Những món ăn của người Hoa vừa ngon lạ, vừa tinh tế khéo léo trong khâu chế biến đã lấy lòng biết bao thực khách và trở thành nét đặc trưng rất riêng của Sài Gòn.
Ở Sài Gòn còn có hẳn những khu phố Hoa với rất nhiều món ăn hấp dẫn, phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách Hoa và người bản địa. Có thể gọi tên một vài món thịnh hành ở nước ta, làm “say lòng” bao thực khách như: Vịt quay Bắc Kinh, mì vịt tiềm, giò heo Tiều, cháo Tiều, hoành thánh, há cảo, sủi cảo... Ở khía cạnh nào đó, tên gọi của chúng vẫn rất “Hoa” nhưng ít nhiều đã được Việt hóa, từ cách chế biến đến hương vị để phù hợp với khẩu vị người Việt.
Ẩm thực người Hoa ở Sài Gòn trải dài từ các quận 5, 6, 11 và một phần quận 10 với những hàng ăn tràn ngập hương vị hấp dẫn cùng màu sắc bắt mắt.
Phá lấu
Phá lấu là một món ăn gốc Hoa tiêu biểu nhất ở Sài Gòn. Món ăn được chế biến từ nội tạng heo hoặc bò, gồm hèo, lá sách, lá mía, phổi, gan,… Sau khi sơ chế thật sạch để hết mùi tanh nồng, người ta ướp cùng với ngũ vị hương, quế chi, đại hồi,… và một số gia vị thuốc bắc. Thường được dùng chung với cơm hoặc cháo, tuy nhiên bên cạnh cách ăn truyền thống, phá lấu còn có thể ăn kẹp chung với bánh mì nóng, chan kèm nước chấm, thêm kim chi, dưa cải,… để không bị ngán.
Sủi cảo
Nhắc đến sủi cảo, dân sành ăn không ai là không biết đến con đường Hà Tôn Quyền bậc nhất chuyên về mì sủi cảo, sủi cảo chiên được nêm nếm rất vừa miệng. Từng phần ăn rất chất lượng, nhân tôm thịt đầy đặn được gói rất chắc tay. Dù là sủi cảo chiên hay sủi cảo nước thì đều ngon cả. Một khi đã ăn là sẽ nhớ mãi, trở thành điểm đến quen thuộc của rất nhiều người.
Mì vịt tiềm
Không chỉ là món ăn nổi tiếng trong nền ẩm thực Trung Quốc, mì vịt tiềm đã trở nên phổ biến ở đất Sài thành. Đặc trưng của món này chính là cách sử dụng các gia vị thảo mộc ninh nấu, tạo nên hương vị thơm ngon. Và kích thích hơn cả là chiếc đùi vịt to chiếm hết cả mặt tô mì thơm phức. Đi cùng với đó là phần nước lèo đúng vị với 5 loại thuốc bắc được hầm cùng xương.
Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được nước dùng ngọt mà không béo, sợ mì tươi được làm từ trứng, nhỏ, dai, ăn kèm các loại rau xanh nên không ngấy. Món ăn này kèm với một chút chua ngọt, giúp cân bằng lại hương vị và tăng thêm độ hấp dẫn.
Cháo Tiều
Cháo Tiều của người Tiều ở Tiều Châu – Trung Quốc được du nhập vào Sài Gòn từ những năm 50. Đây là một trong những món ăn đại diện cho người Hoa ở Sài Gòn. Thế nhưng, cháo Tiều cũng giống như cháo lòng thông thường của người Việt nhưng khác ở cách chế biến. Chỉ là nồi cháo trắng nấu vừa chín tới, trong làn nước xâm xấp, được kết hợp với mực, nấm, thịt bằm, nội tạng lợn như tim, gan, cật… thêm ít hành hoa, tiêu bột lại đủ sức níu chân bất cứ thực khách khó tính nào.
Dimsum
Trong tiếng Trung Quốc, dimsum (hay "điểm sấm") mang ý nghĩa là chạm đếm trái tim. Đây là loại hình ẩm thực chỉ bữa ăn nhẹ, với hơn 100 món gồm đồ ngọt, mặn, chế biến theo phương pháp chiên hoặc hấp.
Đặc trưng của dimsum là lớp bột mỏng bên ngoài, ôm lấy phần nhân tôm, thịt, hải sản, rau củ đầy đặn phía trong. Không chỉ đa dạng trong cách chế biến, nguyên liệu, dimsum còn phong phú cả hình dáng bên ngoài. Vỏ bánh được tạo hình khéo léo với những diềm xếp độc đáo, kiểu nụ hoa, cánh quạt...
Vịt quay Bắc Kinh
Đây là món đặc sản không còn xa lạ trong ẩm thực của người Hoa ở Việt Nam, bắt nguồn từ Bắc Kinh, Trung Quốc.
Đặc trưng của món vịt quay Bắc Kinh là vịt sau khi được đưa lên quay sẽ có da màu vàng sậm, giòn. Do được ướp với mạch nha, gia vị giấm đỏ, đường, muối, ngũ vị hương trước khi quay nên có mùi thơm và vị vô cùng hấp dẫn. Đây chính là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người Hoa ở Việt Nam.
Chè Hoa
Những món chè của người Hoa luôn chú trọng vào các nguyên liệu giải nhiệt cơ thể, tốt cho sức khỏe như chè mè đen, hột gà trà, sâm bổ lượng, củ năng bạch quả hay đậu xanh hạt sen, đu đủ tiềm.
Mỗi khi nhắc đến chè, thực khách sành ăn liền nhớ đến những cái tên đã giữ một vị trí vô cùng thân thuộc với họ như chè cột điện (chè nhà đèn), chè Hà Ký hay chè Tường Phong. Thực đơn khá giống nhau nhưng mỗi nơi lại mang một hương vị đặc trưng riêng, không lẫn vào đâu được.
Hủ tiếu hồ
Đây là món ăn quen thuộc của người Triều Châu (Trung Quốc) và theo chân họ đến đất Sài Gòn từ vài chục năm về trước. Hủ tiếu hồ chỉ bán trong khu quận 5, 6 và 11, nơi có nhiều người Hoa sinh sống.
Hủ tiếu hồ ăn kèm bao tử và lưỡi lòng heo - những bộ phận có giá khá cao trong nội tạng heo. Bánh hủ tiếu dùng để nấu hủ tiếu hồ to bản hơn sợi hủ tiếu thường rất nhiều lần. Nó dài vừa phải, bề ngang to, mỏng, trơn láng, thơm mùi bột gạo sừng sực, có chút dai nhẹ.