VĂN HÓA

Chùa Thầy – dấu ấn ngàn năm tại Di tích Quốc gia đặc biệt

Cẩm Chi • 23-04-2023 • Lượt xem: 2648
Chùa Thầy – dấu ấn ngàn năm tại Di tích Quốc gia đặc biệt

Không chỉ là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất phía Bắc (1000 năm tuổi), chùa Thầy còn nổi tiếng bởi lễ hội mang tính chất tôn giáo có sự kết hợp với các nhạc cụ dân tộc, trở thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh độc đáo với du khách.

Tối 21/4/2023, tại chùa Thầy (huyện Quốc Oai, Hà Nội), đã diễn ra chương trình Hành trình du lịch văn hóa lịch sử và công bố quyết định công nhận chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt”. Vậy địa danh này có gì đặc sắc để các du khách lựa chọn khám phá văn hóa truyền thống Việt?

Dấu tích thiên niên kỷ

Nằm tựa đầu vào núi Phật Tích, Chùa Thầy hay còn gọi là Thiên Phúc Tự, được xây dựng từ thời nhà Lý, và gắn liền với giai thoại cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh - người mở đầu cho tín ngưỡng thờ Thánh Tổ thời Lý - Trần. Đây là một quần thể di tích và danh thắng non nước hữu tình với nhiều điểm tham quan như hồ Long Trì, quán Tam Xã, đình Thuỵ Khuê, hang Cắc Cớ, vườn trúc Lữ Gia… 

Tiêu biểu nhất là kiến trúc chạm khắc cổ kính thời Lý và hệ thống tượng pháp ở ba tòa Tiền đường - Điện Phật - Điện Thánh được xếp hình chữ Tam nhìn từ ngoài vào tạo nên sự đồ sộ với rất nhiều cột kèo, trụ... Chùa còn có sự liên kết chặt chẽ với quần thể hang động, chùa đền am nhỏ, tạo nên sự phong phú về loại hình trong các dịp lễ hội.

Chùa Thầy được xây dựng trên thế đất hình con rồng ở đất Hà Thành. Phía trước chùa là một sân lát gạch rộng nhìn ra hồ nước hệt hình hàm trên của rồng; bờ hồ phía bên trái chính là hàm dưới. Ở giữa hồ Long Trì xây có thủy đình cổ kính được ví như viên ngọc tỏa ánh hào quang rực rỡ trong miệng rồng thiêng. Đặc biệt, chùa có tới 2 cầu ngói dẫn vào đền Tam Phủ và dẫn lên núi Sài Sơn, được Phùng Khắc Khoan cho xây theo phong thủy có hình dáng cong cong, chính là cặp mí mắt rồng...

Cầu ngói – dạng kiến trúc đặc trưng phổ biến của làng xóm vùng đồng bằng Bắc Bộ xuất hiện trong không gian Phật giáo

Vào mỗi dịp lễ hội, chùa Thầy thu hút hàng ngàn du khách thập phương đến góp vui, trẩy hội. Lễ hội Chùa Thầy diễn ra từ mùng 5 đến mùng 7 tháng 3 Âm lịch hàng năm (mùng 7 là ngày hội chính), là lễ hội mang tính chất tôn giáo có sự kết hợp với các nhạc cụ dân tộc.

Hội được mở đầu bằng lễ cúng Phật và chạy đàn - một diễn xướng có tính chất tôn giáo với sự phối hợp của các nhạc cụ dân tộc, trang nghiêm. Các tăng ni, Phật tử và du khách đều bị cuốn hút theo nhịp hát kinh của các nhà sư. Ngoài ra, đây cũng là dịp để bạn có thể đến dâng hương khấn Phật cầu bình an, may mắn và cầu duyên. Đặc biệt, bạn còn có cơ hội xem các buổi trình diễn múa rối nước đặc sắc ở sân khấu ngay trước Thủy Ðình với các tích trò rối như Thạch Sanh, Tấm Cám, cảnh sinh hoạt dân dã như đi cày, chăn vịt, đấu vật.

Hành trình văn hóa tâm linh

Với mục tiêu trở thành mùa lễ hội, nơi du khách có thể trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc nhất của xứ Đoài, Lễ hội chùa Thầy năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 22 - 26/4 tại sân chùa Cả thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy. Bên cạnh phần lễ với những nghi thức truyền thống được thực hành đầy đủ, còn có những không gian tái hiện đời sống sinh hoạt, sản xuất, cùng các trò chơi dân gian gắn bó với người dân bản địa, như: Cờ tướng, cờ người, đánh đu, bịt mắt đập niêu, kéo co…

Biểu diễn múa rối nước tại hồ Long Trì

Đặc biệt, tại khu vực thủy đình vào các khung giờ cố định sẽ diễn ra các chương trình văn hóa, văn nghệ truyền thống, với nghệ thuật múa rối nước, cồng chiêng, hát quan họ… và đặc biệt là di sản Hát Dô vừa được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một điểm mới khác của lễ hội năm nay là Ban tổ chức phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức "Hành trình du lịch văn hóa, lịch sử chùa Thầy năm 2023", kết nối không gian lễ hội với các điểm tham quan hấp dẫn khác trong khu vực, như: Khu vực núi đá Sài Sơn, động Hoàng Xá, đình So…; và tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí, như: Múa lân, múa sạp, trình diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ, dân ca dân vũ.

Những làn điệu dân ca được trình diễn tại show diễn thực cảnh

Từ 9h - 17h ngày 22/4, hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử của Thủ đô sẽ diễn ra tại chùa Thầy bao gồm: Gian hàng giới thiệu tour, tuyến du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng - giải trí, du lịch nông nghiệp - nông thôn với các chương trình khuyến mại kích cầu. Bên cạnh đó, tại đây còn có gian trưng bày giới thiệu sản phẩm ẩm thực, sản phẩm OCOP, sản phẩm truyền thống của địa phương; quảng bá các sản phẩm làng nghề, sản phẩm quà tặng du lịch…