VĂN HÓA

Câu chuyện của những người yêu Sen và nâng tầm giá trị cho hoa

Quyên Hà • 01-11-2020 • Lượt xem: 1885
Câu chuyện của những người yêu Sen và nâng tầm giá trị cho hoa

Quốc hoa của Việt Nam chính là hoa sen, và hình tượng hoa sen trong văn hóa Việt đã in sâu vào mọi mặt cuộc sống: mỹ thuật, văn học, thi ca, ẩm thực.

Ngoài những ứng dụng truyền thống trong cuộc sống như thắp hương, gói xôi, ướp trà và nấu chè, có những người con đất Việt đem lòng yêu sen vẫn đang miệt mài sáng tạo nên những sản phẩm nâng tầm giá trị của sen.

Trồng sen VietGAP

Đó là câu chuyện của người dân xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Trong hoàn cảnh những ruộng lúa tại đây ngày càng kém năng suất và nhờ có các Hợp tác xã trên địa bàn giúp hỗ trợ đảm bảo đầu ra, nhiều nông dân tại đây đã chuyển sang trồng sen theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Mai Văn Nhựt, một nông dân thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú cho biết năm 2018, ông đã thuê múc cải tạo 7 sào ruộng lúa và đất hoa màu để trồng sen.

Dưới bàn tay chăm sóc của người nông dân lâu năm, Sen đã nở hoa từ bùn lầy. Năm đầu tiên ông thu được gần 120kg sen hạt và bán được 45.000 – 50.000 đồng/ký hạt tươi, thu được 35 triệu trên 5 sào ruộng sen, gấp 3 lần trồng lúa.

Ngoài ra, ông còn thả cá rô, thát lát, ốc bươu và cá tràu vào đầm sen, số cá này mang cho ông thêm 10 triệu đồng nữa.

Sen đã giúp thay đổi cuộc sống của ông Nhựt, và hơn 100 hộ dân khác tại đây.

Ngoài ra, các hộ nông dân ở đây cũng không phải lo lắng về đầu ra. Hợp tác xã nông nghiệp Duy Phú và các HTX khác trên địa bàn đã đứng ra ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ với họ.

HTX này cũng ký hợp đồng tiêu thụ hạt sen khô và lá sen khô với những công ty chuyên sản xuất và phân phối hai sản phẩm này.

Sữa sen, xà bông sen, tinh dầu sen Đồng Tháp

Đó là câu chuyện về sự chuyển mình của sen Đồng Tháp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đồng Tháp vốn được đánh giá là có ưu thế trong phát triển nông nghiệp trồng sen, đây là tỉnh có diện tích canh tác sen lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên khó khăn và cản trở về đầu ra của các sản phẩm sen truyền thống và thuần túy như hoa sen tươi, gương sen, ngó sen đang đặt nghề trồng sen vào thế bí.

Nhưng vì sự gắn bó lâu đời với nghề trồng sen và tấm lòng yêu sen, người nông dân tại đây giờ đã tìm tòi sản xuất ra nhiều sản phẩm mới từ sen.

Nhiều nông dân đã tự tay làm ra những sản phẩm như sữa sen Ba Tre, bánh quy Tình sen..

Để góp sức vào công cuộc bảo tồn nghề trồng sen của cha mẹ, ông bà, nhiều bạn trẻ và daonh nghiệp nhỏ tại Đồng Tháp cũng đã bắt tay vào giải quyết đầu ra cho sen.

Khách du lịch đến Đồng Tháp giờ đây ngoài hạt sen tươi, hạt sen khô và hoa sen còn có vô vàn lựa chọn sản phẩm từ sen như: sữa sen, xà bông sen, tinh dầu hoa san, trà tim sen, trà lá sen cho đến những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ hoa sen.

Nói về ứng dụng của sen trong y học và hóa học, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty mỹ phẩm Thorakao, Huỳnh Kỳ Trân, cho biết sen là một loại thảo dược quý. Đặc biệt, tất cả các bộ phận của cây sen đều có thể dùng trong sản xuất mỹ phẩm. Đây là cơ sở để nâng tầm các sản phẩm từ sen trong tương lai.

Bảo tồn giống sen trắng đất Cố Đô   

                                    

Mộc Truly Hue’s là một dự án trồng và bảo tồn giống sen trắng cổ và các sản vật truyền thống cố đô Huế của Phạm Thị Diệu Huyền, một người con đất Huế yêu sen.

Vốn nổi tiếng là một trong những thành phố du lịch không thể không ghé thăm khi đến Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm địa phương của khách du lịch khi đến Huế ngày càng tăng cao.

Trong khi đó, thị trường sản phẩm cho ngành du lịch tại đây chưa phát triển đúng quy mô, vẫn còn nhiều sản phẩm giả danh đặc sản Huế, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.

Trong khi đó, giống sen cổ của Huế, đặc biệt là sen Trắng đang trên bờ vực tuyệt chủng khi không có người trồng và không có đầu ra.

Dựa trên những suy nghĩ và trăn trở đó, chị Diệu Huyền đã quyết định khởi nghiệp với ý tưởng Mộc Truly Hue’s, tập trung vào nông nghiệp trồng sen trên diện rộng, trên cả các điểm bảo tồn di tích như trong lăng, thành hào từ giữa cửa Nhà Đồ đến cầu Dã Viên và thuê thêm các hồ của dân để tăng diện tích trồng.

Trồng sen trong các khu di tích vừa làm tăng vẻ đẹp của những di tích này, vừa thay đổi diện mạo thành phố du lịch, nên dự án của chị Huyền được chính quyền địa phương hết sức hỗ trợ và quan tâm.

Để theo đuổi dự án tâm huyết này, chị Huyền đã gặp muôn vàn khó khăn. Chị phải mất 6 tháng và nhiều công sức vốn liếng để nạo vét, dọn sạch lòng hồ và mặt hồ, sau đó đưa nước sạch vào, loại bỏ mọi ô nhiễm.

Tuy nhiên, bằng nghị lực của người phụ nữ đất cố đô và tình yêu vô bờ với những sản vật truyền thống cũng như giống sen cổ, đặc biệt là sen trắng Huế, chị không bỏ cuộc và đã thành công.

Hiện nay hai vợ chồng chị Huyền đã sở hữu 10 hecta trồng sen và đưa ra thị trường các sản phẩm như: hạt sen tươi, hạt sen khô, trà hoa sen sấy và trà lá sen.

Từ bông sen “bất tử” đến túi xách lá sen

Đó là câu chuyện của Ngô Chí Công, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành hóa học tại Pháp, người đã thành công với các sản phẩm ướp hoa khô tại Đà Lạt đã tiếp tục ứng dụng thành công công nghệ trên hoa và lá sen Đồng Tháp.

Ý tưởng của ông là dùng kiến thức công nghệ và hóa học phát triển các sản phẩm sen sấy khô, gương sen khô, hạt sen khô nhằm ứng dụng trong các lĩnh vực giá trị gia tăng cao như nội thất, thời trang, quà tặng du lịch và ẩm thực..

Là một thạc sĩ hóa học yêu hoa, Ngô Chí Công mong mỏi đem đến cho các loài hoa Việt Nam nói chung và hoa sen nói riêng một cuộc sống mới, một linh hồn mới.

Vì vốn dĩ sự sống của hoa quá mong manh, chỉ vỏn vẹn trong vài ngày đến 1 tuần lễ tùy loài hoa, Ngô Chí Công muốn nâng tầm giá trị của chúng bằng cách ứng dụng hóa sinh học nhằm kéo dài sự sống và vẻ đẹp tươi mới rực rỡ của từng bông hoa.

Sau khi nhúng vào dung dịch sinh học đặc biệt nhằm giữ màu hoa, sẽ sẽ được đưa vào sấy khô với công nghệ đặc biệt. Những cánh hoa mong manh vốn có liên kết yếu với đài và cành, nên một hợp chất đặc biệt sẽ được dùng để cố định vị trí các cánh hoa sao cho bông hoa giữ được dáng nở đẹp nhất.

Cuối cùng bông hoa sẽ được gắn lại với cành hoa ban đầu của nó.

Với lá khô cũng vậy, sau khi được xử lý giữ màu và dáng, lá sẽ được dùng ứng dụng trên từng sản phẩm. Điều tuyệt vời về tính thẩm mỹ của chúng, là những bông hoa và lá sen này nhìn như hoa lá tươi, khó có thể phân biệt sản phẩm hoa lá sấy khô này với hoa lá tươi vừa thu hoạch.

Ngoài sản phẩm hấp dẫn, công ty của Ngô Chí Công và cộng sự còn chú trọng đến nông nghiệp bền vững và thương mại công bằng “fair trade” với nông dân. Công ty giữ vững chính sách bao tiêu đầu ra cho nông dân đã được ký hợp đồng và không ép giá người dân.

Đầu ra cho những sản phẩm cao cấp này cũng khá hạn chế do quá trình sản xuất làm đội giá sản phẩm. Nhưng Ngô Chí Công hi vọng những sản phẩm demo ban đầu với chất lượng và độ thẩm mỹ cao này sẽ mở ra các thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực du lịch, thời trang, nội thất, nghệ thuật và cả ẩm thực.

Trên đây là 4 câu chuyện của những con người khác nhau, đến từ mọi miền tổ quốc, nhưng điểm chung của họ là yêu sen và khao khát nâng tầm giá trị cho sen, với những sản phẩm ở nhiều cấp độ, từ bình dân đến cao cấp.

Hành trình của họ thật nhiều khó khăn, trăn trở, có người chỉ vừa khởi đầu, có người đã đạt được thành công khiêm tốn. Nhưng hi vọng, những người nông dân, những người con đất cố đô và cả những tri thức tìm đường về Đất mẹ này sẽ không dừng lại trên con đường họ đã chọn.

Và mong rằng sẽ có thêm nhiều người như họ, để những sản vật quốc hồn quốc túy của đất Việt, mang trong mình những giá trị truyền thống dân tộc, sẽ bền vững và phát triển trong mọi thời đại.