VĂN HÓA

Câu chuyện của tình yêu quê hương, yêu Hà Nội với những điều thường nhật qua triển lãm ‘Mạch nguồn’

Hà Thành • 07-01-2024 • Lượt xem: 6058
Câu chuyện của tình yêu quê hương, yêu Hà Nội với những điều thường nhật qua triển lãm ‘Mạch nguồn’

Triển lãm mỹ thuật “Mạch nguồn” là những lát cắt của đời sống văn hóa, đan xen và kết nối hiện tại với quá khứ, là câu chuyện về tình yêu quê hương, yêu Hà Nội với những điều thường nhật.

Tin bài khác:

Tranh khỏa thân đầy tính nghệ thuật của cố họa sĩ Nguyễn Ngọc Thọ

Đà Nẵng: Triển lãm 'Trong ngọc trắng ngà' với 35 tác phẩm quý hiếm

Chiều 06/01/2024, tại di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Mạch nguồn”. Triển lãm gồm 19 tác phẩm sắp đặt và tranh của bốn tác giả Nguyễn Vi Thủy, Vũ Xuân Đông, Trần Văn Giáp và Nguyễn Mạnh Tiến.

Lễ cắt băng khai mạc triển lãm.

Đại biểu và du khách tham quan triển lãm.

Đây là triển lãm đầu tiên trong năm 2024 được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Theo Ban tổ chức, 19 tác phẩm là những lát cắt của đời sống văn hoá, đan xen và kết nối hiện tại với quá khứ, là câu chuyện về tình yêu quê hương, yêu Hà Nội với những điều thường nhật. Triển lãm cũng mang thông điệp về sự kết nối hòa hợp, một hệ sinh thái bền vững hôm nay và tương lai.

Trong đó, tác phẩm “Đàn bà – chợ” của tác giả Nguyễn Mạnh Tiến như là sự tối giản hiện hữu của không gian chợ Việt truyền thống với những thành tố cơ bản nhất tạo nên cấu trúc chợ, những người phụ nữ và những chiếc nón lá hợp thành khung cảnh mua – bán với nét văn hóa thương mại độc đáo.

Tác phẩm sắp đặt “Đàn bà – chợ” của tác giả Nguyễn Mạnh Tiến.

“Cây và rừng” của hoạ sĩ Trần Văn Giáp là những tác phẩm sơn mài trên ván gỗ tự nhiên, như không khí, cảnh vật thân quen mỗi ngày mà đôi khi cuộc sống bận rộn đã làm ta xao lãng.

Hoạ sĩ Vũ Xuân Đông miệt mài những module uốn lượn và câu chuyện của dòng “Sông Tô” bao bọc kinh thành Thăng Long, nên thơ trong quá khứ, lặng lẽ thu mình trong âm thanh của phố phường hiện đại. Tác phẩm gợi nhớ về lịch sử và ước muốn hình ảnh sông Tô Lịch được hồi sinh.

Tác phẩm sắp đặt “Sức sống” của họa sĩ Nguyễn Vi Thủy được tạo thành từ những cột trụ của nhà Thái học như một khu vườn kết nối truyền thống và hiện tại, sự tri ân, lòng biết ơn văn hoá mẹ, sức sống sẽ trường tồn khi ta kết nối yêu thương. Đó cũng là sức sống văn hoá và sức sống của mỗi cộng đồng dân tộc. Tác phẩm có sự tương tác của các em học sinh, sinh viên, đại diện cho ước mơ của thế hệ trẻ như là một sự tiếp nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tác phẩm “Sức sống” của họa sĩ Nguyễn Vi Thủy.

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa – Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu: Đây là triển lãm đầu tiên tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám của năm 2024. Dự kiến, sau triển lãm này, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ diễn ra khoảng 20 cuộc triển lãm khác. Qua triển lãm lần này, người xem có thể thấy được những nét văn hoá của Thăng Long – Hà Nội, nét văn hoá truyền thống và đương đại kết hợp với nhau trong không gian nhà Tiền Đường. Với hình thức sắp đặt hấp dẫn, hi vọng Triển lãm sẽ mang đến người xem những cảm xúc lắng đọng.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu phát biểu tại triển lãm.

Công chúng có mặt tại Triển lãm.

Triển lãm diễn ra tại nhà Tiền đường, khu Thái Học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội từ ngày 06/01/2024 đến ngày 19/01/2024.