GIẢI TRÍ

Chi phí làm phim và những chuyện khôi hài

Lữ Đắc Long • 06-06-2020 • Lượt xem: 1201
Chi phí làm phim và những chuyện khôi hài

Kinh phí là một trong những điều tiên quyết cho “vận mệnh” của một bộ phim. Mọi chi tiêu phải được tiên liệu trước khi sản xuất, bộ phim mới mong có được sự thành công mỹ mãn. Thế nhưng ở phim trường vẫn xảy ra lắm câu chuyện khôi hài. Xin bật mí cùng độc giả Duyên Dáng Việt Nam.

Tin, bài liên quan:

Bi hài chuyện đánh nhau trên phim

Bi hài những nụ hôn… trong mưa

Bi hài chuyện chó… đóng phim

Tiền ít chỉ vì… tự ái của đạo diễn 
Trong bộ phim “Duyên trần thoát tục” có cảnh ông vua được tay Tể Tướng hiến kế chơi trò đốt người làm đuốc sống cho vui. Kịch bản là thế, nhưng trước khi ra hiện trường, tay cascadeur lão luyện “xin” với biên kịch: “Anh cho em đốt một lúc 5 người đi anh, vừa hấp dẫn, vừa dễ quảng bá cho phim, vì cảnh này mà thực hiện được sẽ xếp vào hàng kỷ lục của Việt Nam đấy…”. 

Diễn viên Trường Thịnh trong phim "Duyên trần thoát tục"

Nghe cũng bùi tai, nhà biên kịch hỏi lại: “Đốt người như vậy có nguy hiểm không? Có tốn tiền nhiều lắm không, chú mày biết rồi đấy, nhà sản xuất sợ tốn tiền sẽ không chịu quay đâu?”. 
Được dịp tỏ bày, tay cascadeur thuyết phục: “Dạ bọn em làm chuyên nghiệp lắm, sẽ có bình chữa cháy, bảo hiểm rất ngon lành… Chi phí em sẽ giảm 50% cho nhà sản xuất để có được cảnh quay để đời này”. 
Thế là a lê hấp. Tổ chủ nhiệm cử một chiếc xe riêng chở lực lượng 20 người lên Bình Dương để thực hiện một cảnh quay hoành tráng nhưng không… tốn kém nhiều. Ra đến hiện trường, cảnh quay đốt người được dời lại đến 7 giờ tối, vì sợ ảnh hưởng đến khách trong khu du lịch!

Sau một ngày “đợi chờ là hạnh phúc”, cuối cùng đạo diễn cũng bắt đầu cho quay cảnh cháy người. Thấy tổ bảo hiểm hì hục chuẩn bị cảnh cháy náo nhiệt, đạo diễn ngạc nhiên hỏi thăm: “Mấy em làm cái gì mà náo nhiệt vậy, cảnh cháy có chút xíu mà ì xèo vậy sao?”. Tay trưởng nhóm trả lời: “Dạ cảnh này đốt một lúc 5 người, nên bọn em phải chuẩn bị kỹ một chút, từng nhóm người đốt, người cháy, người chữa cháy… phải lo thật chu đáo anh à!”. 

Cảnh cháy trong phim "Duyên trần thoát tục"

Đạo diễn nghe qua ngạc nhiên, vì kịch bản chỉ ghi đốt cháy 1 người, giờ lại cho đốt tới 5 người, phát sinh kinh phí, phát sinh nguy hiểm ai chịu trách nhiệm, mà ông là đạo diễn tại sao lại không nghe thấy chuyện này? Tức mình, ông tuyên bố bỏ luôn cảnh quay này, vì có sự thay đổi mà không ai báo trước với ông! 
Thấy tình thế “nguy nan”, vị chủ nhiệm bèn tới năn nỉ: “Anh thông cảm, bên cascadeur đã báo với nhà sản xuất, chủ nhiệm, tác giả… hết rồi nhưng lại quên báo với anh, thôi thì đã lỡ hết rồi, anh cứ cho quay để thuận buồm xuôi gió nhe anh, vì mình không quay, vẫn phải trả tiền đủ cho người ta mà!”. 

Nghe tới chuyện không quay vẫn phải trả tiền, thế là đạo diễn sợ tốn tiền vô nghĩa của nhà sản xuất thì cũng ảnh hưởng mình, bèn hậm hực cho quay với một điều kiện: Thay vì đốt một lúc 5 người, ông sẽ cho đốt cháy từng người một, rồi về dựng phim nối lại để trở thành cảnh cháy người… dài nhất Việt Nam. Đây là cách cảnh cáo mọi người khi thay đổi cảnh quay mà không báo trước với ông.

Sau đó với phương án chỉ đốt có 3 người, buộc nhóm cascadeur phải bớt tiền lại cũng là cách tiết kiệm cho nhà sản xuất. Cảnh quay diễn ra khá ngọt, khiến ai nấy đều vui mừng. Chỉ tội cho nhóm thực hiện vì số tiền đã bị cắt đi rất nhiều so với công sức mình bỏ ra cho cảnh quay nguy hiểm như thế này.

Chơi đẹp được chi… đẹp
Trong phim “Người Mỹ trầm lặng” có cảnh quay hai quả nổ long trời diễn ra trước cửa Nhà hát thành phố, tạo nên cảnh tang thương tàn khốc trên phim. Để thực hiện cảnh này, đoàn phim Hollywood đã chuẩn bị trên 500 người, trong đó có gần 50 cascadeur tinh nhuệ nhất từ Úc bay sang phối hợp với cascadeur Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Sài Gòn có một sự kiện thế này nên gây sự chú ý rất nhiều với báo chí thời đó. 
Trong đoàn cascadeur Việt Nam có tay phó nháy, suốt một tuần lễ cứ canh me có dịp là chụp hình cho đạo diễn, cascadeur Úc mà không hề đòi hỏi một điều gì. Cứ mỗi lần tặng ảnh cho phái đoàn bạn, anh ta đều nhận được câu hỏi: Tại sao lại tặng nhiều như thế này, tại sao “mày” không chịu lấy tiền?

Cảnh trong phim "Người Mỹ trầm lặng"

Thấy phía bạn hơi căng thẳng trong vụ tiền bạc, tay phó nháy nhẹ nhàng giải thích: “Ở Việt Nam ai cũng hiếu khách, được tặng hình ảnh đẹp cho các bạn là hạnh phúc của chúng tôi!”.

Thấy tay phó nháy nghĩa khí, trưởng nhóm cascadeur Úc nói nhỏ: “Để tao đi kiếm tiền cho “mày” nhe!”. Nói xong anh đi ra ngoài nói chuyện với đạo diễn: “Tôi muốn có một người nằm bị thương ở trên chiếc xe hơi bị cháy, cho cảnh quay quằn quại hơn được không?". Nói xong anh chỉ sang tay phó nháy kiêm cascadeur đứng phía trước. Đạo diễn sau hồi lưỡng lự hỏi lại: Liệu người ấy có chịu làm tài xế nằm trong chiếc xe bị cháy đó không? 

Cảnh xe cháy trong phim "Người mỹ thầm lặng"

Một tấm hình anh phó nháy bị cháy toàn thân được đưa ra, như minh chứng anh ta từng là một tay thế thân cự phách ở Việt Nam. Ok, tất cả nhanh chóng vào cuộc. Cứ tưởng cảnh quay sẽ là một chuyện nhỏ, nhưng mấy ai ngờ, cảnh này được quay trong vòng 5 ngày trời, thậm chí đến ngày cuối cùng, sợ tay phó nháy diễn không đạt, cascadeur Úc còn cho thêm một người nhào vô kéo anh “tài xế” đang bị thương ra ngoài. Và kết quả không ai tưởng tượng được, tay phó nháy kiêm cascadeur được trả lương hậu hĩ.

Tài xế hình nộm trên xe theo dự kiến được thay thế bằng một cascadeur

Cảnh quay này được xếp vào mục nguy hiểm nên tiền công mỗi ngày là… 300 USD. Vị chi 5 ngày được 1.500 đô la ở thời kỳ năm… 2000. Quả là một con số nằm mơ của tay cascadeur khi thường ngày đóng một cảnh nguy hiểm hơn rất nhiều lần như thế chỉ được cao lắm là 300 ngàn đồng. Và khi ấy ai cũng hiểu đó là cách chơi đẹp của người nước ngoài khi thấy người bản xứ biết… chơi đẹp!

Sợ tốn cuối cùng còn tốn gấp… trăm lần
Trong phim “Hồng Hải tặc” có cảnh quay diễn viên Lý Hùng cùng Trương Ngọc Ánh tả xung hữu đột đánh nhau bọn với xã hội đen tại một bờ sông thuộc khu vực Bình Triệu, TP.HCM. Cảnh quay này, đạo diễn yêu cầu 30 cascadeur thiện nghệ để phục vụ cho trận đánh náo động này. 
Thông thường sau những lần ráp đòn ăn ý với nhau là máy quay thu hình. Lúc đầu hầu hết cảnh quay của Trương Ngọc Ánh đánh nhau diễn ra rất ngọt, các chiêu thức đẹp mắt, thần tốc và uy lực rất đáng sợ. Tuy nhiên, đến cảnh quay Lý Hùng vung dao chém ngay đầu tên xã hội đen, và anh này chụp một thân dừa lên đỡ là bắt đầu… có chuyện! 

Trần Hùng chỉ đạo võ thuật trong phim "Hồng Hải tặc"

Lần một, Lý Hùng chém, anh ta né. Làm lại lần hai, Lý Hùng chém nhanh quá, anh ta hoảng sợ quăng luôn nhánh dừa, bỏ chạy. Đạo diễn ra vẻ không hài lòng, vì không có một tay cascadeur nào lại có thể “bèo” đến thế. Lần 7, lần 8 đến lần thứ 16 vẫn chưa quay được cảnh này, vì Lý Hùng cứ vung dao lên chém là anh ta rúc cổ nhắm mắt như chờ chết. Cả đoàn phim nhốn nháo, ì xèo bởi cảnh quay một người chém một người đỡ gần 2 tiếng đồng hồ mà vẫn không xong. 
Đạo diễn Trần người Hồng Kông cho cả đoàn nghỉ, hỏi phía đoàn phim Việt Nam tại sao lại mời một tay cascadeur dở ẹt như vậy, từ lúc quay đến giờ đã hao tốn gần biết bao nhiêu là phim (thời quay phim nhựa) mà anh ta vẫn chưa thực hiện được một cảnh dễ như thế này, ai chịu trách nhiệm?  

Chủ nhiệm được mời tới hiện trường, lúc này mới phát hiện, anh chàng xã hội đen “hầm hố” kia không phải cascadeur thứ thiệt mà chỉ là một… tài xế, vì thấy tướng mạo ngon lành nên trợ lý mời về… đóng phim. Hỏi lý do tạo sao thuê người “dỏm” như thế, Chủ nhiệm giải thích tỉnh bơ: “Thuê một cascadeur phải trả 300 ngàn đồng, còn thuê anh quần chúng này chỉ tốn có 60 ngàn đồng. Tôi tưởng đạo diễn chỉ cần người nhá qua nhá lại là ok, ai dè chặt chém ghê người như thế ai không sợ!”.

Diễn viên Lý Hùng trong  cảnh đánh nhau với cascadeur

Đến lúc này, đạo diễn chỉ biết ngửa mặt than trời: “Chỉ vì sợ thuê cascadeur tốn tiền, mà đoàn phim đã làm ông tốn cả trăm mét phim vẫn chưa quay xong, nếu tính kỹ ra, đã lỗ… hộc máu". Tất nhiên sau đó, công tác tuyển chọn người đóng phim được xét kỹ hơn gấp 10 lần, để không hao tốn tiền như vụ việc kể trên.
Cũng trong phim “Hồng Hải tặc”, đạo diễn cần một anh lính ôm súng té từ trên núi xuống đất. Cảnh này nếu không có kỹ năng sẽ bị lọt qua vực sườn núi, thế nên khi một diễn viên quần chúng (đạo diễn tưởng là cascadeur thiệt) được chỉ đạo phải đóng cảnh té này, anh đã bỏ chạy và la làng: “Dẹp, chỉ có sáu chục ngàn mà bắt té kiểu này, lỡ lọt xuống núi mất xác ai chịu? Tiền ít mà đòi hít dầu thơm hà!”. Đến lúc này đoàn phim chỉ biết lắc đầu ngao ngán… và tất nhiên là phải mời đúng một cascadeur thứ thiệt mới có thể quay xong được cảnh này.