại thì ông Tuân lại vui vẻ bảo: “thôi bán cho lui  ông ạ. Đây là dịp tốt giúp ông có thể mua thêm được nhiều họa phẩm để tiếp tục sáng tác. cứ thong thả, hôm nào tôi lại đến làm mẫu cho ông vẽ bức chân  dung  khác”.  thế  nhưng  nhà  văn Nguyễn Tuân không bao giờ có dịp trở lại xưởng vẽ của Phái để làm mẫu nữa. Nguyễn Tuân mắc bệnh nặng và mất vào năm 1987. Ngày tiễn biệt bạn, Bùi Xuân Phái buồn bã than thở: “thế là mình mang mãi món nợ với Nguyễn Tuân”.