ĐỜI SỐNG

Cha mẹ làm gì khi có con vướng vào bạo lực học đường?

Cẩm Chi • 14-03-2023 • Lượt xem: 3565
Cha mẹ làm gì khi có con vướng vào bạo lực học đường?

Bạo lực học đường thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng và đau xót cho cả hai bên. Tuy nhiên, cách xử lý nóng vội của phụ huynh đã vô tình ảnh hưởng tới vấn đề sức khỏe, tinh thần, tâm lý, tính cách của những đứa trẻ sau này.

Bạo lực học đường là vấn nạn nghiêm trọng trong mỗi nhà trường, gia đình và ảnh hưởng đến nền giáo dục và xã hội. Theo báo cáo của UNESCO, hơn 30% học sinh trên thế giới từng là nạn nhân của việc bắt nạt. Gần 1/3 học sinh đã bị các bạn ở trường bắt nạt ít nhất 1 lần trong tháng. Tại Việt Nam, theo số liệu từ Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau, tức là khoảng 5 vụ/ngày.

Tuy nhiên, ngoài việc ẩu đả giữa các em học sinh, bạo lực học đường còn biểu hiện ở nhiều khía cạnh như bạo lực giữa thầy cô và học sinh; bạo lực lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công, miệt thị bằng lời nói; bạo lực tình dục, bao gồm hiếp dâm và quấy rối tình dục mà đối tượng gánh chịu là học sinh, sinh viên.

Vậy chúng ta cần làm gì để hạn chế tác động tiêu cực đến sức khỏe cũng như tinh thần và nặng hơn là tính mạng của trẻ đang trong độ tuổi hoàn thiện bản thân?

Bình tĩnh, tôn trọng pháp luật khi xử lý

Đa số trường hợp cha mẹ khi biết con mình là nạn nhân hay là đối tượng gây ra bạo lực học đường thì thường nóng giận, thiếu kiểm soát và dẫn tới nhiều hành vi sai lầm như kéo người chửi rủa, hành hung lại học sinh đánh con mình, hay lên mạng xã hội kể lể, bêu rếu đối phương, vì như vậy chỉ làm “đổ thêm dầu vào lửa”.

Điều đầu tiên, các phụ huynh cần đi đến khám thương tích ở các cơ sở y tế uy tín. Sau đó, tìm hiểu nguyên nhân gây ra việc bạo lực, cần phân định rõ hành vi đúng hay sai của con mình và cư xử một cách văn minh. Phụ huynh nên tạo điều kiện cho nhà trường giải quyết vụ việc chứ không nên tự giải quyết một mình. Cha mẹ nên tiếp cận nhà trường sớm nhất để có cuộc gặp gỡ, làm việc với các bên liên quan, tìm cách xử lý hệ quả và có cam kết rõ ràng.

Một việc quan trọng khác là phụ huynh cần tìm hiểu và nắm rõ quy trình xử lý các vụ việc bắt nạt học đường từ phía nhà trường để có tâm thế chủ động chuẩn bị cho những tình huống tiếp theo. Phụ huynh cần tôn trọng và tuân theo quy trình đó để các bên cùng nhau giải quyết theo hướng tích cực nhất, ở đó những đứa trẻ sẽ nhận được các bài học giá trị cho mình.

Điều quan trọng là các bên đều phải bình tĩnh, tỉnh táo, suy nghĩ thấu đáo. Nếu cảm thấy không an toàn, phụ huynh có thể yêu cầu cho con tạm ngưng học để ngăn chặn việc xấu xảy ra và yêu cầu dịch vụ hỗ trợ.

Trong trường hợp vẫn không tìm được "tiếng nói chung" khi xử lý, trường không giải quyết sự việc hợp lý hoặc sự việc gây hậu quả nghiêm trọng, phụ huynh có thể báo sự việc đến các Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục, Cục Bảo vệ trẻ em, Cảnh sát khu vực.

Nếu việc giải quyết không thuận lợi, gây tâm lý sợ hãi, chán nản kéo dài cho con thì cha mẹ nên tính phương án chuyển trường, để làm mới môi trường học tập cho con.

Bảo vệ, quan tâm, giáo dục con sau bạo lực

Sau sự việc, phụ huynh có con là nạn nhân phải học cách nhận biết những ảnh hưởng để đồng hành cùng trẻ kỹ hơn. 

Trước nhất, cần lắng nghe con, chăm sóc sức khỏe về mặt tâm lý, chú ý biểu hiện bất thường của các em, cần thiết có thể cần phải can thiệp về tâm lý (bác sỹ trị liệu tâm lý) tránh để các em có suy nghĩ, thái độ và hành vi tiêu cực.

Thực tế, gia đình là yếu tố trực tiếp quan trọng nhất tác động vào tâm lý hình thành lên các cư xử của trẻ. Vì vậy, phụ huynh nên giúp trẻ phân biệt được các điều có lợi và có hại khi thực hiện hành vi, biết lễ nghĩa, tôn trọng mọi người xung quanh, vui vẻ hòa đồng, tránh nặng lời, cư xử thô lỗ…

Cách giáo dục của cha mẹ ảnh hưởng tới hành vi của trẻ

Khi sự việc xảy ra, cha mẹ nên dạy con mình: chuyện xảy ra mâu thuẫn là chuyện xảy ra bình thường trong cuộc sống. Nhưng cách giải quyết vấn đề bạo lực học đường phải có văn hóa và tôn trọng pháp luật, thể hiện mình có ứng xử đẹp, con người văn minh và hiểu pháp luật.

Trao đổi với con về cách ứng phó khi bị bắt nạt. Hãy dạy trẻ các kỹ năng sống và bảo vệ bản thân trong mọi trường hợp: Né tránh, đàm phán với sự thân thiện, đàm phán với sự cương quyết, tìm sự hỗ trợ khẩn cấp, báo cáo.

Với những cha mẹ có con là thủ phạm gây chuyện, nên có cái nhìn bao dung với lỗi lầm của con, tránh đánh đập, miệt thị, gây kích động, vì rất có thể con lại phạm sai lầm tiếp theo. Dạy con biết xin lỗi khi phạm sai lầm và bao dung với lỗi sai của người khác. Phụ huynh chú ý quan tâm con hơn, cần nghiêm khắc và có chiến lược trong cách giáo dục với những đứa trẻ này. Nên tiếp cận tâm lý một cách kiên trì, khéo léo, phù hợp để cảm hóa hành vi nóng giận, bạo lực.  

Đặc biệt, cha mẹ nên vun đắp cho tổ ấm hạnh phúc của mình, kiên quyết nói không với các hành vi bạo lực gia đình trước mặt trẻ (cha mẹ đánh con, cha đánh mẹ, anh chị đánh em…). Bởi chính những hành động như này của bố mẹ lại ảnh hưởng sâu sắc theo chiều hướng tiêu cực đến con cái. Ngoài ra chú ý con đang chơi với những người bạn thế nào, hãy cảnh giác và có biện pháp mạnh ngăn chặn nếu con bị lôi kéo bởi những người xấu.

Phụ huynh nên phối hợp chặt chẽ với nhà trường, xã hội

Đối với những đứa trẻ trong độ tuổi vị thành niên, kể cả là thủ phạm hay nạn nhân, quan trọng nhất vẫn là phải bảo vệ các em khỏi dư luận. Vì vậy, cách giải quyết và hành xử của những người lớn là điều quyết định cách sống của các em sau này. Không nên tìm cách dằn mặt gây bạo lực, cũng không nên chấp nhận im lặng. Không nên để cho các em chỉ vì một sự kiện này mà mất cả tương lai.

Cần có sự phối hợp giữa phụ huynh với nhiều tổ chức trong việc giáo dục con

Tính cách và hành vi của một đứa trẻ dậy thì phụ thuộc khá nhiều vào cách mà phụ huynh và nhà trường giáo dục. Vì vậy, cả hai phía nên phối hợp thường xuyên với nhau trong xây dựng lộ trình giáo dục các em phù hợp, tạo môi trường vừa học vừa chơi vui tươi, nhân văn, thoải mái, tránh gây áp lực, kích động, đồng thời thường xuyên để ý kỹ biểu hiện, hành vi, tâm lý của các em trong mọi trường hợp.