VĂN HÓA

Chuông gió phong linh - Tùy bút Lê Hồng Minh

Nhà báo Lê Hồng Minh • 29-11-2021 • Lượt xem: 666
Chuông gió phong linh - Tùy bút Lê Hồng Minh

Thời xưa, chuông gió có công dụng báo hiệu cho chủ nhà mỗi khi khách mở cửa ra gió ùa vào nhà là có khách đến và dự báo được hướng gió. Còn ngày nay, chuông gió đặc biệt phổ biến trong các gia đình, bởi người dân coi trọng các yếu tốt phong thủy trong ngôi nhà.

Tin và bài liên quan: 

Về Huế...thắp nhang - Tùy bút Lê Hồng Minh

Nhà báo Lê Hồng Minh: Mùa Covid nhớ chợ

Món ngon dân dã: Cơm chan nước mắm mỡ đông và bánh nậm xứ Huế

Thi phẩm 'Vỉa từ' của Nguyễn Hữu Hồng Minh: Những sáng tạo mới Thi ca

Nghề giáo thật cao quý và ai theo nó thì luôn được xem là người đưa đò tri thức, nghề... trồng người. Còn chuông gió tuy chỉ là vật trang trí, có tạo ra âm thanh, nhưng xung quanh nó, có nhiều nét tương đồng vơi những ai gắn nghiệp dạy chữ, dạy lễ hay như sợi dây gắn kết mọi người. Những gì biên dưới đây, ít nhiều chủ quan, nhưng đó là thứ tình cảm chân thành, khi xem đàn gió phong linh, như là... bầu bạn, hay đúng hơn, người bạn.

Với nhiều gia đình hoặc thậm chí cả nơi công sở, chuông gió được sử dụng như một vật trang trí nhưng chính tiếng kêu của chuông gió lại khiến nhiều người thường gọi với cái tên nghe đầy ma mị: phong linh. Nhưng phong linh tôi biết, rất lành, và khi cất tiếng ngân lên, là có người để ý.

Tiếng Hán là “phong linh” và tiếng Nhật là “furin”, nghe từa tựa nhau, và đều tạo ra những âm thanh trong trẻo, vui tai. Nghĩa là phong linh tạo được sự chú ý của nhiều người. Chuông gió gồm nhiều thanh kim loại, thanh tre hoặc chất liệu khác với độ dài ngắn khác nhau. Khi các thanh này va chạm với nhau hoặc va chạm với con lắc ở giữa sẽ tạo nên âm thanh. Tôi nghĩ rằng những ai mang trong mình tinh thần phong linh, người ấy có đủ sức hút để chiêu mộ, lay động thậm có khi còn làm thức tỉnh cả những kẻ ủ ê, ngủ say, chán chường hay mê man với những chút gì thành công trong quá khứ!

Phong linh đâu cũng giống nhau là có con lắc ở giữa, khi gió thổi sẽ tạo va chạm vào các thanh, phát thành tiếng. Riêng chuông gió Nhật Bản thường có một mẩu giấy được gắn ngay phía dưới dùng để ghi những lời ước nguyện tốt lành của người treo. Người bạn phong linh mà tôi đang có cũng mang thông điệp này, ngay từ ngày đầu chạm mặt.

Thời xưa, chuông gió có công dụng báo hiệu cho chủ nhà mỗi khi khách mở cửa ra gió ùa vào nhà là có khách đến và dự báo được hướng gió. Còn ngày nay, chuông gió đặc biệt phổ biến trong các gia đình, bởi người dân coi trọng các yếu tốt phong thủy trong ngôi nhà. Phong linh đâu chỉ phải là cây đàn gió ngân nga cho vui tai, mà đôi khi bầu bạn với nó, là ta đã tin vào những gì thiện lành, sẽ tới.

Theo quan niệm tâm linh trong Phật giáo thì "tĩnh" biểu hiện cho cái chết, còn "động" biểu hiện cho sự sống. Vì thế, nếu treo chuông gió trong nhà thì sẽ giúp không gian có thêm âm thanh, trở nên sống động hơn rất nhiều.

Có những loại chuông gió sẽ mang theo các biểu tượng truyền thống khác nhau. Chuông gió có hình trái tim sẽ thúc đẩy tình duyên, có hình ảnh Đức Phật sẽ hướng nguồn năng lượng tốt vào nhà. Từ lúc vui buồn cùng phong linh chuông gió, dù chỉ mới đây thôi, tôi thấy mình như trẻ ra, biết sống, biết sẻ chia, biết nhịn nhường và cả vô số điều mà trước đây mình không bao giờ thấy rằng nó tốt hơn lên nếu ta làm nhiều hơn nữa, cho cuộc sống này, cho cuộc đời không mấy trơn tru mà mình đang có.

Hãy tìm cho mình một phong linh đàn gió, treo ở nơi có đầy đủ ánh nắng và thông gió, như vậy, chuông gió sẽ có tác dụng hóa sát. Nghĩa là hóa giải sự chết chóc, hay đơn giản chỉ là coi như không có gì cho việc có một gã nào đó tự nhiên ghét mình. Chuyện to sẽ hóa nhỏ, chuyện nhỏ sẽ hóa không có gì.

Ôi âm thanh của chuông gió tôi có, luôn tạo nên sự khuây khỏa, kích hoạt nguồn năng lượng tốt, xua đuổi những u buồn tịch liêu quây quanh chúng ta. Đó là điều cần quá cần...

Tôi xem phong linh của mình như một người bạn, điều đó thì đã rõ rồi, nhưng chúng tôi thấy mình có chung một "người thầy". Đó là ông thầy Tinh thần.

"Người thầy" nghe nói xưa giờ được coi là người bán trà giỏi nhất Việt Nam đó từng "dạy" chúng tôi là: "Mất tiền là không mất gì cả, mất uy tín thì mất 50%, còn mất tinh thần: là mất hết"!

Có đúng vậy không người bạn chuông gió phong linh của tôi?

Tinh thần, có thể vì sao đó mà vơi đi ít nhiều, nhưng ta không bao giờ bỏ buông tất thảy.

Vì đời, cơ bản là vui!

Nhà báo Lê Hồng Minh