ĐỜI SỐNG

Chưa qua Covid, Ấn Độ lại đối mặt với dịch 'cúm cà chua' bí ẩn

Lan Hương • 30-08-2022 • Lượt xem: 295
Chưa qua Covid, Ấn Độ lại đối mặt với dịch 'cúm cà chua' bí ẩn

Trong khi cả thế giới đang tích cực ứng phó với Covid-19 thì một loại dịch mới lại tiếp tục bùng phát tại Ấn Độ có tên “cúm cà chua”. Loại virus này chủ yếu tấn công ở trẻ em, và cho đến nay đã có khoảng hơn 100 trường hợp trẻ nhỏ mắc bệnh được phát hiện tại quốc gia này.

Ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 6/5, là một trẻ nhỏ dưới 5 tuổi tại bang Kerala, miền Nam Ấn Độ. Với triệu chứng gồm các vết phồng rộp, tấy đỏ, hình dạng rất giống trái cà chua và gây ra đau đớn. Chính vì thế mà các nhà khoa học đã gọi tên dịch cúm bí ẩn này là “cúm cà chua”.

Được biết trường hợp đầu tiên mắc bệnh là do biến thể của bệnh tay chân miệng. Cho đến nay dịch bệnh đã lan rộng sang các bang khác tại Ấn Độ và xuất hiện chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, căn bệnh này là một biến thể của bệnh tay chân miệng và thường gặp ở các trẻ em độ tuổi đi học. Sở dĩ cúm cà chua có nguy cơ gia tăng ở trẻ em vì virus gây bệnh phổ biến trong nhóm tuổi này. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao, gây sốt, mệt mỏi và đau nhức cơ thể.  

Cúm cà chua biểu hiện như thế nào?

Cúm cà chua xuất hiện với triệu chứng là các mụn nước phồng đỏ, nổi khắp cơ thể người bệnh. Các mụn nước này có thể phát triển to trong miệng, lưỡi, lợi, má rồi lở loét và gây đau đớn. Một số thì xuất hiện mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, thỉnh thoảng có những trường hợp cá biệt trẻ có thể bị rụng móng chân hoặc móng tay khi mắc bệnh. Mụn nước phồng rộp và rất giống như bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên Bộ Y tế Ấn Độ khẳng định, dịch cúm này không liên quan đến virus đậu mùa khỉ.

Bệnh thường bắt đầu với tình trạng sốt nhẹ, chán ăn và đau họng. Theo tờ The Lancet (tạp chí y khoa Anh) cho biết, các triệu chứng khác của cúm cà chua bao gồm mệt mỏi, nôn mửa, mất nước, tiêu chảy, sưng khớp và cơ thể đau nhức.

Các triệu chứng khác hiếm gặp được ghi nhận ở cúm cà chua là thay đổi màu sắc ở chân, tay.

Những đối tượng có khả năng mắc cúm cà chua cao nhất

Hiện nay các nhà khoa học đang cố gắng xác định đây chính xác là loại virus gì, chúng thường gặp ở đối tượng trẻ em và đặc biệt là có nguy cơ bùng phát ở các môi trường như nhà trẻ hay trường mẫu giáo. Bởi virus dễ dàng lây lan khi tiếp xúc gần như qua quá trình sử dụng tã bỉm, trẻ ngậm đồ chơi hoặc chạm vào các bề mặt không sạch sẽ.

Ngoài ra, bệnh có thể lây nhiễm cho các trẻ lớn hơn và người lớn tuổi có hệ miễn dịch suy giảm.

Thông tin trên báo Lancet còn cho biết, nếu sự bùng phát cúm cà chua ở trẻ không được kiểm soát chặt chẽ và ngăn chănk kịp thời, rất có thể sự lây lan còn mang đến những hậu quả nghiêm trọng cho cả người lớn.  

Giải pháp bảo vệ sức khỏe tốt nhất trước tình hình dịch bệnh lây lan

Cúm cà chua rất khó chuẩn đoán vì các triệu chứng rất giống với Covid-19 và có nhiều điểm tương đồng với tay chân miệng. Theo các nhà khoa học, các trẻ em mắc sốt rét hoặc sốt xuất huyết có thể dễ mắc cúm cà chua hơn vì hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, mặc dù cúm cà chua không nguy hiểm đến tính mạng. Nó có khuynh hướng tự khỏi và hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo rằng cần cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Và cách ly 5 - 7 ngày các trường hợp nghi nhiễm khi xuất hiện triệu chứng là điều cần thực hiện để hạn chế lây lan.

Bên cạnh đó, giải pháp tốt nhất vẫn là giữ vệ sinh hợp lý, khử khuẩn các vật dụng thường xuyên tiếp xúc cũng như môi trường xung quanh. Không để trẻ mắc bệnh sử dụng chung đồ chơi, vật dụng, quần áo hay thực phẩm với các trẻ không mắc bệnh.

Bộ Y tế Ấn Độ đã đưa ra các hướng dẫn về cách phòng ngừa và điều trị về căn bệnh này. Bao gồm các khuyến cáo về giữ gìn vệ sinh, hạn chế dùng chung đồ chơi, tránh tiếp xúc với trẻ bị bệnh, không làm vỡ mụn nước, dùng nước ấm để tắm và vệ sinh da cho trẻ, hạ sốt và bù nước đầy đủ.

Việt Nam tuy chưa phát hiện ca mắc cúm cà chua cho đến nay, tuy nhiên với tình hình giao thương đi lại giữa các nước thì việc cẩn trọng và phòng ngừa nguy cơ lây bệnh là điều cần thiết. Cần tránh không để bị muỗi đốt và loại bỏ các khu vực muỗi có thể sinh sống. Ngủ màn mà cách đơn giản nhất, đồng thời vệ sinh sạch sẽ nơi sinh hoạt, diệt loăng quăng và không để muỗi có cơ hội sinh sôi nảy nở là một biện pháp hiệu quả để phòng ngừa nhiều bệnh liên quan đến muỗi khác.