VĂN HÓA

Chúng ta sống để lắng nghe

Mai Ly • 02-01-2024 • Lượt xem: 2824
Chúng ta sống để lắng nghe

Chúng ta sống để lắng nghe là tập tản văn vừa phát hành trong tháng 12/2023 của tác giả Phong Việt, tiếp theo mạch series sách Chúng ta sống có vui không, Chúng ta sống là vì… đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt những năm qua. Những cuốn tản văn của anh luôn ra mắt vào dịp cuối năm, và trở thành món quà tinh thần mà bạn đọc đón chờ để tặng bạn bè, người thân và chính mình.

“Những ngày này, hãy để chúng ta giống như con tàu chuẩn bị vào sân ga. Chân ga, chân thắng thong thả buông ra. Tay cũng nên rời vô lăng hay màn hình điều khiển. Cứ để con tàu ấy, theo đà, từ từ trôi về điểm dừng của ga đến.”  (Trích) 

Hơn 40 bài viết trong tập sách là những lát cắt cuộc sống được kể lại qua lớp “kính lọc” giàu cảm xúc: “Buổi sáng hôm đó, mình nhìn thấy một bông hoa”, “Những đêm ngước nhìn trời”, “Những cái ôm”, “Về nhà để ba cắt tóc”, “Đừng để lời xin lỗi thành một món nợ”… Tác giả nghiêng về quan sát những điều xuất phát từ nội tâm của mình, tập “lắng nghe” những rung động từ bên trong. Tác giả Phong Việt chia sẻ: “Chỉ hy vọng là với những góc nhìn rất giản đơn của mình về nội tâm của con người, bạn đọc có thể tìm thấy một phần nội tâm của họ ở trong đó, với cùng một tần số rung động…”

Trong những năm gần đây, tác giả Phong Việt đã tạm ngừng xuất bản thơ và chuyển sang viết tản văn, với văn phong nhẹ nhàng ấm áp. Anh cho biết mình không từ bỏ thơ ca, mà chỉ muốn dành thời gian để những cảm xúc về thơ trong mình có thời gian lắng đọng và sâu sắc hơn. Trong thời gian này, anh dùng hình thức tản văn để chuyển tải những cảm xúc và góc nhìn khác về đời sống mà thơ chưa bày tỏ được. Nói về dự định sắp tới của mình, tác giả Phong Việt cho biết: “Trước mắt tôi vẫn sẽ đi tiếp với tản văn, cho đến mùa Giáng sinh 2025 tôi mới quay lại với thơ trong một tác phẩm mới mà tôi hy vọng sẽ làm mọi người thú vị hơn với những cảm xúc mới mẻ. Còn lại, chắc là trong tương lai gần, tôi vẫn chưa có bất cứ dự định thử sức khác với các thể loại văn học ngoài thơ và tản văn”.

“Cảm ơn những giây phút chúng ta từng muốn trôi vào lãng quên

khi chông gai bủa vây khắp lối

rồi tia nắng đầu tiên thắp lên trong bóng tối

và tiếng cười dẫn lối

để nhìn thấy con đường…”

Tập tản văn này thể hiện một tâm thái bình thản: Chúng ta chờ đón tin vui và sẵn lòng tiếp nhận tin buồn, ta quay về bên trong, ta vui với những thành tựu nhỏ dù ta là đom đóm hay vì sao trong đời… Hành trình một năm ít nhiều chông gai và thử thách, xen cả những hạnh phúc vui tươi. Phong Việt nhắc nhớ mỗi chúng ta, lần nào đó trong đời – một lần, nhiều lần – hãy đi sâu vào lòng mình. Tìm lại chính mình, lắng nghe chính mình, rồi nhìn thấy chính mình từ thật sâu tâm khảm.

Chia sẻ về quá trình đi tìm sự bình an từ bên trong và thể hiện nó trên từng con chữ, tác giả Phong Việt cho biết: “Mọi thứ trên trang viết của tôi đều đi theo hướng từ những xáo trộn ban đầu như bao người khác, rồi theo thời gian nhận ra những giá trị bình an. Mọi hành trình đều có cái giá phải trả. Trước khi có thể giữ tâm thái bình thản với câu chữ của mình, thú thật tôi đã từng rất nhiều ngày dằn xé với việc trút bỏ nỗi lòng mình xuống trang viết. Mỗi chúng ta có một hành trình sống và mục đích sống khác nhau, nhưng tôi tin ai cũng mong sống một cuộc đời vui. Tôi cũng chỉ mới bước vài bước chân trên hành trình sống vui, và tôi muốn thông qua việc nhìn ngắm ý nghĩ của mình để chia sẻ với độc giả, biết đâu mọi người sẽ làm được những điều gì đó để cuộc sống của mọi người trở nên thong dong hơn, bớt đi những muộn phiền không đáng có”.

Tác giả Phong Việt lý giải sự bình an và hạnh phúc là những mảnh ghép nhỏ, mà khi ta để tâm quan sát cuộc sống thì sẽ cảm nhận được.

“Gia đình” và “tình thân” là chủ đề được nhắc đến nhiều lần trong tập tản văn này: Chúng ta muốn sống trong ngôi nhà như thế nào? Làm cha mẹ, những khoảnh khắc soi thấu mình khi ở cạnh con cái, những cảm xúc tràn ngập khi “ôm một người nhỏ bé vào lòng” (tựa một bài viết)… Có lẽ không ít bạn đọc sẽ cảm thấy sự đồng cảm ở chủ đề này, và thêm chút mong đợi khoảnh khắc về quê sum vầy cùng người thân cuối năm.

“Tôi là ai”, “Tôi muốn sống như thế nào?” là những câu hỏi mà từ các triết gia đến mỗi con người chúng ta đều từng có lúc đặt ra trong đời. Tác giả Phong Việt chọn cách trả lời thông qua những câu chuyện và những điều quan sát được, mỗi lần giúp anh hiểu thêm một chút về bản thân. “Mình chỉ là một con người”, “chúng ta sống để lắng nghe”, “chúng ta muốn ra đi như thế nào”, “mình chỉ cần được là mình”…Tác giả kể câu chuyện của mình và mở ra không gian cho bạn đọc chậm lại, nghĩ về câu trả lời của riêng họ.

Sự cô đơn cũng là một chủ đề đang được quan tâm trên toàn cầu, với những ảnh hưởng về sức khỏe và tinh thần con người. Nhưng nếu lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình, thì không thể tránh những lúc một mình. Trong tập tản văn này, tác giả Phong Việt viết về những lúc “ngồi một mình ở đâu đó” khi “làm một giống loài cô đơn”, với tâm thế chấp nhận và làm bạn với điều đó, bởi vì “có trải qua trầy xước và tươm máu thì trái tim và tâm hồn mới có khả năng tạo ra kháng thể”. Đây là một lối tiếp cận và lý giải bình thản hơn với sự cô đơn. Anh chia sẻ: “Cô đơn với tôi không phải là một thuộc tính của riêng con người. Tuy nhiên, vì cách chúng ta có được tư duy giúp cho chúng ta nhìn vào nỗi cô đơn trở nên đa chiều hơn. Tôi từng phủ định nỗi cô đơn rất nhiều lần, nhưng cuối cùng nhận ra, thứ duy nhất mình có thể làm được là chấp nhận và sống chung với nó. Tôi không đến mức yêu thích nỗi cô đơn, nhưng tôi đã xem nỗi cô đơn như một người bạn, có thể trò chuyện cùng nhau khi người bạn đó xuất hiện. Cô đơn là một phần của đời sống con người, thế nên hãy đồng hành cùng nó, và nếu có thể nói chuyện được với nó để có thể biến khoảng thời gian có vẻ đơn độc ấy trở nên có giá trị về mặt trưởng thành của tư duy…” 

Khi đọc Chúng ta sống để lắng nghe, bạn đọc sẽ nhìn thấy mình đâu đó, và khép sách lại, điều đọng lại lớn nhất vẫn là tình yêu thương, sự thanh thản và niềm hy vọng. Bay bổng mà không xa rời cuộc sống: đó chính là do mà nhiều bạn đọc vẫn chờ đợi tác phẩm mới và dịp cuối năm của tác giả Phong Việt để làm quà cho chính mình và những người thân yêu.