ĐỜI SỐNG

Cơ chế nghỉ hai ngày cuối tuần và những sự thật thú vị đằng sau

Anh Thư • 11-02-2023 • Lượt xem: 1716
Cơ chế nghỉ hai ngày cuối tuần và những sự thật thú vị đằng sau

Đã bao giờ bạn đặt ra câu hỏi: “Vì sao hầu hết các cơ quan hay doanh nghiệp đều chỉ cho nhân viên làm việc năm ngày trong tuần và được nghỉ việc vào hai ngày cuối tuần”? Hãy cùng tìm ra lý do thật sự trong bài viết dưới đây.

Có một sự thật không phải ai cũng biết, đó là khái niệm hai ngày nghỉ vào cuối tuần chưa từng tồn tại trong suốt những năm của thế kỷ XIX và thế kỷ XX. Hầu hết công nhân viên của các nhà máy phải làm việc tất cả các ngày trong tuần. Hơn thế  nữa, họ đã đấu tranh mạnh mẽ để yêu cầu được giảm giờ làm, nhưng kết quả đều bằng không, những quan chức cấp cao đã không đoái hoài và những cuộc đấu tranh trở nên vô nghĩa. Vậy hai ngày nghỉ cuối tuần đã ra đời từ đâu và từ khi nào?

“Cha đẻ” của khái niệm này chính là Henry Ford, người sáng lập Công ty ô tô Ford Motor nổi tiếng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi trong quá khứ, Henry Ford được mệnh danh là một kẻ cứng nhắc và áp đặt, ông luôn dẫn đầu trong công cuộc phản đối sự đấu tranh xin giảm giờ làm của công nhân đến tận cùng. Nhiều người đã nghĩ rằng quyết định cho phép công nhân được nghỉ vào hai ngày cuối tuần là bởi Henry Ford đã động lòng trắc ẩn trước sự vất vả của công nhân. Nếu cũng có cùng suy nghĩ như trên thì bạn đã lầm.

Henry Ford - vua xe hơi

Lý do thật sự bắt đầu vào khoảng năm 1914, khi ông Henry Ford quyết định sẽ tăng lương cho công nhân của mình, từ khoảng 2.34$ một ngày lên thành 5$ một ngày. Nguyên nhân của sự tăng lương này là do Henry Ford bị thuyết phục bởi vị phó chủ tịch của mình, chính là ông James Couzens. James Couzens cho rằng hành động tăng thêm thu nhập cho công nhân không chỉ giúp giữ chân họ ở lại với công ty, ổn định lòng tin của họ đối với ban lãnh đạo mà còn gián tiếp khuyến khích sự tiêu xài của công nhân. James Couzens hiểu rằng khi con người càng có nhiều tiền thì nhu cầu và ham muốn dùng tiền để mua sắm, ăn uống cũng sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và biết đâu trong số những người công nhân này, sẽ có vài người quay trở lại mua xe hơi của hãng. Đây quả thực là một suy nghĩ rất chính xác và khó có thể chối cãi. Kiếm tiền không khó bằng giữ tiền, có nhiều thì xài nhiều đã trở thành một đặc tính vốn có của nhiều người. Cụ thể hơn, một nhân viên của công ty có thể dành ra vài tháng lương của mình để mua một chiếc xe hơi, điều đó có nghĩa là anh ta đã làm việc không công nhiều tháng liền cho công ty, cuối cùng tiền lương lại chui ngược vào túi ông chủ, vì giá thành sản xuất chỉ bằng một con số rất nhỏ so với giá bán ra. Đây quả là một pha kích cầu hoàn hảo, một sự bóc lột ngọt ngào.

Tương tự, Henry Ford đã lập ra kế hoạch chỉ làm việc năm ngày một tuần và được nghỉ hai ngày cuối tuần. Bởi vì khi người ta có tiền, người ta cũng cần thời gian để tiêu tiền. Henry Ford hiểu rằng hai ngày nghỉ cuối tuần là khoảng thời gian tuyệt vời để mua sắm, ăn uống và họ sẽ cảm thấy cần một phương tiện di chuyển nhiều hơn hết.

Đó là lý do cụ thể nhất vì sao khái niệm hai ngày nghỉ cuối tuần ra đời. Rất nhiều nhà sáng lập của các công ty lớn nhỏ khác nhau đã nhanh chóng nhận ra “chiêu trò” trong kế hoạch này của Henry Ford, nhờ vậy mà nguyên tắc làm việc 8 tiếng mỗi ngày, tối đa 40 giờ mỗi tuần càng được nhân rộng và lưu giữ đến ngày nay. Một kế hoạch tuyệt vời khi bạn thoải mái bóc lột mà người ta còn quay lại cảm ơn bạn.

Tuy nhiên, nếu suy nghĩ theo một khía cạnh tích cực thì đây là một chính sách hợp lý và có lợi cho cả người lao động. Kích thích nhu cầu sử dụng các dịch vụ ăn uống và mua sắm của người lao động cũng là cách giúp thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển mạnh mẽ, có thời gian nghỉ ngơi giúp tăng năng suất lao động và hồi phục sức khỏe.

Trên đây là lý do vì sao hầu hết các công ty thường cho nhân viên làm việc năm ngày trong tuần và khái niệm hai ngày nghỉ cuối tuần ra đời. Điều quan trọng nhất là hãy suy nghĩ theo khía cạnh tích cực và tự quản lý chi tiêu của mình sao cho hợp lý là cách để tận hưởng trọn vẹn hai ngày nghỉ của bạn mà không mắc vào “bẫy ngọt ngào” của các ông chủ lớn.