Duyên Dáng Việt Nam

Muốn cho con chìa khóa thành công hãy dạy con biết cách tự kiểm điểm

Cẩm Tú • 24-04-2020 • Lượt xem: 736
Muốn cho con chìa khóa thành công hãy dạy con biết cách tự kiểm điểm

“Cảm xúc tiêu cực” là một loại vắc xin cần thiết cho sự khôn lớn của con mà cha mẹ đã vô tình bỏ qua.

Tin, bài liên quan:
Muốn nuôi con thông minh hãy tham khảo 4 mẹo tuyệt hay sau

Rối loạn tâm lý tuổi dậy thì: Giúp con vượt qua khủng hoảng như thế nào?

Để con trải nghiệm cảm xúc tiêu cực

Che chở cho con quá mức là một sai lầm phổ biến trong cách dạy con của người Việt. Xuất phát từ thứ tình yêu “tử cung” luôn muốn bao bọc con trong sự an toàn, cha mẹ luôn lo sợ, sợ con bị ngã, sợ con bị đau, sợ con bị bẩn, sợ con bị ốm. Vì thế mà cha mẹ vừa tự gây căng thẳng cho mình vừa không giúp ích gì cho sự phát triển của con.

Cơ chế phòng bệnh của vắc xin là kích thích cơ thể tạo nên miễn dịch “bắt chước” giống như nhiễm trùng tự nhiên sẵn sàng chống tác nhân gây bệnh trong những lần sau. Tương tự như vậy, “cảm xúc tiêu cực” là một loại vắc xin cần thiết cho sự khôn lớn của con mà cha mẹ đã vô tình bỏ qua.

Làm thế nào để con biết nghịch dao sẽ bị đứt tay? Dầm mưa có thể bị ốm? Đi chân trần có thể sẽ dẫm vào gai?

Nếu không bị đau vì đứt tay hay chưa bao giờ bị ốm vì dầm mưa những lời nhắc nhở của cha mẹ chẳng khác nào “nước đổ lá khoai”. Chẳng lời khuyên bảo nào hiệu quả và thấm thía hơn chính những điều bản thân được trải nghiệm.

Tùy vào từng độ tuổi, cha mẹ nên có sự điều chỉnh phù hợp, cho con được tiếp cận và trải nghiệm dần dần từng chút một. Cho con biết đói, con sẽ có bữa ăn ngon miệng. Cho con biết ốm con sẽ tự biết chăm sóc, giữ gìn bản thân mình như thế nào.

Trải nghiệm cảm xúc tiêu cực không chỉ giúp con tự điều chỉnh hành vi của mình mà còn biết quan tâm đến những người xung quanh hơn. Bởi khi đó con có sự cảm thông với nỗi đau của người khác, nỗi buồn của người khác.


Trải nghiệm cảm xúc tiêu cực không chỉ giúp con tự điều chỉnh hành vi của mình mà còn biết quan tâm đến những người xung quanh hơn - Hình minh họa

Cho con tự nhận lỗi

Khi còn nhỏ, mỗi lần bị ngã hay va đầu vào tường cha mẹ thường chạy đến “đánh chừa cái bàn này làm đau con này”. Tưởng như câu nói dỗ dành sẽ giúp trẻ nín khóc, những thực ra sẽ nảy sinh trong trẻ tư tưởng đổ lỗi. Dù làm sai bất cứ thứ gì cũng không phải tại mình. Càng lớn trẻ sẽ càng khó bảo và ích kỷ.

Sẽ ra sao khi đã trưởng thành, một sự việc không mong đợi hoặc một vấn đề xảy ra, chẳng hạn việc trễ deadline công việc, lỡ chuyến tàu hay làm bài điểm thấp, con cũng sẽ đổ lỗi do đồng nghiệp, ba mẹ, thầy cô hay thậm chí là… thời tiết?

Trở lại tình huống bị đập đầu vào bàn, nếu mẹ nói với bé “thương cái bàn quá, sao bạn ấy đứng yên mà con lại đâm vào làm bạn ấy bị đau rồi” và dạy con xin lỗi, có thể con không nín khóc ngay, nhưng con sẽ học được cách nhìn lại chính mình. Chỉ cho con nguyên nhân và nói cho trẻ biết người khác bị tổn thương như thế nào là cách giúp con tự nhận lỗi vô cùng hiệu quả.

Tiến sĩ tâm lý học lừng danh Menis Yousry, tác giả cuốn sách “Tìm lại chính mình” nói rằng: “Những người luôn đổ lỗi cho người khác là những người không bao giờ thành công, bởi bạn sẽ không thể biết được mình thất bại ở điểm gì để lần sau còn rút kinh nghiệm”. Khi đổ lỗi cho người khác, bạn cũng đang từ bỏ chính cơ hội để thay đổi bản thân mình trở nên tốt hơn. Điều này không chỉ đúng cho người lớn mà còn đúng với trẻ nhỏ.


“Cảm xúc tiêu cực” là một loại vắc xin cần thiết cho sự khôn lớn của con mà cha mẹ đã vô tình bỏ qua - Hình minh họa

Hướng dẫn cho con cách chịu trách nhiệm

Tinh thần trách nhiệm không phải bẩm sinh mà có, nó được hình thành nhờ sự bồi dưỡng và giáo dục. Quá trình bồi dưỡng này bắt đầu từ thời kỳ sơ sinh cho đến hết cuộc đời. Đặc biệt là giai đoạn trẻ học tiểu học, trẻ bắt đầu có khả năng tư duy độc lập và có ý thức tự giác. Đây là giai đoạn quan trọng để bồi dưỡng phẩm chất hành vi và ý thức trách nhiệm cho trẻ.

Cha mẹ Việt thường có suy nghĩ làm thay cho con vì con làm không sạch, làm chậm, còn nhỏ chưa làm được. Nhưng bao nhiêu tuổi mới được gọi là “lớn” thì không rõ. Chờ con khôn lớn thì việc phủ nhận trách nhiệm đã trở thành thói quen cố hữu mất rồi.

Trách nhiệm thực ra không phải là thứ nặng nề như ta vẫn nghĩ. Đơn giản là tự dọn dẹp “bãi chiến trường” của mình gây ra. Lau nhà khi làm đổ nước, rửa bát sau khi ăn xong, biết bỏ quần áo bẩn vào máy giặt… Chịu trách nhiệm không có nghĩa là có lỗi và biết nhận lỗi, làm sai và biết sửa sai. Chịu trách nhiệm còn là dạy con biết tự chăm lo cho bản thân và những người xung quanh.

Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt cho rằng “Tự do đòi hỏi rất nhiều ở mỗi người. Đi cùng với tự do là trách nhiệm. Với người không sẵn sàng trưởng thành, người không muốn mang sức nặng của chính mình, đây là một viễn cảnh đáng sợ”. Bởi vậy,  để con không phải đối mặt với “viễn cảnh đáng sợ” được dự báo trước ấy, cha mẹ nên bắt đầu dạy con cách tự chịu trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ.