VĂN HÓA

Chàng khiếm thị Trần Bá Thiện đi xem… ảnh 3D

Y Diệp • 02-01-2020 • Lượt xem: 4051
Chàng khiếm thị Trần Bá Thiện đi xem… ảnh 3D

Trong ngày đầu năm 1/1, lễ bế mạc triển lãm ảnh 3D tại Tân Phú xuất hiện một vị khách rất đặc biệt, đó là anh chàng khiếm thị Hiệp sĩ công nghệ thông tin Trần Bá Thiện. Vào những năm đầu thập niên 90, anh là người làm ra phần mềm cho người khiếm thị có thể sử dụng được điện thoại một cách dễ dàng và phổ biến như hiện nay.

 

Tin, bài liên quan:

Thái Ngọc Sơn - Lữ Đắc Long triển lãm ảnh gây quỹ làm từ thiện

Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn – Hành trình với biển đảo quê hương

Nguyễn Thành Nam 'rong chơi' cùng triển lãm ảnh và tranh

Sở dĩ nói anh là vị khách đặc biệt vì trong số gần 1 ngàn người đến xem triển lãm, duy nhất chỉ có mình anh tự đi từ Bình Thạnh vào Tân Phú, rồi lên thẳng lầu 3 của phòng triển lãm ảnh, cùng với gia đình Lý Hương, nhà biên kịch Châu Thổ, diễn viên Bão Cường, Thủ Tín, Quốc Tân, Nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn, ca sĩ Thái Ngọc Thanh…

 

 

Các nghệ sĩ đến tham dự lễ bế mạc triển lãm ảnh 3D

 

Sẽ có rất nhiều người ngạc nhiên, khi người khiếm thị xem ảnh thì sẽ như thế nào, nhất là thể loại ảnh 3D thì họ sẽ cảm nhận ra sao? Vâng dưới đây là cảm nhận của anh Trần Bá Thiện, người từng được phong là Hiệp sĩ công nghệ thông tin:

 

 

Hiệp sĩ Trần Bá Thiện bên tác phẩm "Hát ca cùng sóng biển"

 

“Hôm anh Lữ Đắc Long tức Lỏng Lắc Lư viết về vụ triển lãm ảnh 3D của ảnh, tui bèn comment vài lời thăm hỏi… Ai dè được ổng mời đến dự. Nhưng chả lẽ mời tui đi ngắm ảnh 3D? Thế nên nguyên văn lời mời của Lỏng là sáng 8g30 đến quán café 3D tại 82 Thạch Lam, Tân Phú… Mời café nhân ngày Tết Tây, thế thôi, cần gì phải dông dài...

 

Thì ra là hôm bế mạc của triển lãm. Dù là bế mạc nhưng cũng có khá đông bạn bè nghệ sĩ của Lỏng đến chung vui với 3 nhà nhiếp ảnh đăng cai buổi triển lãm là Lữ Đắc Long, Thành Danh kiêm chủ quán 3D và nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn.

 

NSƯT Lam Tuyền, diễn viên Hoàng Thanh, Quốc Tân, Dương Văn Minh và Hoa Khôi Thuỳ Linh, Ngọc Hà

 

Luật sư, diễn viên Dương Văn Minh và nhiếp ảnh gia Thái Ngọc Sơn

 

Khách đến cũng khá đông với các người đẹp như ca sĩ Thái Ngọc Thanh, hoa khôi Thùy Linh, hoa hậu Ngọc Hà, gia đình nghệ sĩ Lý Huỳnh gồm phu nhân Lý Lan và 2 ái nữ Lý Hồng và nghệ sĩ Lý Hương. Có nhiều diễn viên nam nhưng tui chỉ biết diễn viên Phan Văn Sáng, anh bạn khuyết tật từng cùng sinh hoạt chung hồi giữa thập niên 1990…

 

Lý Hương, mẹ và chị gái cùng Hoa khôi Thuỳ Linh, Ngọc Hà

 

Long kể muốn làm ảnh 3D phải dùng kỹ thuật cắt nhân vật rời ra rồi ghép lên hình nền. Nhờ vậy người xem có cảm giác ảnh có chiều sâu. Hơn thế nữa ảnh có vẻ động chứ không tĩnh như 2D.

Tui nghĩ thầm, nghệ thuật không phải là kỹ thuật. Nghệ thuật cần sự hỗ trợ của kỹ thuật để miêu tả cảm xúc của tác giả và tạo nên cảm xúc trong lòng người thưởng thức… Vậy thì đặc điểm nghệ thuật của 3D là gì?

 

 

Tui cần tìm cho mình một người có khả năng tả cảnh… Tôi đi lòng vòng trong phòng triển lãm và lưu ý ai hay nhận định và đặc biệt các nhận định ấy phải nhiều màu sắc… May quá, mình bắt được cô Trường Giang. Tui hỏi cô câu này: “Ảnh 3D có nét độc đáo nghệ thuật nào so với ảnh 2D truyền thống? Giang đưa tôi đến một tấm ảnh mô tả cảnh diêm dân gánh muối trên đồng được gom thành ụ cao. Bước chân người diêm dân in lên bóng nước trên mặt ruộng muối… Với ảnh 3D ta có thể nhận ra dáng oằn mình với gánh muối trên vai, thấy những ngón chân chai sần đang nặng nề bước trên bờ ruộng… Bóng nước bỗng lay động khi bước chân ấy đến gần.

Người xem chợt thấy mặn trên lưỡi, không chỉ vị mặn của muối mà còn có vị mặn của mồ hôi và sự vất vả của những người làm ra muối… Với công cụ mới 3D, người nghệ sĩ phải có tư duy mới để tác phẩm không chỉ là sự cách tân về kỹ thuật. Chính ra, đấy là sự cách tân về góc nhìn và góc cảm.

 

Anh Thành Danh (thứ 2 từ phải sang), chủ nhân quán cafe 3D cùng các nghệ sĩ

 

 

Anh Thành Danh chủ nhân của công nghệ 3D dắt tui đến bức tranh Đức Mẹ Maria đang khoe trái tim hiền mẫu của bà. Danh nói: “Mẹ luôn bên anh, luôn chăm bẵm dìu dắt, đỡ nâng đời anh. Thế nên trong tấm ảnh Mẹ, Trái Tim từ Mẫu được kỹ thuật 3D làm cho sinh động như đang đập cùng nhịp đập với chúng ta...”.

Nhiếp ảnh gia kiêm nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn giới thiệu với tui bức Biển cạn, chụp cảnh bãi cát vắng hoang. Nước triều rút. Con tàu già nua nằm chơ vơ trên bãi cạn. Biển lùi xa dần, xa dần về cuối chân trời.

Con tàu nằm đó mà thèm, mà khát khao nhớ lại những tháng năm hiên ngang trên mặt biển, nhớ những lần kiên cường trước bao cơn sóng dữ… Chiều nay, chỉ còn đó một con tàu già mắc cạn. Biển đã lãng quên. Đời đã tàn. Tưởng thế đã là thê thảm lắm rồi. Nhưng anh Sơn còn dẫn người xem đứng ngắm con tàu già từ sau một nhánh cây khô…

 

 

Tiền cảnh nhành cây trơ trụi như bộ xương khô choáng trước con tàu già. Biển đã trả nó về bờ…. Cảnh ấy không chỉ gợi trong ta bóng dáng Thần Chết, cảnh cô độc mà còn là nuối tiếc, là cay đắng, phũ phàng, là nghiệt ngã của kiếp nhân sinh… Vượt qua những cảm xúc ấy, ta chợt hiểu rằng hãy sống sao cho đáng để khi biển cạn… ta được phép ngạo nghễ vẫy tay vĩnh biệt đời.

 

Nhà biên kịch Châu Thổ (áo đỏ) cùng diễn viên Lý Hương và Hoa Khôi Thuỳ Linh

 

Nhân có nhà biên kịch Châu Thổ đến dự, tui được dịp hỏi ý chị có gì khác nhau giữa ảnh 3D và ảnh 2D… Nhà biên kịch kiêm đạo diễn ngắm một bức ảnh của nhiếp ảnh gia Lữ Đắc Long chụp cảnh phim trường ngày trước do chị làm đạo diễn… Chị cho biết: “Những bức ảnh 2D với nội dung này tôi còn giữ khá nhiều. nhưng cảm xúc dành cho nó dường như đã không còn. Thế mà khi làm lại ảnh đó với kỹ thuật 3D tính sinh động của nó lại hiện lên. Tôi hình dung những vui buồn, nhọc mệt đang diễn ra trong phim trường ngày ấy. Cảm xúc và kỷ niệm ùa về, càng ngắm càng thấy sướng….”.

Để hiểu ảnh 2D người ta cần tưởng tượng nhiều hơn mới nhận ra các vận động trong bức ảnh. Với 3D tính sinh động được biểu hiện dễ hơn. Năng lực tưởng tượng thay vì dùng để hình dung các động thái trong cảnh, giờ đây người xem phải tưởng tượng sâu hơn để nhận ra nguyên nhân và hậu quả của các động thái ấy.

 

Diễn viên Lý Hương và tác phẩm ảnh chân dung mình

 

Theo vài người thì nhìn ảnh 3D lâu dễ bị nhức mắt. Tiện nghi nào cũng có cái bất tiện của nó. Cuối buổi, triển lãm bán thêm 2 ảnh cho gia đình NSND Lý Huỳnh nâng lên gần 10 tấm ảnh trong buổi lễ bế mạc với tổng doanh thu hơn 150 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ được chia sẻ với các nghệ sĩ và người nghèo trong dịp Tết 2020 này.

Chân thành cám ơn Trường Giang và các nhiếp ảnh gia đã dành thời gian quý báu để tui hiểu được 3D là gì. Xem ảnh cũng phải tư duy mới hiểu được ảnh. Tui nhớ chuyện 5 người mù xem voi ngày xưa. Nay có 1 người mù đi xem ảnh 3D… Hiện thực chỉ giản đơn vậy thôi. Hiểu nó như thế nào còn tùy vào năng lực tư duy và trái tim thấu cảm của mỗi người".

 

Trần Bá Thiện