ĐỜI SỐNG

Cho đi là còn mãi?

Diệu Thảo • 25-09-2024 • Lượt xem: 115
Cho đi là còn mãi?

Chúng tôi, một nhóm chị em nhỏ bé, đã cùng nhau duy trì một nhóm thiện nguyện không lớn, nhưng đầy nhiệt tình. Quỹ không nhiều, thành viên không đông, thế nhưng nhờ sự dẫn dắt của chị chủ nhiệm, nhóm đã hoạt động được một thời gian khá dài và đều đặn. Nhóm tập trung giúp đỡ những cô bác lớn tuổi, neo đơn, và bệnh tật trong khu vực. Hằng tháng, nhóm cũng gửi vài phần quà nhỏ đến các cô chú bán vé số, tạo niềm vui và động lực sống cho họ.

Thế nhưng, không phải lúc nào những hành động thiện nguyện cũng diễn ra trong không khí nhẹ nhàng, ấm áp. Gần đây, chị chủ nhiệm chia sẻ rằng có vài người lạ mặt đến gõ cửa nhà chị, khăng khăng yêu cầu phát quà ngay lập tức. Mặc dù chị đã giải thích là đã hết đợt phát quà và hẹn họ quay lại vào tháng sau, những người này vẫn kiên quyết đòi hỏi, thậm chí yêu cầu chị vào nhà lấy bất kỳ thứ gì có thể cho họ.

Ảnh: Internet

Khi nghe câu chuyện này, tôi bỗng nhớ lại trải nghiệm của mình vào thời điểm khó khăn nhất sau mùa dịch COVID-19. Khi đó, nhiều người lâm vào cảnh khốn đốn, bị mắc kẹt và cạn kiệt nguồn thực phẩm. Trong một lần vô tình thấy lời kêu gọi giúp đỡ của một người trên mạng, tôi đã quyết định gửi cho người ấy một khoản tiền nhỏ dù bản thân cũng đang thất nghiệp. Lần đầu tiên gửi, tôi thấy rất thoải mái và vui vì có thể giúp đỡ người khác. Thế nhưng, người đó tiếp tục nhắn tin xin thêm lần thứ hai và tôi lại giúp. Đến lần thứ ba, khi thái độ của người ấy trở nên tiêu cực, tôi cảm thấy sợ hãi và quyết định khóa tài khoản của người ấy.

Ảnh: Freepik

Từ trải nghiệm đó, tôi bắt đầu suy nghĩ về sự đòi hỏi trong thiện nguyện. Có phải lúc nào việc cho đi cũng mang lại thiện báo? Có lẽ, những người đáng thương cũng có lúc khiến ta cảm thấy giận. Sự cho đi liên tục có thể vô tình tạo ra những kẻ ỷ lại, vô ơn, thậm chí tạo ra oán niệm khi họ không còn nhận được sự giúp đỡ nữa.

Một người có thể bắt đầu nhận sự giúp đỡ vì hoàn cảnh khó khăn, nhưng sự bao dung quá mức cho những thói quen xấu sẽ dần khiến họ nghĩ rằng xã hội nợ họ một trách nhiệm. Khi đó, lòng thương hại không còn là động lực xây dựng mà trở thành sự mù quáng tạo ra những kẻ chỉ biết đòi hỏi.

Giống như một đứa trẻ khi được bạn cho kẹo vào lần đầu tiên, chúng cảm thấy vui vẻ và biết ơn khi nhận kẹo từ bạn, nhưng lâu dần, khi được nhận kẹo mỗi ngày, chúng sẽ nghĩ đó như một việc hiển nhiên và rồi đến một ngày, bạn ngừng cho kẹo, chúng sẽ oán trách và giận dữ với bạn. Trái ngược với sự vui vẻ và tích cực của ngày đầu tiên, khi được cho kẹo.

Chúng ta cần phải biết đâu là điểm dừng. Thiện nguyện không chỉ là cho đi mà còn là sự tôn trọng và chia sẻ. Mỗi món quà trao đi không chỉ chứa đựng giá trị vật chất mà còn là bài học về lòng biết ơn và tự lập. Nếu không, sự cho đi sẽ không còn là thiện nguyện, mà là sự dung túng cho thói quen xấu và sự lệ thuộc.

Khi ta không còn khả năng cho đi, liệu những người đã quen nhận liệu có quay lưng và oán trách ta? Đó là một câu hỏi mà chúng ta nên tự vấn mỗi khi bước vào hành trình thiện nguyện. Vì cuối cùng, thiện nguyện không chỉ là việc của người cho, mà còn là việc của người nhận biết tôn trọng giá trị của những gì họ nhận được.


 

Tag: