Khám phá

Chủ nghĩa khắc kỷ: Giúp tâm tư con người cân bằng, bình ổn trước những biến động của thế giới

Châu Anh • 10-11-2020 • Lượt xem: 773
Chủ nghĩa khắc kỷ: Giúp tâm tư con người cân bằng, bình ổn trước những biến động của thế giới

Chúng ta cầm điện thoại lên, và chỉ cần năm phút, biết bao nhiêu tin tức, đổi thay, thảm họa... trên toàn cầu như đang dồn về cùng một phía. Từ chiếc điện thoại thông minh, lại là nơi chứa rất nhiều cảnh giới trên đời. Và từ đó tâm dần trở nên bất an như một thói quen phũ phàng hàng ngày. Nó diễn ra liên tục và đều đặn, cho tới một ngày, ta thành ra sợ hãi, lo âu trước những gì mắt thấy tai nghe.

Nhưng cho dù lo âu, muộn phiền thì bão lũ, động đất, dịch bệnh... vẫn cứ diễn ra và nó không dừng lại. Con người nhỏ bé khao khát sự bình yên của thiên nhiên và thế giới, nhưng bình yên ấy là không thể.

Vậy làm sao để bình yên giữa những biến động? Ta sẽ "chuyển động" theo nó hay sẽ ngồi im?

Có một cách, gọi là chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism). Đây là cánh cửa mở ra bí quyết sống thanh thản giữa thời loạn và thời bình.

Vậy chủ nghĩa khắc kỷ được hiểu như thế nào?

Đây là trường phái triết học ra đời ở Athens khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Tinh thần cao cả của chủ nghĩa là rèn luyện cho con người một khả năng vững vàng trước những biến động cũng như áp lực cuộc sống. Quan điểm của chủ nghĩa này cũng đưa ra lý do của sự đau khổ: Do con người đã chọn sai cách trong việc nhận định các vấn đề. Nhiều người cho rằng khắc kỷ chính là sự lựa chọn lối sống khổ hạnh, hà khắc. Thực tế, lối sống stoicism đưa con người trở về sự tĩnh tại trước cuộc sống nhiều đổi thay. Và bí quyết để tĩnh tại chính là sống hòa hợp với bản chất của thế giới và của con người.

Chủ nghĩa khắc kỷ chia cuộc sống làm ba phần quan trọng:

+ Ta có thể kiểm soát được hành động và suy nghĩ của bản thân.

+ Một số điều ta không thể kiểm soát: diễn biến của yếu tố tự nhiên và người khác.

+ Một số điều ta có thể kiểm soát một phần nào đó.

Chủ nghĩa này đưa ra sự tập trung nên dồn vào nhóm một, phớt lờ nhóm hai và nhóm ba thì nên chú tâm vừa phải. Chủ nghĩa này cũng đưa ra việc không nên cố kiếm soát người khác, không nên kiểm soát nắm giữ mọi thứ quanh mình và hãy dành tâm trí chăm sóc vào chính bạn. Và tất nhiên để ý tới phản ứng cá nhân của mình trước các sự việc.

Đối diện và đối mặt khủng hoảng và không sợ hãi

Để làm được điều này cần nhất chính là một thái độ chủ động. Rất nhiều người từng có ý định tự sát khi gặp biến cố, tai nạn hoặc cơ thể không lành lặn. Thậm chí những vết thương trong tâm hồn luôn thúc đẩy họ muốn kết thúc cuộc sống của mình. Thế nhưng sự xuất hiện của chủ nghĩa khắc kỷ đưa con người đi từ vực thẳm lên trên bến bờ tự tại. Nhiều người đã dựa vào chủ nghĩa này để sống bền bỉ với một thái độ tích cực chấp nhận điều đang xảy đến với mình.

Bạn hoàn toàn có thể thay đổi tâm thế của mình. Từ một người bi lụy, khi trở nên mạnh mẽ, có thể trở thành người chủ của chính mình, đặt ra các mục tiêu và tiến tới thành công nhanh hơn.

Buồn bã chính là vô ích

Một sáng ngủ dậy, bạn nhận ra có quá nhiều thứ đã mất đi trong đời: công việc bấp bênh, các khoản đầu tư đều không có lời mang về, gia đình tan nát và bạn rơi vào chán nản. Bạn ngồi tiếc nuối quãng đời đã qua, tiếc nuối những đồng tiền bạn đã tiêu và đã cho. Nhưng ngồi tiếc chẳng giải quyết được gì. 

Việc này cũng tương tự như khi bạn bị ai đó ăn trộm năm trăm ngàn đồng. Với người giàu có thể đó là số tiền nhỏ. Nhưng nếu như với một sinh viên chưa đi làm, họ sẽ tiếc số tiền lớn như vậy. Nhưng một khi bạn tỉnh táo ngồi đó và nghĩ rằng số tiền ấy thật ra mất đi cũng không thể làm bạn quá xuống dốc, tại sao không quên nó đi và cẩn thận hơn. Mọi sự mất mát đều đem lại một bài học cho con người.

Thay vì cố gắng kiểm soát và bảo vệ tài sản không bị mất đi thì hãy thay đổi cách nhìn: kiểm soát phản ứng của bản thân trước sự mất mát, thay đổi. Tư duy khắc kỷ có điểm nhấn quan trọng, nó chính là cách bạn nghĩ gì trước các sự việc diễn ra gián tiếp hoặc trực tiếp hàng ngày.

Và tất nhiên, một chặng đường rất dài khi chuyển đổi từ một tâm trạng luôn lo lắng, luôn bị động trước các tác động ngoại cảnh sang tâm thế an nhiên, bình thản và chấp nhận khó khăn. Và hành trình đó chính là: stoicism.