Duyên Dáng Việt Nam

Chuyên gia bật mí 6 cách thổi bay cơn giận của trẻ nhỏ

Cẩm Tú • 04-05-2020 • Lượt xem: 1111
Chuyên gia bật mí 6 cách thổi bay cơn giận của trẻ nhỏ

Ở độ tuổi từ 1 đến 4, trẻ chưa hoàn thiện nhận thức về các hành vi ứng xử thường xuyên nóng giận, ăn vạ khi không được thỏa mãn yêu cầu của mình. Tiến sĩ Ray Levy,  nhà tâm lý học lâm sàng đã chỉ ra các chiến lược đơn giản giúp tắt cơn giận dữ khiến trẻ hợp tác nhanh chóng.

Tin, bài liên quan:

Muốn cho con chìa khóa thành công hãy dạy con biết cách tự kiểm điểm

Tiếp cận từ từ

Tiếp cận từ từ là cách ngăn ngừa những cơn tức giận từ sớm. Để ngăn ngừa những cơn tức giận của con, cha mẹ hãy trao cho bé quyền quyết định, quyền được lựa chọn những hoạt động mình thích. Điều đó giúp trẻ tự giác, tích cực và chủ động hơn trong mọi hoạt động.

Sự chủ động trong các hoạt động sẽ rèn luyện cho bé tinh thần mạnh mẽ, độc lập. Đây là nền tảng có thể xoa dịu bé những khi bé buồn bã sau này. 

Cha mẹ cũng nên dành thời gian chơi cùng con, tìm cơ hội để chỉ ra những hành vi tốt của con, ngay cả khi đó chỉ là những việc vô cùng nhỏ bé. Những lời khen ngợi của cha mẹ được ví như những viên thuốc “tăng lực” khiến trẻ hưng phấn, và có xu hướng lặp lại những hành vi tốt đẹp.

Hiểu lý do tại sao con phản ứng mạnh mẽ

Ở giai đoạn mẫu giáo, có một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự cáu giận của trẻ đó là khi bé mệt và đói; khi cha mẹ không hiểu được sự diễn đạt của bé.

Khi còn nhỏ, khả năng diễn đạt chưa tốt khiến cha mẹ không hiểu được những mong muốn và nhu cầu cần của con. Ở tuổi này, trẻ đang học cách xử lý cảm xúc của mình, vì vậy một sự bất đồng nhỏ cũng có thể trở thành nguồn cơn phẫn nộ. 

Tiến sĩ Hoecker khuyên cha mẹ nên dạy con một vài ký hiệu để biểu thị những việc con muốn làm. Những giao ước riêng tư này không chỉ giúp cha mẹ hiểu con hơn mà còn gắn kết tình cảm cha mẹ và con.

Đừng cố xoa dịu bé

Trẻ con thường ăn vạ, giận dỗi, quấy khóc khi không được đáp ứng mong muốn của mình, thậm chí đó là những mong muốn không hợp lý. Nếu hành vi của con không gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác thì mặc kệ chúng đôi khi lại là thượng sách.

Khi trẻ giận dỗi, khóc lóc, kêu gào mọi lời nói của cha mẹ bé đều không để tâm. Bởi vậy, hãy cho bé một thời gian cần thiết để lấy lại bình tĩnh. Nếu con bắt đầu đánh, đá, cắn hoặc ném đồ hãy nói rõ rằng làm tổn thương người khác là không thể chấp nhận được, kèm theo đó là một hình phạt đúng mức.

"Đôi khi một đứa trẻ chỉ cần trút cơn giận của mình”, Linda Pearson, tác giả cuốn Phép lạ kỷ luật nói. Hãy cho bé không gian để bé được tự do bộc lộ cảm xúc. Chỉ có vậy bé mới có thể thoát khỏi cảm xúc tiêu cực và lấy lại quyền tự chủ. Cha mẹ sẽ tránh được việc đối đầu với trẻ trong la hét hay giận dữ.

Nếu trẻ cáu giận, hãy để cho con tự qua cơn giận ấy thay vì vuốt ve, hỏi han vội vàng - Hình minh họa

Không thỏa hiệp

Để làm dịu cơn thịnh nộ của những đứa trẻ, cha mẹ thường đưa ra những trao đổi để thỏa hiệp với bé. Đó là một sai lầm. Điều đó sẽ hình thành phản xạ có điều kiện không tốt, bé sẽ nghĩ rằng chỉ cần giận dỗi, ăn vạ sẽ được đáp ứng yêu cầu.

Cha mẹ cần làm cho bé hiểu rằng, dù có ăn vạ, khóc lóc, giận dữ như thế nào thì cuối cùng không thể né tránh.Việc cần làm vẫn sẽ phải thực hiện. Ví như, nếu con bạn bực mình vì phải dọn dẹp đồ, cứ để bé vùng vẫy, sau khi bình tĩnh vẫn nhắc bé dọn đồ. Nếu con bạn khóc lóc vì không được ăn bánh, đừng đưa bánh cho bé sau khi bé ngừng khóc.

Kiên nhẫn không thỏa hiệp là một quá trình thử thách sự kiên định và bình tĩnh. Mặc dù không khiến bé nín ngay lập tức, phương pháp này giống như “mưa dầm thấm lâu” thay đổi thái độ của bé một cách từ từ nhưng hiệu quả.

Noah - Một em bé luôn có "tinh thần" tự lập, tự chơi vui vẻ khi mới chưa đầy một tuổi 

Tạo sự đa dạng

Trẻ em có những khoảng chú ý khá ngắn, chúng chuyển hướng rất nhanh chóng. Bởi vậy khi trẻ đang cáu giận, cha mẹ có thể đánh lạc hướng của trẻ bằng cách hướng trẻ sang các hoạt động khác như kể một câu chuyện hay cho bé một cái ôm thật chặt. Ôm làm cho trẻ em cảm thấy an tâm và cho bé biết rằng bạn quan tâm đến bé, ngay cả khi bạn không đồng ý với hành vi của bé.

Để con một mình

Khi trẻ cứng đầu, không thể giao tiếp hay khuyên nhủ được việc duy trì sự hiện diện của cha mẹ chỉ khiến cơn ăn vạ kéo dài hơn và làm cha mẹ mất bình tĩnh. Thay vì tiếp tục ở đó chứng kiến sự ngang ngược của con, cha mẹ có thể ra khỏi không gian đó, cho bé được khóc thoải mái và cho bản thân không gian để bình tĩnh.

Tự trấn an bản thân

Trẻ hay giận dỗi, ăn vạ khiến cha mẹ đôi khi bất lực, thậm chí rơi vào khủng hoảng. Nhưng đó là một phần tuổi thơ của bé mà cha mẹ phải học cách chấp nhận và đối phó.

Khi phải đối mặt với một đứa trẻ đang gào góc, cha mẹ có xu hướng quát tháo để áp đảo tâm lý của con. Nhưng hiệu quả luôn ngược lại, cha mẹ càng to tiếng, con càng sợ hãi và khóc to hơn.

Không thể dập tắt cơn giận của con bằng việc la hét, nhiều cha mẹ sử dụng cách tiêu cực hơn là đòn roi. Việc sử dụng đòn roi có thể trấn áp tinh thần bé nhưng không chỉ để lại vết thương trên cơ thể nó cũng cố thể để lại vết thương trong lòng trẻ nhỏ.

Vì vậy hãy chuẩn bị cho mình câu thần chú để đánh thức bản thân mỗi khi mất bình tĩnh, hít một hơi thật sâu và tự hỏi “mình có phản ứng thái quá không?”