VĂN HÓA

Christophe, Bảo Chấn và nhạc Pháp ở Sài Gòn

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 10-09-2019 • Lượt xem: 5140
Christophe, Bảo Chấn và nhạc Pháp ở Sài Gòn

Sáng nay, khi đến dự họp báo ra mắt cuộc thi Hoa hậu Di sản Quốc tế tổ chức tại khách sạn Continental Saigon, tôi gặp lại nhạc sĩ Bảo Chấn. Lâu lắm, chúng tôi mới có dịp ngồi với nhau nên rất vui. Mừng hơn khi biết sức khỏe anh dạo này tốt hơn trước do tuân thủ tuyệt đối lời của con cái cấm “ba không được làm âm nhạc nữa!”.

Tin, bài liên quan:

Hoa hậu Di sản Quốc tế tôn vinh ý thức giữ gìn di sản văn hóa toàn cầu

[Độc quyền] - Trưởng BTC ‘Hoa hậu Di sản Quốc tế - Pháp 2019’: Sẽ tìm kiếm và tôn vinh vẻ đẹp trí tuệ

Tìm kiếm đại sứ về di sản Quốc tế 2019 tại Pháp

Tôi tưởng anh đùa, nhưng không! Rõ ràng anh rất nghiêm túc. Anh nói: “Mình không hiểu sao khi từ giã sân khấu và âm nhạc thì thấy rõ trong tâm hồn và trong lòng rất thanh thản. Cứ như đã trả xong nợ! Thật không luyến tiếc gì cả!”. Câu tâm sự của Bảo Chấn làm lòng tôi bỗng chùng xuống vì tôi nhớ lại những món nợ đời thị phi mà một nhạc sĩ tài hoa như anh đã phải gánh trả thật nhiều phi lý, oan uổng.

Nhạc sĩ Bảo Chấn (đứng giữa) tại buổi họp báo Hoa hậu Di sản Quốc tế

Thử nghĩ lại làng nhạc trẻ Sài Gòn không có những tên tuổi, những đóng góp và xây dựng lặng lẽ như các anh Lê Hựu Hà, Quốc Dũng, Nguyễn Trung Cang, Bảo Chấn… thì liệu có thành tựu như hôm nay? Đôi khi chúng ta đọc lịch sử hay tận hưởng những thành quả của một công trình nhưng rất dễ quên chiếc bóng của những cây cầu, của những tâm hồn xây dựng. Và công việc của những nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc hay văn hóa là tìm hiểu, hàn gắn lại những mắt xích ấy!     

Dù tâm nguyện “giã từ” nhưng vì bạn bè và những người em thân thương nên nhiều lúc Bảo Chấn cũng không “rửa tay gác kiếm” như ý được. Ví dụ như vì đạo diễn Nguyễn Khoa Nam khẩn khoản,  anh phải trở lại với vai trò một nhạc sĩ chỉ đạo, một giám đốc âm nhạc cho chương trình cuộc thi tầm cỡ  “Miss Heritage International France 2019” tổ chức, sẽ khai mạc tại Nhà hát De la Madeleine (19 rue de Surène, 75008 Paris) vào tối 20/10/2019. Một cuộc thi Hoa hậu Di sản do tập đoàn truyền thông Thanh Niên, báo điện tử Một Thế Giới và Duyên Dáng Việt Nam bảo trợ thông tin. Vì tầm vóc của Hoa hậu Di sản Quốc tế (Miss Heritage International France 2019), vì chương trình đòi hỏi một nhạc sĩ tầm cỡ hiểu biết sâu rộng về âm nhạc và văn hóa Pháp mà anh phải trở lại. Và vì được trở lại với nguồn âm nhạc Pháp và nước Pháp cũng là một mơ ước từ khi còn rất trẻ, bắt đầu chơi những bản nhạc Pháp đầu tiên của anh. Tôi giới thiệu lại một bài viết về nhạc sĩ Bảo Chấn khi anh làm chương trình cho nhạc sĩ kiêm ca sĩ Christophe, thần tượng nhạc Pháp ở Sài Gòn cách đây mấy năm…

***

Chương trình "Christopher với người yêu nhạc Pháp ở Sài Gòn" do nhạc sĩ Bảo Chấn làm giám đốc và chỉ huy

Nhiều nhận xét cho rằng hoàng kim của mỗi dòng nhạc đều gắn bó rất chặt với các hiện tượng chính trị và bối cảnh xã hội xảy ra lúc bấy giờ. Cũng như thế với dòng nhạc Pháp và người Sài Gòn. Từng có một thời gian, nhạc Pháp với những giọng ca tên tuổi đi sâu vào đời sống tinh thần mỗi gia đình từ băng dĩa, chiếc cát-sét cũ để trên đầu giường. Sau 1954 khi người Pháp rút, người Mỹ đổ bộ vào miền Nam thì nhạc Pháp cũng lùi dần, nhường bước cho làn sóng văn hóa Mỹ. Tuy nhiên, dấu ấn nhạc Pháp vẫn ghi sâu đậm vì độ sang trọng, sâu sắc của ca từ và giai điệu. Những câu chuyện tình thổn thức gần với tâm hồn người Việt.

Elvis Phương, một thời được mệnh danh là "vua nhạc Pháp" thường biểu diễn các ca khúc của Christopher

Tôi gặp ca sĩ Elvis Phương ở Hà Nội, trong chương trình Duyên Dáng Việt Nam do Đinh Anh Dũng làm tổng đạo diễn, anh cho biết mình đã yêu và mê nhạc Pháp từ nhỏ. Sau này,  khi tham gia các ban nhạc Rockin Stars, Les Vampires cũng như Phượng Hoàng cùng với các nhạc sĩ tên tuổi Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Tuấn Ngọc, Đức Huy… anh đã biểu diễn rất nhiều ca khúc tiếng Pháp. Đặc biệt là những tình khúc do nhạc sĩ Christophe soạn và trực tiếp biểu diễn. Có thể nói người yêu nhạc Pháp ở Sài Gòn, thế hệ sinh những năm 1950 - không ai không biết đến tên tuổi và những tình khúc bất hủ của ông. Đó là các bản “La vie c’est une histoire d’amour” (Đời là một chuyện tình), “Main dans la man” (Tay trong tay), “Oh, mon amour” (Ôi người yêu), “Les amoureux qui passent” (Những tình nhân qua đường), “J’ai entendu la mer” (Thầm nghe sóng biển), “Les marionettes” (Những con rối), “Aline”, “Les mots bleus”… cùng rất nhiều bài nổi tiếng khác.

Huyền thoại nhạc Pháp, nhạc sĩ - ca sĩ Christopher

Nhạc Pháp cùng những tình ca của Christophe đã định danh tên tuổi Elvis Phương trước khi anh hát nhạc Việt. Còn ca sĩ Quang Vĩnh, một gương mặt quen thuộc với người yêu nhạc phòng trà trong lần uống bia với tôi, cho biết sau hơn 30 năm đi hát, đêm nào anh cũng được khán giả yêu cầu hát nhạc Pháp. Anh có những khán giả hâm mộ cũng bằng tuổi đời đi hát của mình. Đặc biệt Quang Vĩnh rất mê Christophe. Anh kể vui đời anh chỉ mong một lần gặp mặt ông Hoàng nhạc Pháp này để “tạ ơn” những gì ông viết rồi chết cũng thỏa.

Bởi vậy, thật bất ngờ khi tôi được đạo diễn Nguyễn Khoa Nam mời truyền thông cho chương trình “Live Concert Christopthe”, danh ca nhạc sĩ Pháp, qua Việt Nam biểu diễn một đêm duy nhất tại nhà hát Hòa Bình. Thần tượng trong tim bao khán giả miền Nam một thời. Đây là đêm nhạc đánh dấu 40 năm quan hệ ngoại giao Pháp - Việt. Nghệ sĩ Christophe chơi piano, guitar và các loại nhạc cụ khác cùng những ca khúc vang dội trong sự nghiệp 50 năm hoạt động âm nhạc phong phú của ông. Chịu trách nhiệm, đạo diễn âm nhạc chương trình từ phía Việt Nam chính là nhạc sĩ Bảo Chấn.


***
Tôi hẹn cà phê với nhạc sĩ Bảo Chấn để tìm hiểu thêm về Live Concert và âm nhạc ông. Như một sự trùng hợp kỳ lạ, Bảo Chấn cũng là người rất mê nhạc Pháp. Chính ông đã “vỡ”, ký âm, hòa âm phối khí rất nhiều bài của Christopthe cũng như các nhạc sĩ khác của dòng nhạc Pháp cho các ca sĩ, ban nhạc tập luyện theo yêu cầu lúc đó. - “Ngày ấy phải nghe lại từ các băng, đĩa cũ và ký âm. Chứ không có nhiều phương tiện thuận lợi như bây giờ…”, ông chia sẻ. Đó là một Sài Gòn sau 1975 với nhiều nỗi niềm. Khi thưởng thức âm nhạc cũng là vấn đề bị dò xét, nghi kỵ. Thậm chí sẽ bị bắt. Bảo Chấn cũng viết nhiều tình khúc cho riêng mình nhưng chỉ để trong sổ tay.

Bảo Chấn nói anh rất thích thú khi làm Live Concert Christophe. - “Một người toàn năng - Nhạc sĩ tác giả “Bên em là biển rộng” nói - Tôi thuộc nhiều ca khúc của Christophe. Những bài như “Aline”, “Les mots bleus”, “La vie c’est une histoire d’amour”, “Main dans la man”, “Oh, mon amour”… là huyền thoại. Không một ban nhạc nào thế hệ của chúng tôi lại không say mê chơi những bản nhạc đó. Những giai điệu du dương, thân thuộc và sang trọng. Nói cách khác những câu chuyện tình lứa đôi của thanh niên Pháp và Việt qua ca khúc có vẻ rất giống nhau, không khác nhau là mấy. Độ say đắm, nồng nàn cả tinh tế nữa…”.

Chữ ký của "Thần tượng nhạc Pháp" Christopher trên một bìa CD tặng nhạc sĩ Bảo Chấn

Bảo Chấn cũng là một trong những nhạc sĩ tôi quý mến. Ông là một trong những tác giả bổ nhát cuốc đầu tiên vào cái mạch ngầm dòng nhạc trẻ Sài Gòn những năm đầu đổi mới, thập niên 90. Với những tình khúc “Hoa cỏ mùa xuân”, “Biết em còn chút dỗi hờn”, “Trở lại mùa hè”, “Và cơn mưa tới”,“Nỗi nhớ dịu êm”, “Như cơn mưa đi mãi”…

Theo tôi, Bảo Chấn và Christopher khá giống nhau ở cách nhìn đại chúng trong ca khúc. Christopher được khá đông khán giả một thời tiếp nhận bởi ông không chủ trương một thứ âm nhạc bác học, cao siêu. Ông đi vào đề tài tình yêu và sự gần gũi của đời thường mà mọi trái tim, mọi biên giới đều cảm nhận, chia sẻ được. Bảo Chấn thuyết phục tôi ở cách bày tỏ chân thành: - “Những ca khúc của tôi gọi là nhạc thời trang cũng được. Ca khúc cũng là một loại hàng hóa”. Hay ông sẵn sàng mổ xẻ sâu hơn: -“Những bài đại chúng thích chưa hẳn là bài hát hay. Đôi khi do tung ra đúng lúc và gặp ca sĩ thời thượng”. Trong ý nghĩa chừng mực của từ “Nhạc nhẹ” là vậy chăng? Và nói không quá, đó cũng là cách tiếp cận âm nhạc giải trí, phong lưu của người Sài Gòn. Thích ứng và có chỗ cho mọi dòng chảy thân quen, thể nghiệm. Bởi thế, nếu Bảo Chấn hòa âm, phối khí lại những ca khúc quen thuộc của danh ca Christopher là dịp ông trở về với những kỷ niệm thời trẻ yêu nhạc Pháp của mình cũng như gặp lại cái tôi thứ hai đồng điệu.

***
Trước đêm biểu diễn, Christophe cùng các trợ lý của ông ghé qua nhà hát Hòa Bình để kiểm tra lại mọi thứ. Việc đi lại, gặp gỡ của ông đều bí mật, được lên lịch cẩn thận và tránh tiếp xúc với báo chí. Có lẽ ban tổ chức muốn tạo sự bất ngờ cao nhất cho đêm diễn. Lần đầu tôi được diện kiến một tượng đài nhạc Pháp và thế giới. Từ bên ngoài nhà hát, một người đàn ông đứng tuổi, phong trần, chậm chạp đi vào. Ông khoác chiếc áo vest sọc, dày, trông rất “Âu châu”, lạnh lẽo cứ như vừa ở sân bay bước xuống. Trời Sài Gòn đang vào mùa nóng cứ như sẵn sàng nung chảy mọi thứ. Ồ, thì ra là Christopthe. Hồi ức, kỷ niệm, ngày tháng và những hình dung như tan ra trong thời gian. Thần tượng trên đôi cánh vỗ lạc loài.

Danh ca, nhạc sĩ Christopher và Nguyễn Hữu Hồng Minh (Ảnh: Huỳnh Nghĩa)

Gã hào hoa “Aline” bây giờ đã già và trông buồn như gấu ngủ đông. Vẫn còn vẻ kiêu bạc ánh lên trong mắt nhưng bước đi đã mệt mỏi. Năm tháng trôi qua, ai rồi cũng thế! Dường chiếc bóng người nghệ sĩ càng lớn thì dấu vết sự sụp đổ càng loang rộng? Ông vui vẻ, thân mật bắt tay, trò chuyện cùng chúng tôi. Khi chụp ảnh, ông hóm hỉnh: “Có lẽ tôi cần phải cởi áo khoác ra! Lần đầu đến Việt Nam biểu diễn, tôi không ngờ Sài Gòn nóng như vậy!…”. Tôi đùa lại với Christophe: - “Hy vọng trong đêm “live concert” ông biểu diễn cảm hứng đến… cần phải cởi áo! Và khán giả hâm mộ danh ca Christophe và nhạc Pháp một thời sẽ nóng như Sài Gòn hôm nay…”. Ông cười, bắt tay tôi. Bàn tay thật mềm và ấm áp.

Diễn viên Tường Vy , nhạc sĩ Bảo Chấn, ca sĩ Đồng Lan, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh và MC Lê Hưng (Ảnh: Nguyễn Khoa Nam)

“Live Concert Christopthe” đã thành công ngoài sức tưởng tượng.

Hình như mỗi bài hát là những khoảnh khắc trác tuyệt, tìm nhau đan kết lại thành một câu chuyện cuộc đời người nghệ sĩ huyền thoại? Và bài hát sẽ trẻ mãi…

Người Sài Gòn vẫn thế, bền bỉ với tình yêu và thần tượng của mình…