ĐỜI SỐNG

Chăm sóc trẻ mùa tay chân miệng đang cao điểm

Lan Hương • 09-06-2023 • Lượt xem: 722
Chăm sóc trẻ mùa tay chân miệng đang cao điểm

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận, từ đầu năm đến nay cả nước đã có gần 9.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó 3 trẻ đã tử vong. Theo thống kê, số ca bệnh có xu hướng tăng nhanh trong những tuần gần đây. Bệnh tay chân miệng chia thành 4 cấp độ, phụ huynh cần lưu ý nhận biết sớm các triệu chứng ban đầu để kịp thời đưa trẻ đi khám và điều trị.

Tin bài khác:

TP.HCM khẩn cấp báo động gia tăng bệnh tay chân miệng nặng

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ, nhất là trẻ trong khoảng dưới 5 tuổi. Giai đoạn ủ bệnh từ 3 – 7 ngày, có khi lên đến 10 ngày và thường lây lan qua đường miệng, chất tiết từ mũi, miệng, nước bọt hay phân của trẻ. Bệnh dễ gây thành dịch vì cách thức lây truyền khá nhanh, nếu trẻ mắc bệnh mà không có biện pháp phòng tránh kịp thời thì có thể lây nhiễm cho những trẻ xung quanh bất cứ lúc nào.

Trẻ mắc tay chân miệng thường có biểu hiện sốt, phát ban lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối… và những vị trí như rìa móng tay, rìa móng chân… Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp.

Bệnh tay chân miệng tiến triển theo 4 cấp độ

Tùy theo giai đoạn tiến triển mà bệnh tay chân miệng chia thành 4 mức độ. Ở mỗi mức độ sẽ có biện pháp xử trí riêng sao cho phù hợp.

Cấp độ 1: Trẻ sốt nhẹ, miệng loét, xuất hiện bóng nước, phát ban lòng bàn tay, lòng bàn chân, khóe miệng, đầu gối, mông…

Bệnh tay chân miệng đang có xu hướng lan nhanh trong thời gian gần đây.

Cấp độ 2: Cấp độ 2 sẽ chia thành mức độ, trẻ mắc tay chân miệng mức độ 2A có dấu hiệu sốt cao kèm theo giật mình với tần suất ít hơn 2 lần trong vòng 30 phút. Mức độ 2B khi trẻ sốt kéo dài 2 ngày trở lên, sốt cao khó hạ và giật mình trên 2 lần trong 30 phút. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ có nguy cơ chuyển biến nặng, cần đưa trẻ đến phòng cấp cứu để kịp thời xử trí.

Cấp độ 3: Cấp độ này bao gồm các dấu hiệu nói trên kèm theo tình trạng tăng huyết áp, tăng nhịp tim.

Cấp độ 4: Đây là cấp độ nặng nhất, trẻ chuyển biến sang tình trạng phù phổi cấp, sốc và có nguy cơ tử vong.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bv Nhi Đồng 1) cho biết: “Trong điều trị tay chân miệng, thường chúng tôi chỉ định nhập viện cho trẻ ở cấp độ 2A, mức độ 2B trẻ cần được cấp cứu khẩn cấp để tránh tình trạng chuyển biến nặng hơn. Còn đối với cấp độ 3, chúng tôi cần can thiệp bằng mọi cách không để bệnh tiếp tục chuyển biến lên đến cấp độ 4”.

Các chuyên gia y tế lưu ý, nếu được chuẩn đoán tay chân miệng cấp độ 1, phụ huynh có thể theo dõi bé ở nhà. Tuy nhiên khi sốt đến ngày thứ 2 không hạ, kèm theo run rẩy khi cầm nắm, giật mình, nôn ói cần đưa con đi viện ngay. Nếu sốt đột ngột không hạ, ngủ có giật mình, chán ăn và nôn 3 – 4 lần trong ngày cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.

Bệnh tay chân miệng thường diễn tiến nặng trong 5 ngày đầu, nhất là trong 3 ngày đầu tiên. Khi trẻ bị bệnh, cần cho trẻ nghỉ học, cách ly 10 ngày là khoảng thời gian an toàn và khi đó sự đào thải virus cũng không còn, trẻ có thể trở lại lớp bình thường. Phụ huynh cần quan tâm chăm sóc trẻ, nhận biết các dấu hiệu diễn tiến bệnh để kịp thời điều trị, tránh để trẻ rơi vào trường hợp nguy hiểm.

Phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu diễn biến tay chân miệng ở trẻ để có hướng điều trị, tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng.

Phòng ngừa tay chân miệng cho trẻ trong mùa cao điểm

Thực hiện 3 sạch là tiêu chí trong phòng ngừa tay chân miệng ở trẻ bao gồm “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”.

Đảm bảo diệt khuẩn bằng việc rửa tay thường xuyên và đúng cách là biện pháp đơn giản, giúp ngăn ngừa lây lan tay chân miệng hiệu quả. Hướng dẫn trẻ sử dụng khẩu trang (tháo mở khẩu trang đúng cách) khi đến nơi công cộng để tránh rủi ro sức khỏe nếu vô tình tiếp xúc nguồn bệnh. Tập cho bé thói quen không đưa tay lên mũi, mắt, miệng để hạn chế rủi ro lây nhiễm khi vô tình chạm phải nguồn lây.

Bổ sung nguồn dinh dưỡng đầy đủ nhằm tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Hãy đảm bảo chế độ ăn của con có những thực phẩm giàu protein như thịt, cá, đậu nành, hạt chia…  các loại rau xanh cùng trái cây tươi để cung cấp các vitamin cần thiết giúp trẻ có một sức khỏe tốt trong mùa dịch đang lan tràn như hiện nay.

Thường xuyên vệ sinh không gian sống và lau chùi đồ chơi của con với dung dịch sát khuẩn. Lau và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào như tay nắm cửa, mặt bàn để tiêu diệt virus và ngăn chặn sự lây lan của nó ra môi trường xung quanh.